Phương Tây 'ngấm đòn' khí đốt của Nga

Châu Âu có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng trong mùa Đông này, khi vẫn đang vật lộn để lấp đầy nguồn dự trữ trong vài tháng tới, trong bối cảnh Nord Stream 1 chỉ hoạt động một phần nhỏ công suất.

“Nỗi sợ hãi lớn nhất” thành sự thật

Đúng như tuyên bố trước đó của Tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom, nguồn cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu qua tuyến đường ống Nord Stream 1 từ 10 giờ ngày 27/7 (giờ Moscow) đã giảm một nửa so với trước đó, xuống còn 31 triệu m3/ngày - chưa đến 20% công suất của đường ống. Động thái trên diễn ra chưa đầy một tuần sau khi đường ống này hoạt động trở lại sau 10 ngày (11 - 21/7) bị tạm ngưng để bảo trì.

Một cơ sở thuộc hệ thống đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức, tháng 3/2022. Ảnh: Reuters

Một cơ sở thuộc hệ thống đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức, tháng 3/2022. Ảnh: Reuters

Tháng trước, công suất khí đốt chảy qua Nord Stream 1 đã giảm xuống còn 40%. Gazprom nói rằng việc này là do phương Tây bàn giao chậm một tuabin được bảo dưỡng tại Canada, hiện vẫn đang ở Đức do chưa hoàn tất giấy tờ. Theo CNN, một quan chức Mỹ cáo buộc động thái của Nga nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Người này nhận định phương Tây đã bị đẩy vào tình thế chưa từng có.

“Nỗi sợ lớn nhất của chúng tôi đã thành sự thật” - quan chức Mỹ giấu tên nói với CNN. Theo người này, tác động đối với châu Âu có thể lan sang Mỹ, khiến giá khí đốt và điện tăng vọt.

Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế - cảnh báo châu Âu đang ở trong tình thế nguy hiểm. Vị chuyên gia nhận định những tháng tới sẽ là “giai đoạn rất quan trọng” để gia tăng nguồn cung của khối. Các kho dự trữ khí đốt của châu Âu mới chỉ đạt 65% sức chứa, còn cách xa mục tiêu 80% của Liên minh châu Âu (EU).

Khí đốt tự nhiên được sử dụng để duy trì hoạt động của ngành công nghiệp, tạo ra điện và sưởi ấm cho các căn hộ trong thời tiết giá rét. Trừ phi tình hình có sự thay đổi quan trọng, giới phân tích dự báo mùa Đông năm nay sẽ khắc nghiệt đối với châu Âu. “Giá năng lượng tăng cao đang đẩy Tây Âu vào suy thoái kinh tế” - S&P Global Market Intelligence nhận định trong một báo cáo mới đây.

Moscow cũng đã nhiều lần cảnh báo rằng các khách hàng châu Âu sẽ phải đối mặt với việc tăng giá nghiêm trọng nếu EU tiến hành các kế hoạch giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng khổng lồ của Nga. Nga hiện là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới sau Ả Rập Saudi, và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 30% dầu từ quốc gia này.

“Cái lạnh sắp đến rồi” - cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, viết trên Telegram. Ông Medvedev, người cũng từng là Chủ tịch hội đồng quản trị của Gazprom, cho biết: “Không ai có thể cản mùa Đông. Việc dùng các nguồn cung cấp khí đốt, dầu và than thay thế sẽ đắt đỏ hơn hoặc đơn giản là không thực tế”.

EU đồng sàng dị mộng

Nhằm đối phó với nguy cơ mất an ninh năng lượng, giới chức châu Âu hôm 26/7 đã thông qua kế hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt với đa số phiếu ủng hộ. Theo kế hoạch, 27 quốc gia thành viên EU sẽ phải tự đặt ra các mục tiêu nhằm giảm 15% nhu cầu khí đốt trong giai đoạn từ tháng 8/2022 - 3/2023. Đáng nói, quá trình tìm kiếm sự thống nhất về đề xuất mới này đã bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước trong khối.

Những cuộc tranh luận về đề xuất này bắt đầu khi các quốc gia không phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, bắt đầu dấy lên lo ngại về việc giảm 15% sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với công dân của họ. “Để khả thi về mặt chính trị trong bối cảnh thiếu khí đốt, giá năng lượng cao và nguy cơ suy thoái tổng thể, sự đoàn kết về năng lượng của EU cần phải được dàn xếp một cách thực tế” - Simone Tagliapietra, một thành viên cấp cao của tổ chức kinh tế Bruegel, nói với DW.

