Phương Tây chê nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga

Phương Tây lo ngại nhà máy điện hạt nhân Nga là 'Thảm họa Chernobyl nổi', quên mất nước Mỹ cũng có thảm họa Three Mile Island?!

Sau ấn tượng về mini series phim bom tấn về thảm họa hạt nhân Chernobyl 1986 của kênh truyền hình Mỹ HBO, gần đây, giới truyền thông phương Tây đã tiếp tục cảnh báo nỗi lo ngại về sáng kiến hạt nhân độc đáo của nước Nga - một nhà máy điện hạt nhân nổi mang tên Akademik Lomonosov.

Nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga Akademik Lomonosov. Ảnh: CNN

Nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga Akademik Lomonosov. Ảnh: CNN

Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov mới được Nga cấp giấy phép hoạt động vào tháng 6 vừa qua. Giấy phép có thời hạn 10 năm nhằm phục vụ cho vùng Chukotka xa xôi nhằm cung cấp nhiệt và điện cho người dân địa phương. Ngoài ra, nó cũng được đưa vào khai thác nhằm phục vụ khai thác dầu khí còn nằm dưới Bắc Cực, các hoạt động khai thác khoáng sản và đá quý ở vùng Chukotka.

Đưa tin về sự kiện này, nhiều hãng truyền thông phương Tây đã đăng tải những bài viết có phần chỉ trích sáng kiến hạt nhân độc đáo của người Nga, gọi Akademik Lomonosov là "Chernobyl nổi", "Chernobyl trên băng" nhằm cảnh báo về khả năng xảy ra một thảm họa hạt nhân như thảm họa Chernobyl (Ukraine, năm 1986).

Khi ý tưởng đưa Akademik Lomonosov tới phục vụ điện cho các hoạt động ở Vòng Bắc Cực, nhà máy điện hạt nhân nổi này đã bị tổ chức hoạt động môi trường Greenpeace gọi là “Chernobyl trên băng” hay “Chernobyl nổi” để nhắc nhở về sự cố đã xảy ra ở ripyat, Ukraine (khi ấy còn là một phần Liên bang Xô viết) bị nổ. Đây được coi là vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử.

Truyền thông phương Tây có dịp để cảnh báo về các thảm họa hạt nhân có thể tiếp tục xảy ra dưới tay Nga bởi đây là quốc gia đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn liên quan đến hạt nhân.

Gần đây nhất là vụ một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc lớp AS-12 của Nga gặp sự cố khiến 14 thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Đây là một tàu ngầm mini được sử dụng cho nghiên cứu nước sâu, thu thập thông tin tình báo và các hoạt động đặc biệt.

Một hoạt động trên biển của Hạm đội phương bắc của Nga. Ảnh minh họa: Getty Images

Trước đó, vào năm 2000, 118 thủy thủ tàu ngầm đã thiệt mạng sau hai vụ nổ trên tàu Kursk chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Xác tàu ngầm Kursk sau khi được trục vớt. Ảnh: BQP Nga

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình này gặp sự cố khi tham gia "Mùa hè-X", cuộc tập trận lớn nhất của hải quân Nga trong hơn 10 năm. Đợt tập trận có sự góp mặt của hơn 30 tàu chiến, bao gồm soái hạm Peter Đại đế, 4 tàu ngầm tấn công và nhiều biên đội tàu mặt nước.

Trong ngày đầu tập trận, tàu ngầm Kursk phóng thành công một tên lửa Granit mang đầu đạn giả. Hai ngày sau, thủy thủ đoàn chuẩn bị phóng ngư lôi huấn luyện Type-65 nhằm vào tàu Peter Đại đế. Ngư lôi này không mang đầu đạn, được sản xuất và kiểm tra với quy chuẩn chất lượng thấp hơn đạn chiến đấu.

Cuộc điều tra kết luận một vụ nổ xảy ra trong khoang chứa ngư lôi trong quá trình này, dẫn tới cháy lớn và kích nổ toàn bộ vũ khí trên tàu.

Thảm họa tàu ngầm Kursk là một trong những sự cố gây thương vong nhiều nhất trong lịch sử tàu ngầm quân sự thế giới, chỉ xếp sau vụ chìm tàu USS Thresher của Mỹ năm 1963 làm 129 người thiệt mạng.

Với "bề dày lịch sử" như vậy, các phương tiện truyền thông phương Tây có dịp chỉ trích việc Nga thúc đẩy cho phép đưa Akademik Lomonosov với Vòng Bắc Cực, cảnh báo các thảm họa tương tự Chernobyl, Kursk sẽ tiếp tục xảy ra và nguy hiểm hơn nữa khi nó được đưa tới Vòng Bắc Cực.

Thiết kế nhà máy điện không thể bị xảy ra thảm họa

Thực tế, Akademik Lomonosov chính thức được đặt tên mới là "Nhà máy Nhiệt điện Hạt nhân nổi (PATES)" có thiết kế nhằm ngăn chặn trước một thảm họa hạt nhân.

Phòng điều khiển trung tâm của nhà máy điện hạt nhân nổi. Ảnh: RT

Lò phản ứng hạt nhân của nhà máy trên gồm nhiều lớp bảo vệ lồng ghép vào nhau, thanh năng lượng được bọc trong phần lõi kín để ngăn chặn uranium rò rỉ, ngoài ra còn có nhiều bức tường kín bao bọc xung quanh các phòng có chứa hạt nhân. Bên trong các căn phòng này đều có áp suất cực lớn để ngăn chặn bất cứ thứ gì rò rỉ ra ngoài.

Toàn bộ nhà máy nổi này được đặt trên một con tàu, có thể được triển khai tới bất cứ đâu, và kết nối được với nhiều cơ sở hạ tầng trên đất liền, giữ vị trí trong suốt nhiều thập kỷ, việc duy tu, bảo dưỡng cũng được thực hiện một cách dễ dàng.

