Phương Tây nổi đóa vì Nhật không vào hùa chống Nga

Việc Nhật Bản tỏ ra miễn cưỡng lên án hay không trục xuất các nhà ngoại giao Nga đã khiến phương Tây nổi giận.

Lời khuyên chân thành của Mỹ

Từ ngày 19-21/6, Nga đã tiến hành cuộc tập trận bắn tên lửa tại Iturup, một trong 4 đảo thuộc Quần đảo Nam Kuril (mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc) đang tranh chấp.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố các cuộc tập trận này trái với lập trường của Nhật Bản và là điều đáng tiếc, nhưng phản ứng của Tokyo được cho là khá kiềm chế. Theo tờ The National Interest, điều này phù hợp với thái độ thờ ơ đáng ngạc nhiên của Nhật Bản trước hoạt động quân sự gia tăng của Nga.

Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận ở Kuril

Trong năm vừa qua, Nhật Bản đã 390 lần đưa máy bay phản lực để ngăn chặn máy bay của Nga, tăng 89 lần kể từ năm 2016. Sự hiện diện quân sự của Nga ở Quần đảo Kuril, do Nhật Bản kiểm soát đến năm 1945, cũng gia tăng.

Tháng 11/2016, ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Nhật Bản, Nga đã thông báo triển khai các tên lửa chống hạm mới ở các đảo Iturup và Kunashir.

Đầu năm nay, Moscow tuyên bố các máy may chiến đấu có thể được triển khai tới Iturup.

Nga cũng bắt đầu tiến hành xây dựng trên căn cứ hải quân ở đảo Matua ở phía Bắc Quần đảo Kuril, tại địa điểm của một căn cứ cũ của Nhật Bản.

Tờ báo Mỹ cho rằng năng lực quân sự ngày càng mạnh và hành động “gây bất ổn” của Moscow đã khiến Mỹ xác định Nga là mối đe dọa an ninh lớn. Tuy nhiên, Nhật Bản không chia sẻ những lo ngại của đồng minh.

Ngoài việc miễn cưỡng chỉ trích hoạt động quân sự của Nga trong khu vực, Chính phủ Nhật Bản khẳng định cam kết đẩy mạnh các mối quan hệ song phương. Những nỗ lực này bao gồm 21 cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Putin, cũng như việc theo đuổi một kế hoạch hợp tác kinh tế 8 điểm.

Nhật Bản cũng đang tích cực tham gia phát triển hợp tác an ninh với Nga. Mục tiêu này được nêu trong Sách xanh Ngoại giao mới nhất của Nhật Bản. Trong khi mô tả quan hệ Nhật-Nga là "mối quan hệ song phương có tiềm năng lớn nhất", tài liệu này của Nhật Bản nêu rõ: "Xây dựng quan hệ đối tác phù hợp với Nga trong khu vực sẽ góp phần vào lợi ích quốc gia của Nhật Bản và hòa bình, thịnh vượng trong khu vực".

Nhật Bản cũng khá kiềm chế khi Nga tuyên bố triển khai tên lửa đối ham tối tân tới Kuril hồi năm 2016

The National Interest nhấn mạnh động thái của Nhật Bản đã khiến phương Tây hoang mang và tức giận, trong đó có việc Nhật Bản tỏ ra miễn cưỡng lên án Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, vụ rơi máy bay MH17 và vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal.

Thủ tướng Abe nói rằng ông muốn duy trì các quan hệ tích cực với Nga để theo đuổi một bước đột phá trong tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Tuy nhiên, tờ báo Mỹ cho rằng đây chỉ là một phần của lập luận, nhất là vì ông Abe phải nhận ra rằng không có triển vọng thực sự nào về việc 4 hòn đảo sẽ được trao trả cho Nhật Bản.

Trách Nhật không đoàn kết

Một lời giải thích cơ bản hơn là chính sách của Tokyo với Nga được định hướng bởi tình hình an ninh ngày càng xấu đi của Nhật Bản và những nỗ lực của giới lãnh đạo nước này trong việc lên kế hoạch đối phó với một cuộc khủng hoảng khu vực trong tương lai.

Cuối năm 2017, Thủ tướng Abe đã cảnh báo rằng Nhật Bản đang phải đối mặt với "môi trường an ninh nghiêm trọng nhất chưa từng thấy" trong kỷ nguyên hậu chiến. Điều này bao gồm một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, và một nước Mỹ mà cam kết với các đồng minh thường xuyên bị hoài nghi dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/phuong-tay-noi-doa-vi-nhat-khong-vao-hua-chong-nga-3361571/