Phương Tây 'tá hỏa' vì nhiều quân nhân Trung Quốc du học chui

Nhiều trường đại học ở Mỹ, Anh, Australia và các quốc gia khác không mấy mặn mà trong việc hợp tác trao đổi sinh viên với quân đội Trung Quốc. Nguyên nhân do đâu?

Theo Quartz, đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) ở Canberra. Theo ASPI, hàng chục nhà khoa học và kỹ sư có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc đã phải che giấu sự thật này để nộp đơn du học.

Cũng theo ASPI, mối quan hệ cộng tác giữa các trường đại học ở 5 nước thuộc nhóm "Ngũ nhãn" là khăng khít nhất đồng thời tạo nên một liên minh tình báo bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ. Điều đáng nói, cả 5 quốc gia này đều xem Trung Quốc là “đối thủ tình báo lớn của họ”. Do đó, nhiều trường đại học ở 5 quốc gia trên có chung mối quan ngại về việc liệu việc chấp nhận để các nhà khoa học Trung Quốc sang theo học có tạo cơ hội cho họ thực hiện hoạt động tình báo hoặc ăn cắp bản quyền trí tuệ.

Nhiều trường đại học quốc tế “cấm cửa” giới khoa học quân sự Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Theo nghiên cứu của ASPI, khoảng 2.500 nhà khoa học quân sự được quân đội Trung Quốc tài trợ đã đi du học từ năm 2007. Việc các nhà khoa học quân sự Trung Quốc được chấp nhận theo học ở các trường đại học quốc tế đôi khi đến từ cái bẫy tài chính mà Trung Quốc đưa ra.

Đây cũng chính là lý do theo ASPI, số lượng các ấn phẩm cộng tác chung giữa các trường đại học quốc tế và các nhà khoa học của quân đội Trung Quốc đang tăng đều. Điều quan trọng là những ấn phẩm này lại liên quan tới hàng loạt lĩnh vực nhạy cảm như mật mã, công nghệ tự lái và công nghệ hàng hải.

Trong chiến lược được quân đội Trung Quốc mô tả là “hái hoa ở nước ngoài để biến thành mật ở Trung Quốc”, quân đội Trung Quốc đã cố tình che giấu mối quan hệ giữa các du học sinh và quân đội nước nhà để đưa họ ra nước ngoài học tập và nghiên cứu. Đây hoàn toàn trái với hoạt động trao đổi liên quân diễn ra một cách minh bạch giữa Trung Quốc và nhiều nước.

Còn theo ASPI, các sinh viên được cử ra nước ngoài cũng thường chủ động làm sai hồ sơ khi tìm cách giấu diếm mối liên hệ với quân đội Trung Quốc như đưa ra tên giả của một viện nghiên cứu hoặc thay đổi tên của các viện nghiên cứu đang tồn tại. Ví dụ, một số nhà khoa học từng theo học Đại học Kỹ thuật thuộc Lực lượng Tên lửa chiến lược Trung Quốc ở thành phố Tây An của tỉnh Thiểm Tây lại khai trong hồ sơ là từng theo học tại Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Tây An. Trên thực tế, Viện Nghiên cứu này không hề tồn tại.

Trong đó, các viện nghiên cứu dù không tồn tại nhưng thường được du học sinh Trung Quốc ghi trong hồ sơ nhiều nhất là Viện Công nghệ và Khoa học Thông tin Trịnh Châu với hơn 1.300 tác giả ghi tên trong các cuốn sách đồng xuất bản với một loạt trường đại học quốc tế.

Trong đó, hơn 20 cá nhân đã sử dụng Viện Công nghệ và Khoa học Thông tin Trịnh Châu để che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc để ra nước ngoài với 17 người đã tới Australia. Thậm chí, một số người còn tạo ra các bộ hồ sơ chuyên nghiệp trên LinkedIn nhưng lại chứa thông tin sai sự thật nhằm biến những thông tin này trở nên đáng tin hơn.

Cụ thể, chính quyền Na Uy đã trục xuất 1 nhà khoa học Trung Quốc cùng người thầy hướng dẫn vào năm 2015 trước những bằng chứng cáo buộc 2 người này tiến hành công trình nghiên cứu ở Đại học Agde để phục vụ phát triển tên lửa hành trình siêu thanh. Thậm chí, nhà khoa học Hu Xiaoxiang đã cho công bố 5 tài liệu tại Đại học Agde trong đó viết từng theo học tại Viện Nghiên cứu Tây An, một cơ sở đào tạo không hề có thật. Sau này, ông Hu còn bị phát hiện từng làm luận án về máy bay siêu thanh tại thuộc Đại học Kỹ thuật thuộc Lực lượng Tên lửa chiến lược Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã nhanh chóng phản đối việc Na Uy trục xuất nhà khoa học Hu. Sự việc diễn ra đúng thời điểm mối quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy bị đóng băng hoàn toàn sau khi ông Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2010.

Cũng theo ASPI, khoảng 500 nhà khoa học có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc đã được cử sang Anh và Mỹ từ năm 2007, khoảng 300 người sang Australia và Canada cùng hơn 100 cá nhân sang Đức và Singapore.

Trong số các trường đại học quốc tế thì Đại học Công Nghệ Nanyang của Singapore là có mối quan hệ thân thiết nhất với quân đội Trung Quốc trong việc xuất bản các cuốn sách đồng tác giả. Tiếp sau là Đại học New South Wales (UNSW) của Australia và Đại học Southampton ở Anh.

Một trong những nhà khoa học Trung Quốc hợp tác thành công với UNSW là Trung tướng Dương Học Quân, người tham gia dự án phát triển siêu máy tính ở Trung Quốc. Trong năm ngoái, ông Dương đã được đưa vào hàng ngũ quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Một đại học khác của Australia là Đại học Công nghệ Sydney cũng đã thiết lập quan hệ đối tác nghiên cứu với một công ty quốc phòng Trung Quốc vào năm ngoái.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/phuong-tay-ta-hoa-vi-nhieu-quan-nhan-trung-quoc-du-hoc-chui-post280255.info