'Phương Tây tiến sát nguy cơ thế chiến sau vụ rơi tên lửa ở Ba Lan'

Kinhtedothi – Ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, đưa ra cảnh báo trên trong ngày 16/11 khi đề cập đến vụ tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan.

Ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga. Ảnh: Tass

Ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga. Ảnh: Tass

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng phương Tây đang đẩy thế chiến thứ ba đến gần hơn bằng cách tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp nhằm vào Nga.

Theo Tass, giới chức Nga nghi ngờ rằng vụ việc tên lửa rơi xuống Ba Lan là một nỗ lực để Moscow và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bùng phát xung đột trực tiếp, cảnh báo nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới.

Theo hãng tin Reuters, Nga phủ nhận liên quan tới vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan, nhấn mạnh nước này không thực hiện các vụ tập kích vào khu vực gần biên giới Ukraine - Ba Lan.

Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin nói rằng tên lửa của Nga bắn trúng lãnh thổ Ba Lan, đồng thời mô tả những cáo buộc như vậy là "hành động khiêu khích có chủ ý nhằm làm leo thang tình hình". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng ông không nhận được bất kỳ thông tin nào về vụ nổ ở Ba Lan.

Ngày 16/11, ông Dmitry Polyansky, người đứng đầu phái đoàn thường trực của Nga tại Liên hợp quốc nhận định trên Telegram: "Có nỗ lực kích động một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga, điều có thể gây ra hậu quả cho thế giới".

Trước đó, ngày 15/11, một tên lửa đã rơi trúng một trang trại ở làng Przewodow của Ba Lan, cách biên giới Ukraine chỉ 6km, khiến 2 người thiệt mạng. Bộ Ngoại giao Ba Lan sau đó ra thông báo nói rằng: "Một tên lửa do Nga sản xuất đã rơi xuống, khiến 2 công dân của Ba Lan thiệt mạng". Người phát ngôn Lukasz Jasina cho hay, Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu tập đại sứ Nga để "giải thích rõ ràng và ngay lập tức".

Ba Lan - một thành viên NATO - thừa nhận chưa có bằng chứng xác đáng bên nào đã phóng tên lửa và đang mở cuộc điều tra.

Chính quyền các nước phương Tây hiện chưa đưa ra bất cứ kết luận nào về việc ai đã phóng tên lửa.

Phát biểu sau khi họp với các lãnh đạo thế giới bên lề thượng đỉnh G20 ở Indonesia để thảo luận về vụ nổ mà giới chức Ba Lan cho là do tên lửa Nga gây ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, thông tin ban đầu cho thấy nguyên nhân không phải do tên lửa bắn từ Nga.

Khi được hỏi liệu có quá sớm để khẳng định tên lửa được bắn từ Nga hay không, Tổng thống Biden nói: “Thông tin ban đầu không cho thấy như vậy. Tôi không muốn nói chắc chắn cho đến khi điều tra xong, nhưng khó có khả năng đường bay từ hướng Nga, nhưng chúng tôi sẽ điều tra”.

Theo người đứng đầu Nhà Trắng, Mỹ và NATO sẽ điều tra đầy đủ trước khi hành động.

Do Ba Lan là thành viên của NATO, nên sự cố tên lửa rơi gây thiệt mạng đã khiến giới quan sát lo ngại về nguy cơ xung đột Nga - Ukraine lan rộng ra châu Âu và có thể kéo NATO vào cuộc.

Ba Lan có thể kích hoạt các điều trong hiến chương của NATO về chính sách phòng thủ chung của liên minh, trong đó có điều 5 quy định rằng, một cuộc tấn công nhằm vào một hoặc nhiều thành viên NATO được coi là tấn công toàn liên minh và khối có thể đáp trả bằng vũ lực.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phuong-tay-tien-sat-nguy-co-the-chien-sau-vu-roi-ten-lua-o-ba-lan.html