Hungary là quốc gia thành viên EU cực lực phản đối kế hoạch này. Vào tuần trước, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã đến Moscow để cố gắng đảm bảo việc gia tăng nguồn cung khí đốt của Nga.

“Chúng tôi là nước duy nhất phát tín hiệu sẽ bỏ phiếu phản đối bởi đề xuất này hoàn toàn bỏ qua lợi ích của người dân Hungary” - ông Peter Szijjarto nói, cho rằng cắt giảm tiêu thụ khí đốt là kế hoạch “không chính đáng, không có tác dụng, không thể thực hiện”.

Jacob Funk Kirkegaard - một thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức - nói: “Brussels không phải đối mặt với hậu quả chính trị nào từ việc phân bổ khẩu phần khí đốt tiềm tàng, nhưng điều đó có thể là đòn chí mạng đối với chính phủ ở cấp quốc gia”.

Ông lưu ý, nhiều quốc gia đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga, trong khi Đức - nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu khí đốt của Nga - thì không, và họ sẽ phải trả giá về mặt chính trị.

Các nhóm vận động về biến đổi khí hậu thì cáo buộc EU “đã sai khi bỏ mặc các hộ gia đình, đồng thời đối phó với an ninh năng lượng và tình trạng khẩn cấp về khí hậu như thể chúng là những ưu tiên có tính xung đột với nhau”. Theo Thomas Gelin - một thành viên của Greenpeace - thay vì tranh cãi xem hệ thống năng lượng của ai đang bị đe dọa nhiều nhất, các quốc gia nên sử dụng những cơ hội mới này để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.

EU cũng bị cáo buộc “tẩy xanh” sau khi chỉ định khí tự nhiên là “năng lượng xanh”, trong kế hoạch giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Dọn đường cho Nord Stream 2?

Theo hãng tin RT của Nga, 7 thị trưởng từ đảo Ruegen của Đức đã viết trong một bức thư gửi Chính phủ liên bang và khu vực hôm 27/7, thúc giục các chính quyền cho phép nhập khẩu khí đốt qua đường ống Nord Stream 2.

Trong bức thư của mình, các bộ trưởng lên án chiến dịch đặc biệt của Moscow ở Ukraine, tuy nhiên kêu gọi Chính phủ xem xét những thiệt hại mà chính sách của họ có thể gây ra đối với người dân và nền kinh tế Đức. “Chúng tôi cho rằng, việc ngắt kết nối với các nguồn năng lượng của Nga là không đúng” - các thị trưởng viết.

Theo truyền thông Đức, các thị trưởng lo ngại việc từ bỏ nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ đồng nghĩa với việc bùng nổ chi phí sinh hoạt, dẫn đến bất ổn xã hội và bất ổn này có thể vượt qua tầm kiểm soát. Một trong số các đề xuất mang tính giải pháp của họ là lấy thêm khí tự nhiên thông qua đường ống Nord Stream 2. Dự án này được hoàn thành vào cuối năm 2021 và chỉ còn chờ giấy phép hoạt động từ Berlin để được đi vào vận hành. Dự án này đã bị Đức đình chỉ vô thời hạn hồi tháng 2 năm nay.

Nord Stream 2 được cho sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu của Nga, nhưng đã bị trì hoãn bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm bảo vệ nguồn thu nhập từ quá trình vận chuyển khí đốt qua Ukraine. Trong một phát biểu hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gợi ý về việc khởi động Nord Stream 2 là một trong những cách để tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu, mặc dù một nửa công suất của nó đã được phân bổ cho việc tiêu thụ nội địa.

“Chúng tôi có một lộ trình khác đã sẵn sàng. Đó là Nord Stream 2. Dự án có thể được khởi động” - ông Putin nói về cách giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, sau khi cảnh báo công suất của đường ống Nord Stream 1 có thể bị giảm công suất - hiện đã thành sự thật.

Dĩ nhiên, cũng có khả năng Nga sẽ “nới van” khí đốt đối với châu Âu một khi tuabin khí mà Moscow nói là bị hỏng được sửa chữa xong, hoặc thậm chí với yêu cầu giảm thiểu trừng phạt.

“Chưa rõ đây sẽ là một sự cắt giảm trong một thời gian ngắn, trong lúc tuabin khí đang được sửa, hay chúng ta sẽ phải sống với nguồn cung khí đốt chỉ ở mức 20% trong một thời gian đáng kể” - một báo cáo của Deutsche Bank nhận định - “Bởi vậy, có vẻ như vấn đề chính trị trước mắt sẽ tiếp tục là nhân tố quyết định”.

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phuong-tay-ngam-don-khi-dot-cua-nga.html