Phương Tây 'quan ngại' về quyền lực ông Putin

Bình luận về kết quả cuộc bỏ phiếu ở Nga, giới phân tích phương Tây nhấn mạnh tới chi tiết Tổng thống Putin có điều kiện để cầm quyền tới tuổi 84.

Sức mạnh và uy tín ông Putin

Ngày 2/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảm ơn người dân nước này về sự ủng hộ và tin tưởng của họ sau cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc tán thành sửa đổi Hiến pháp. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Cảm ơn sự ủng hộ và tin tưởng của các bạn rất nhiều. Chúng ta vẫn còn yếu ở một số khía cạnh. Chúng ta cần sự ổn định nội bộ cũng như thời gian để thúc đẩy đất nước và các thể chế liên quan".

Nhà lãnh đạo Nga cho biết ông hiểu quan điểm của những người phản đối cuộc bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp nhưng cho rằng kết quả mới được công bố cho thấy phần lớn người dân Nga tin rằng "chính phủ cần phải làm tất cả để chứng minh niềm tin của họ".

Tổng thống Nga V. Putin đi bỏ phiếu ngày 1/7

Tổng thống Nga V. Putin đi bỏ phiếu ngày 1/7

Tổng thống Putin phát biểu như trên sau khi Ủy ban bầu cử trung ương Nga công bố gần 78% số cử tri Nga ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, qua đó mở đường để ông tham gia tranh cử tổng thống thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ hiện nay vào năm 2024.

Bình luận về kết quả cuộc bỏ phiếu ở Nga, giới phân tích phương Tây, trong đó có các nhà bình luận của BBC hay hãng tin Reuters nhấn mạnh tới chi tiết Tổng thống Nga Putin có điều kiện để cầm quyền tới tuổi 84. Theo đó, các điều sửa đổi cho phép ông Putin bắt đầu “như mới” nhiệm kỳ 5 và 6 sau khi ông hết nhiệm kỳ thứ 4 vào năm 2024.

Người đứng đầu Ủy ban bầu cử trung ương Nga Ella Pamfilova khẳng định cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra minh bạch và các quan chức Nga đã làm mọi thứ để đảm bảo tính liêm chính của cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, truyền thông phương Tây dẫn thông tin từ Golos, cơ quan giám sát bầu cử độc lập ở Nga, ngày 2/7 cho biết, cuộc bỏ phiếu có nhiều thiếu sót, rằng họ đã ghi nhận rất nhiều vi phạm trong cuộc bỏ phiếu, bao gồm bỏ phiếu gian lận và phổ biến nhất là các chủ doanh nghiệp ép nhân viên của mình đi bỏ phiếu.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Mỹ đã viện vào những thông tin này để lên tiếng bày tỏ “quan ngại”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói: "Chúng tôi lo ngại trước thông tin về các biện pháp của Chính phủ Nga hòng làm sai lệch kết quả cuộc bỏ phiếu gần đây về sửa đổi hiến pháp, trong đó có cả những thông tin về ép buộc cử tri, gây sức ép đối với những người phản đối sửa đổi hiến pháp và hạn chế các quan sát viên độc lập".

Gần 78% cử tri Nga ủng hộ sửa đổi hiến pháp

Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi Nga điều tra những thông tin gian lận trong cuộc bỏ phiếu. Người phát ngôn EU Peter Stano nói: "Chúng tôi được biết về những thông tin và cáo buộc gian lận trong cuộc bỏ phiếu, trong đó có hành động ép buộc cử tri, bỏ phiếu kép, vi phạm tính bảo mật của cuộc bỏ phiếu”.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov khẳng định rằng kết quả rõ ràng của cuộc bỏ phiếu là thước đo mức độ người dân Nga tin tưởng Tổng thống Putin điều hành đất nước như thế nào.

Sự hậm hực của phương Tây

Tiếp tục nhấn mạnh tới việc ông Putin có khả năng tiếp tục cầm quyền, truyền thông phương Tây “đào” lại quy định của Hiến pháp Nga trước khi sửa đổi. Theo đó, Thống chỉ được cầm quyền liên tục hai nhiệm kỳ và không ai được tái tranh cử sau bốn lần cầm quyền. Giới phân tích phương Tây cố gắng nhấn mạnh việc Tổng thống Putin, 67 tuổi, từng là sĩ quan KGB và đã lãnh đạo nước Nga trong hơn 2 thập kỷ qua trên cương vị tổng thống và thủ tướng.

