Phương Tây toan tính gạt Nga ra khỏi Nam Cực

Hoa Kỳ đang cố gắng sửa chữa những sai lầm mắc phải ở Bắc Cực

Trong ảnh: Thủy thủ đoàn của tàu ngầm lớp Seawolf, USS Connecticut (SSN 22), sau khi con tàu nổi lên ở Vùng Cực trong Cuộc tập trận trên băng (ICEX) 2020, Biển Beaufort (Ảnh: ZUMA / TASS)

Trong ảnh: Thủy thủ đoàn của tàu ngầm lớp Seawolf, USS Connecticut (SSN 22), sau khi con tàu nổi lên ở Vùng Cực trong Cuộc tập trận trên băng (ICEX) 2020, Biển Beaufort (Ảnh: ZUMA / TASS)

Các nước phương Tây đang cố gắng biến Nga trở thành "kẻ bị ruồng bỏ" ở Nam Cực và dần hất cẳng Nga khỏi khu vực này. Ông Vasily Sokolov, Phó giám đốc Rosrybolovstvo đã trả lời phóng viên RIA Novosti về điều này.

Theo quan chức này, hiện nay đề xuất của một số nước phương Tây về việc tạo các khu bảo tồn biển (KBTB) ở Nam Cực đang ngày càng trở nên phổ biến, trong đó bất kỳ hoạt động kinh tế nào, bao gồm cả nghề cá, đã phổ biến ở đó hơn một thập kỷ qua, cũng sẽ bị cấm.

Về mặt hình thức, điều này giúp cho việc bảo vệ hệ sinh thái của khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế thì các quốc gia có mặt trong khu vực phải làm quen dần với ảnh hưởng của các quốc gia khởi xướng.

“Và điều này thật đáng báo động. Cách tiếp cận này khiến cho một số người khởi xướng việc tạo ra các khu bảo tồn biển lại sẽ trở thành những người hưởng lợi chính từ việc khai thác tài nguyên sinh vật biển của khu vực Nam Cực”. Ông Sokolov lưu ý.

Vào mùa hè năm 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh phát triển chương trình mua hạm đội tàu phá băng để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Bắc Cực và Nam Cực, cũng như tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở những khu vực này. Hạm đội vùng cực của Hoa Kỳ hiện bao gồm hai tàu, một trong số đó đã hơn 40 năm tuổi.

Như các chuyên gia nhận định, nếu vị trí của Nga ở Bắc Cực là rất mạnh và những nỗ lực của phương Tây nhằm lật đổ Nga ở đó khó có kết quả, thì tình hình ở Nam Cực về cơ bản là khác, và cuộc tranh giành khu vực này giữa các cường quốc thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc, vẫn còn ở phía trước.

Chuyên gia quân sự Andrey Koshkin – Trưởng khoa Khoa học Chính trị và Xã hội học của Trường Đại học kinh tế mang tên Plekhanov cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, ngày nay toàn bộ phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đang xem xét lại các phạm vi ảnh hưởng.

Đây không chỉ nói về đất liền và thềm lục địa, mà còn đề cập đến không gian mạng, không gian vũ trụ. Họ có ý định loại bỏ tất cả những người không có chung lý tưởng với họ và không nằm trong các liên minh quân sự-chính trị phù hợp.

Nam Cực và Bắc Cực được xem xét trong cùng một bối cảnh. Về phương diện chính thức, Nam Cực là một khu vực nghiên cứu khoa học, nhưng hầu hết các cuộc thám hiểm của phương Tây ngày nay đều theo đuổi các kế hoạch chiến lược để khám phá dưới lòng đất và trong tương lai sẽ sửa đổi lại ảnh hưởng của phương Tây.

Họ rất muốn hất cẳng Liên bang Nga và các đồng minh khỏi đây, càng sớm càng tốt để "đóng đinh" ở Nam Cực, điều này sẽ cho phép họ sau đó có thể tuyên bố rằng đây là phạm vi ảnh hưởng của họ.

Vì vậy, họ đang thực hiện những thủ đoạn kiểu như, một mặt thì tuyên bố rằng đây là lãnh thổ dành cho tất cả mọi người, nhưng mặt khác Hoa Kỳ và các đồng minh lại muốn kiểm soát nó. Các tiểu xảo kiểu này sẽ tạo ra một nền tảng cho ảnh hưởng của họ ở Nam Cực.

Các nhà lãnh đạo phương Tây đã thấy rõ một thực tế là họ đã bỏ lỡ các cơ hội ở Bắc Cực. Mặc dù vậy họ vẫn cố gây ra những chấn động về tình hình xung quanh Tuyến đường biển phía Bắc, vẫn cố nhòm ngó những khu vực đã được quốc tế công nhận là vùng ảnh hưởng của Liên bang Nga.

Họ coi Nam Cực là cơ hội để xem xét lại những sai lầm của Bắc Cực và thực hiện các biện pháp để đảm bảo thành công trong việc thiết lập ảnh hưởng của họ trên vùng lãnh thổ tối đa.

