Phương Tây vẫn không thể đạo diễn ván cờ Libya hậu Gaddafi

Thỏa thuận không được các phe phái ký kết, cho thấy phương Tây chưa thể sắp đặt một bàn cờ chính trị mới cho Libya, để hóa giải lời nguyền Gaddafi...

The Guardian ngày 29/5 đưa tin, các lãnh đạo chủ chốt tại Libya thời hậu Gaddafi đã đồng ý về việc tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội, nhằm kết thúc xung đột tại quốc gia Bắc Phi này.

Thỏa thuận giữa các phe phái đang kiểm soát Libya tại Hội nghị quốc tế Paris về tình hình Libya do Pháp đăng cai tổ chức, đánh dấu sự can thiệp của phương Tây vào bàn cờ chính trị Libya thời hậu Gaddafi.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ca ngợi thỏa thuận giữa các phe phái Libya là một bước ngoặt trong nỗ lực nhằm mang lại hòa bình cho Libya, tạo ra một động lực mới để khôi phục chủ quyền của Libya.

Hội nghị Quốc tế Paris về Libya

"Chúng tôi có thể cam kết về một đất nước Libya ổn định, khi lịch trình cho các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống đã được phê duyệt", người đứng đầu Điện Elysees hào hứng.

Theo thỏa thuận, các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống tại Libya sẽ diễn ra vào ngày 10/12/2018. Ngày 16/9 Hội đồng bầu cử sẽ được thành lập để đảm việc tổ chức bầu cử sẽ diễn ra đúng khuôn khổ của Hiến pháp.

“Chúng tôi cam kết sẽ làm việc tích cực với LHQ để tổ chức các cuộc bầu cử một cách dân chủ đáng tin cậy, đảm bảo diễn ra trong hòa bình vào ngày 10/12 và tôn trọng kết quả bầu cử”, thỏa thuận ghi rõ.

Bên cạnh đó, "Thỏa thuận Paris" cũng xác định lực lượng an ninh Libya “sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho quá trình bầu cử, với sự hỗ trợ của LHQ, các tổ chức khu vực và quốc tế. Bất kỳ lực lượng nào cản trở bầu cử sẽ bị trừng phạt".

Thỏa thuận quy định: "Để cải thiện bầu không khí cho các cuộc bầu cử quốc gia, Hạ viện Libya đóng tại Tobruk sẽ phải dời đến Tripoli và chính phủ được thành lập ở miền đông Libya sẽ phải được giải thể theo từng bước".

Tuy nhiên, "hai chính phủ phải ngay lập tức đi đến thống nhất về quản lý Ngân hàng trung ương Libya và các định chế căn bản khác", thỏa thuận giữa các phe phái Libya nêu cụ thể từng vấn đề cho tiến trình thống nhất.

Ngoài ra, theo thỏa thuận, trong trung hạn, quân đội và lực lượng an ninh với nhiều thành phần được gọi là Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tổng tư lệnh Khalifa Haftar, cũng sẽ phải được thống nhất dưới sự bảo trợ của LHQ.

Như vậy, với những nội dung căn bản, cho thấy tiến trình chính trị của Libya đã đạt được dấu mốc quan trọng và dường như lực lượng chính trị đang kiểm soát miền đông Libya đã chấp nhận một cơ chế do LHQ bảo trợ.

Rõ ràng đây là một thắng lợi của lực lượng chính trị đang kiểm soát miền tây Libya được phương Tây chống lưng, dù thực lực kém hơn và đia vị pháp lý thì chưa được công nhận, thậm chí thực thể chính trị đại diện còn đang tồn tại bất hợp pháp.

Chính phủ Tripoli đang tồn tại bất hợp pháp nên phương Tây rất lo lắng

Tuy nhiên, thực tế thì lại không hẳn như vậy. Bởi "Thỏa thuận Paris" chỉ được các đại diện phe phái tham dự Hội nghị quốc tế về Libya đồng ý bằng miệng nên giá trị pháp lý của nó chưa thể được xác lập.

Theo The Guardian, Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya Khalifa Haftar, Chủ tịch Hạ viện Libya đóng tại Tobruk Aguila Saleh và người đứng đầu Hội đồng nhà nước Libya Khaled al-Mishri đã không ký thỏa thuận.

Do vậy Thủ tướng chính phủ Libya được LHQ bảo trợ đóng tại Tripoli Fayez al-Sarraj đã không thể ký văn bản quan trọng này. Điều đó đồng nghĩa lực lượng chính trị thân phương Tây tại Libya chỉ chiến thắng trong ước vọng.

Mặc dù Tổng thống Macron cho biết thỏa thuận không được ký kết vì đại diện các phe phái cần tham khảo thêm ý kiến, song giới quan sát lại cho rằng việc soạn thảo thỏa thuận thực ra chỉ là sự cố gắng của phương Tây mà Paris là đại diện.

Chính Đặc phái viên của LHQ về Libya Ghassan Salamé, cũng phải thừa nhận vẫn còn quá nhiều việc phải làm và đầu tiên nhất phải làm sao có được thỏa thuận ngừng bắn giữa các lực lượng thì mới nói đến việc tổ chức bầu cử.

Không những vậy, ngoài việc chưa thể thuyết phục được lực lượng đang kiểm soát miền đông, phương Tây cũng chưa nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Phi (AU), được xem là đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết tình hình Libya.

Dù có năm lãnh đạo châu Phi đã tham dự Hội nghị quốc tế Paris về Libya, song đại diện lục địa đen vẫn không đồng thuận với phương Tây và LHQ về việc tổ chức bầu cử tại Libya trong bối cảnh xung đột vũ trang chưa được giải quyết.

Còn nhớ, ngày 30/1 vừa qua AU đã lên tiếng cảnh báo sẽ chống lại mọi cuộc bầu cử ở Libya. AU cho rằng LHQ không nên hỗ trợ Libya vội vàng tổ chức các cuộc bầu cử để hy vọng chấm dứt xung đột ở quốc gia này.

Trong Hội nghị thượng đỉnh của AU diễn ra tại Addis Ababa của Ethiopia, Đăc phái viên của LHQ vể Libya Salame đã thảo luận với các nhà lãnh đạo khu vực về một cách tiếp cận chung đối với Libya.

LHQ cố gắng giúp phương Tây nhưng chưa được

Và "chúng tôi đã được ông Ghassan Salame cho biết cuộc xung đột này phức tạp và khó khăn đến nỗi không tổ chức nào có thể tự giải quyết được vấn đề đó", ủy viên Hội đồng Hòa bình và An ninh của AU Smail Chergui, trao đối với báo giới như vậy.

Vì vậy, "chúng tôi cho rằng không nên vội vàng tổ chức các cuộc bầu cử. Chúng ta phải chuẩn bị cơ sở vững chắc cho các cuộc bầu cử ôn hòa và đáng tin cậy để các kết quả sẽ được tất cả các bên tôn trọng", ông Chergui nêu quan điểm của AU.

Nay thì đến lượt "Thỏa thuận Paris" không được các phe phái tại Libya ký kết. Điều đó cho thấy phương Tây vẫn chưa thể sắp đặt một bàn cờ chính trị mới cho Libya, dù họ rất cố gắng để hy vọng có thể hóa giải "lời nguyền Gaddafi".

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phuong-tay-van-khong-the-dao-dien-van-co-libya-hau-gaddafi-3359415/