Các luồng ý kiến “chia rẽ” cũng được truyền thông phương Tây dẫn ra để phỏng đoán về việc Tổng thống Putin sẽ ở lại Điện Kremlin “càng lâu càng tốt” hoặc sẽ từ chức vào năm 2024.

Hãng tin Reuters dẫn lại bài viết của tác giả Andrei Koleshnikov trên Thời báo Moscow hồi tháng 7/2018 nói rằng sau khi lên cầm quyền từ 1999-2000, ông Putin đã “trở thành nước Nga”. Nhà báo Koleshnikov bình luận rằng, với nhiều người dân, họ chỉ có một bản sắc “tôi là người Nga thì tôi ủng hộ Putin. Tổng thống Putin trở thành lá cờ, thành biểu tượng của đa số và bầu cử chỉ là phương tiện để họ thể hiện bản sắc đó”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Trong khi đó, truyền thông Mỹ như tờ Thời báo Los Angeles hay hãng tin Bloomberg lại nhấn mạnh việc Nga tiến hành cuộc trưng cầu dân ý từ ngày 25/6 đến ngày 1/7 trong bối cảnh nước Nga tiếp tục ghi nhận số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 ở mức cao. Theo truyền thông Mỹ thì giới chức địa phương Nga quan ngại về những tác động của đại dịch đối với sức khỏe cộng đồng và đã chỉ trích thời điểm tổ chức cuộc bỏ phiếu mà họ gọi là “liều lĩnh” này.

Theo truyền thông Mỹ, cử tri Nga được yêu cầu cho ý kiến với hai lựa chọn “có” hoặc “không” đối với gói sửa đổi Hiến pháp Nga bao gồm 206 vấn đề. Tuy nhiên, người Mỹ lại đưa ra cáo buộc rằng 205 vấn đề trong số này chỉ là bình phong cho một vấn đề duy nhất là thay đổi đoạn 3, Điều 81 của Chương 4, qua đó cho phép Tổng thống Putin nắm giữ thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm nữa.

Theo người Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống Nga tiếp theo có thể “dẫn đến những hậu quả thảm khốc không chỉ đối với người dân Nga mà còn với toàn thế giới”. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận (nhưng không rõ cuộc thăm dò nào - PV) được truyền thông Mỹ dẫn ra cho thấy hai tuần sau khi Tổng thống Putin lần đầu tuyên bố ý định sửa đổi Hiến pháp hôm 10/3, hơn 30% người được hỏi cho biết họ “hoang mang” và “bất bình”. Cũng theo cuộc thăm dò này thì có tới 42% người được hỏi nói rằng họ không muốn ông Putin tiếp tục làm ông chủ Điện Kremlin sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2024.

Tổng thống Putin bắt tay một cựu chiến binh Nga tại lễ duyệt binh ngày 24/6 trên Quảng trường Đỏ

Bloomberg “lái” vấn đề theo hướng khác khi dẫn lời chuyên gia Denis Volkov thuộc Trung tâm Lavada (một cơ quan thăm dò độc lập tại Moscow) cho biết người dân không hài lòng về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng được dẫn ra với con số phỏng đoán nền kinh tế Nga có thể giảm 6,6% trong năm 2020, mức tồi tệ nhất kể từ năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Thời báo Los Angeles của Mỹ thì dẫn một cuộc thăm dò nào đó cho biết, khi được hỏi đánh giá về Tổng thống Putin, những người được hỏi đều thể hiện “sự bất bình, giận dữ”. Cũng theo tờ báo Mỹ, cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ hôm 24/6 kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát-xít Đức trong Thế chiến II là nhằm “khuấy độn” tinh thần yêu nước trước cuộc bỏ phiếu.

Cũng không rõ tờ báo Mỹ lấy số liệu ở đâu để đưa tin rằng “một cuộc thăm dò ý kiến gần đây nhất vào tháng 5/2020 cho thấy chưa tới 50% người dân Nga ủng hộ sửa đổi hiến pháp”. Nhân đây, tờ báo Mỹ đưa ra dự báo rằng những biến động ở Nga có thể “báo hiệu tin tức cực xấu đối với nước Nga nói riêng và thế giới nói chung”.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phuong-tay-quan-ngai-ve-quyen-luc-ong-putin-3409870/