Phương Tây lao đao khi Iran căng thẳng

Sau khi rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Hoa Kỳ đã đưa ra 12 điều kiện cho khuôn khổ thỏa thuận mới về hạt nhân Iran.

Song song với các điều kiện cực kỳ khắt khe đó, Washington dọa sẽ trừng phạt nặng nề nhất trong lịch sử đối với chế độ Iran. Những động thái kể trên của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng thế nào đến các tập đoàn của phương Tây và Hoa Kỳ đang làm ăn với Iran?

Hãng Boeing của Hoa Kỳ năm 2016 đã ký với hãng hàng không quốc gia Iran Air một hợp đồng cung cấp 80 chiếc máy bay với tổng trị giá 16,6 tỷ USD và với hãng Aseman (ảnh) một hợp đồng trị giá 3 tỷ USD cho 30 chiếc.

Dù biết rằng việc hủy những hợp đồng này có thể làm mất hàng chục ngàn việc làm tại Hoa Kỳ, nhưng Tập đoàn Boeing tuyên bố sẽ tuân thủ theo quyết định của Washington. Hãng Airbus cho biết có nhiều đơn đặt hàng cho 100 chiếc máy bay với nhiều hãng hàng không Iran khác nhau, với tổng giá trị 10 tỷ USD.

Có một điều tất yếu là hãng chế tạo và lắp ráp hàng không châu Âu này đã bị vướng vào lệnh cấm vận của Hoa Kỳ, do tập đoàn có nhiều nhà xưởng tại Hoa Kỳ và một lượng lớn linh kiện lắp đặt trong các máy bay do hãng chế tạo, được sản xuất tại Hoa Kỳ.

Tương tự, nhiều chi nhánh của tập đoàn công nghiệp General Electric của Hoa Kỳ đã ký kết nhiều hợp đồng trị giá hàng chục triệu USD để khai thác các mỏ khí đốt và phát triển sản phẩm hóa dầu cũng bị liên can.

Hãng Total của Pháp, liên kết với Tập đoàn dầu khí Trung Quốc ký một thỏa thuận đầu tư 5 tỷ USD nhằm khai thác mỏ dầu South Pars ở vịnh Persian (vịnh Ba Tư). Động thái của Hoa Kỳ còn đe dọa nhiều tập đoàn chế tạo, lắp ráp xe hơi của châu Âu, từ Volkswagen (Đức), Renault (Pháp) do sự hiện diện của hãng liên kết Nissan tại Hoa Kỳ, cho đến hãng Peugeot (Pháp).

Một số hãng hàng không châu Âu như British Airway (Anh) và Lufthansa (Đức) đã nối lại tuyến bay thẳng đến Tehran có nguy cơ phải chấm dứt hoạt động nếu muốn tiếp tục tự do nối tuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Ngành kinh doanh khách sạn cũng không ngoại lệ.

Từ chuỗi khách sạn Accor của Pháp cho đến chuỗi Melia Hotels International của Tây Ban Nha và Tập đoàn Rotana Hotels của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, dù đã đi vào hoạt động hay vừa có ý định đều phải xem xét lại chính sách đầu tư. Đó là chưa kể đến tất cả những doanh nghiệp nào muốn đến đầu tư tại Iran có nguy cơ bị các ngân hàng lớn từ chối cho vay tín dụng do e sợ phải bị gánh lấy những đòn trừng phạt của Hoa Kỳ.

Các hình thức trừng phạt hiện chưa rõ ràng, nhưng theo cam kết của Phủ Tổng thống Pháp, châu Âu đang tính mọi cách và sẽ ráo riết thảo luận với Hoa Kỳ về các lệnh trừng phạt nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Iran. Trong số các hướng đi được nhắm đến, có giải pháp duy trì các quyền cho các doanh nghiệp nào đã đi vào hoạt động và quyền miễn trừ.

Trong khi đó, tờ Liberation của Pháp nhận định Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định hạt nhân biết đâu lại chẳng là một cơ hội cho châu Âu? Sự đảo lộn quan hệ liên minh có thể dẫn đến hình thành lại mối cân bằng địa chính trị.

Châu Âu đang bị dồn đến chân tường, hoặc châu Âu khuất phục để chính sách đối ngoại và thương mại của mình bị Hoa Kỳ áp đặt, hoặc họ phải biến châu Âu thành một cường quốc không chỉ về kinh tế mà cả chính trị. Liberation cho rằng nói thì dễ hơn làm, nhưng ít ra đây cũng là một lần hiếm hoi các lãnh đạo chủ chốt châu Âu đồng lòng và Trung Quốc lại ở bên cạnh họ. Sẽ là đáng tiếc nếu bỏ lỡ cơ hội này.

Đức Hoàng

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/phuong-tay-lao-dao-khi-iran-cang-thang-58309.html