Đối với chính quyền Nhà Trắng, Liên hiệp quốc không phải là nền tảng toàn cầu, để Mỹ bắt buộc phải tuân theo các quyết định của nó. Rất có thể, Hoa Kỳ sẽ cố gắng lập ra cái mà họ gọi là trật tự thế giới.

Họ đang đưa Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản đến để tăng cường ảnh hưởng. Họ không có đủ nguồn lực để tự mình làm việc này. Nhưng việc xây dựng các liên minh có thể hỗ trợ cho các kế hoạch chiến lược của họ ở những khu vực đầy hứa hẹn này là một trong những nhiệm vụ chính của giai đoạn hiện nay.

Hoa Kỳ vẫn sẽ không từ bỏ nỗ lực củng cố ảnh hưởng của mình ở Bắc Cực. Họ đã tuyên bố thành lập hạm đội Bắc Cực, giống như Liên bang Nga nhưng để xây dựng một hạm đội phương Bắc cần có thời gian, nguồn lực và một chiến lược tập trung.

Mặt khác, nếu nhìn vào các cuộc tập trận do các lực lượng vũ trang của NATO tiến hành, sẽ thấy chúng chủ yếu nhằm vào lãnh thổ Bắc Cực. Nếu như trước đây Nga không củng cố một cách nghiêm túc các vị trí của mình trong khu vực thì bây giờ chắc chắn sẽ bị tấn công nghiêm trọng.

Đó là lý do tại sao phương Tây hiện đang cố gắng bù đắp cho những thiếu sót này ở Nam Cực. Nhưng ở Nam Cực họ phải áp dụng những công nghệ khác, vì cho đến nay đây vẫn là lãnh địa của nghiên cứu khoa học. Mặc dù bản chất của những nghiên cứu này đôi khi làm dấy lên nghi ngờ rằng chúng mang yếu tố quân sự hóa. Những khuynh hướng như vậy đã có thể nhìn thấy ngay từ bây giờ.

Cộng đồng thế giới từ lâu đã thỏa thuận là sẽ không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào ở Nam Cực, không tiến hành các hoạt động kinh tế và không triển khai vũ khí hạt nhân ở đó.

Có một số điều ước quốc tế điều chỉnh hoạt động của tất cả các quốc gia ở Nam Cực. Đây là một lục địa mở, nơi tất cả các quốc gia có thể tham gia vào các hoạt động khoa học.

Tất nhiên, bây giờ, khi vấn đề sử dụng các nguồn tài nguyên trên hành tinh đang trở nên gay gắt hơn, mọi con mắt đang đổ dồn về Nam Cực. Ở đó không có mỏ tài nguyên khoáng sản lớn dễ tiếp cận, nhưng lại có lượng cá lớn ở các khu vực xung quanh.

Nhiều quốc gia đang cố gắng kiểm soát các khu bảo tồn này, đưa ra nhiều công thức khác nhau, chẳng hạn như có những vùng biển đặc biệt cấm đánh bắt cá.

Thông thường, Nga luôn là đối tượng để mắt tới của những sáng kiến này, mặc dù không phải lúc nào người ta cũng nhắc đến Nga mà còn nhắc đến cả Nhật Bản, quốc gia cho đến gần đây đã tích cực đánh bắt cá voi ở Nam Cực, gây thiệt hại đáng kể cho lượng cá voi ở đây.

Trung Quốc ngày nay cũng đang đổ xô đến Nam Cực, và rõ ràng là các lợi ích kinh tế và địa chính trị của phương Tây, Nga và Trung Quốc đang có xung đột trên lục địa này. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ chứng kiến sự căng thẳng ngày càng gia tăng của cuộc đấu tranh này.

Vị thế của Nga ở Nam Cực yếu hơn so với vị thế của phương Tây, nhưng nếu hợp tác với Trung Quốc, Nga có thể chống lại họ. Vì vậy, Nga cần đi theo con đường đàm phán với phương Tây và tìm cách để ký kết các thỏa thuận quốc tế nhằm điều chỉnh hoạt động kinh tế ở vùng ven biển.

Điều này không phải là dễ dàng vì như đã nói ở trên, vị thế của Nga trong khu vực này không đủ mạnh. Nga chủ yếu nắm vùng Bắc Cực, lợi ích của Nga nằm ở đó, có cơ hội lớn để sử dụng tài nguyên khoáng sản, và Nga có thể đứng vững ở đó mà không sợ bị đẩy ra khỏi khu vực này.

Còn ở Nam Cực thì tình hình khác hẳn. Liệu Nga có cần phải tham gia vào một cuộc cạnh tranh khó khăn với phương Tây để tranh giành Nam Cực hay không là một câu hỏi lớn, mặc dù sẽ không bao giờ có chuyện dễ dàng bỏ đi mà không chiến đấu.

Trong những năm tới, Nga dự định sẽ quan sát sự phát triển của tình hình ở Nam Cực, khu vực đóng vai trò ngày càng to lớn trong quan hệ giữa Nga, phương Tây và Trung Quốc.

Nguyễn Quang (Theo “Svobodnaia Pressa” Nga)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phuong-tay-toan-tinh-gat-nga-ra-khoi-nam-cuc-3421481/