Các lò phản ứng Akademik Lomonosov được thiết kế phòng trước trường hợp tất cả nhân viên trong nhà máy bị bất tỉnh và nguồn năng lượng vận hành bị cắt, khi đó nhà máy sẽ tự ngừng hoạt động nếu cần thiết. Nhiều biện pháp an toàn khác cũng được áp dụng, như các thanh lò xo hấp thụ neutron giúp duy trì hoạt động phần lõi trong trường hợp mất điện.

Phần thân con tàu cũng được thiết kế đặc biệt, đủ sức chống chịu đủ kiểu va chạm có thể gây ảnh hưởng tới các lò phản ứng, hay các vụ va chạm với tàu khác, với đá thậm chí là cả một chiếc máy bay rơi. Các kỹ sư cho hay nhà máy nổi cũng có thể chịu được nhiều cơ bão lớn với sức gió lên tới 80 m/giây.

Điểm khác biệt quan trọng giữa một nhà máy điện trên mặt đất và nhà máy điện đặt trên tàu chính là công suất. Mỗi lò phản ứng của nhà máy điện Chernobyl trước đây sản xuất 1.000 MW điện năng mỗi lò, trong khi 2 lò phản ứng của nhà máy Akademik Lomonosov chỉ có tổng công suất 70 MW. Đó chính là hạn chế của nhà máy nổi này.

Một lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ được cho là hiệu quả hơn nhiều so với hệ thống đẩy cơ học thông thường của một con tàu. Nếu muốn sở hữu một chiếc tàu ngầm có khả năng ẩn náu khỏi kẻ địch suốt nhiều tuần, nhiều tháng liền, một nước cần phải lắp đặt lò phản ứng hạt nhân cho nó. Để một con tàu có đủ nguồn năng lượng để vận hành cẩu trục phá băng, người ta cũng thường lựa chọn năng lượng hạt nhân thay vì sử dụng động cơ diesel thông thường. Trên thực tế, lò phản ứng của Akademik Lomonosov ban đầu được sử dụng trên các tàu phá băng hạt nhân của Nga.

Phòng nhiên liệu hạt nhân bên trong nhà máy. Ảnh: RT

Nhà máy điện hạt nhân nổi cũng phải cạnh tranh được với các mẫu nhà máy điện khác, khi xét về giá thành. Người ta không thể chi hàng triệu USD cùng nhiều năm liền để xây dựng một cơ sở cỡ lớn và sau đó mất thêm nhiều năm nữa để thu hồi đủ vốn. Các PATES cỡ nhỏ thì ngược lại - chúng được xây dựng trong khoảng thời gian ngắn và sản sinh ra nguồn điện năng đắt giá, dễ thu hồi vốn.

Theo nhà sản xuất Rosenergoatom, nhà máy điện hạt nhân nổi mà họ chế tạo vừa có lợi ích về mặt kinh tế, lại vừa triển khai dễ dàng tới các khu vực xa xôi, chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt. "Tính toán của chúng tôi cho thấy, khi hoạt động 100% công suất, PATES có sức cạnh tranh hơn so với các nguồn điện khác ở Chukotka" - ông Pavel Ipatov, Phó Giám đốc công ty, nói với RT.

Ngược lại, việc xây dựng một nhà máy điện - cả thông thường lẫn hạt nhân - ở một vị trí xa xôi sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Chỉ riêng việc chuyển nguyên vật liệu và trang thiết bị tới một địa điểm cách đó hàng nghìn km cũng đã là việc khó khăn, chưa kể việc các công nhân xây dựng trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt như ở Bắc Cực.

Phương Tây chỉ trích Nga trước khi soi mình?

Ngay cả khi các phương tiện truyền thông phương Tây có thực sự lo lắng cho số mệnh của Akademik Lomonosov dù đã hiểu rõ các vấn đề kỹ thuật của nhà máy điện này, họ cũng không thể quên ở Anh, Mỹ cũng đã từng có những vụ thảm họa hạt nhân.

Ngày 28/3/1979, hai lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island, quận Dauphin, Pennsylvania, Mỹ đã gặp sự cố khiến rò rỉ 1,58 petabecquerel (đơn vị đo cường độ phóng xạ) ra môi trường. Đây là sự cố nhà máy hạt nhân thương mại nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ.

Nhà máy hạt nhân Three Mile Island. Ảnh Thelicio

Đây được xem là thảm họa hạt nhân dân sự nghiêm trọng của phương Tây và bị xếp vào mức 5 trên thang sự cố hạt nhân quốc tế - INES của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Trong sự cố Three Mile Island, một phần vùng hoạt của lò bị nóng chảy. Nhưng sự thật này bị bưng bít bởi Ủy ban kiểm soát hạt nhân Mỹ (NRC). NRC khẳng định, thùng lò chịu áp lực và thùng bao không bị thủng và rất ít chất phóng xạ thoát ra ngoài môi trường, không có ảnh hưởng về sức khỏe và môi trường đáng kể nào.

Các khảo sát thực hiện sau đó cũng chứng tỏ tỷ lệ ung thư trong quần cư quanh khu vực nhà máy không tăng. Tuy nhiên, thực tế là sở y tế Penesylvania đã che giấu số lượng vụ mắc bệnh ung thư nguy hiểm có liên quan đến thảm họa hạt nhân này.

Khi số người mắc bệnh ung thư da và khó thở tăng đột biến thì sự việc mới vỡ lở. Sau đó, lệnh di tản dân chúng khẩn cấp trong phạm vi bán kính 9 km xung quanh nhà máy được ban bố.

Theo Eric Epstein, Giám đốc của Three Mile Island, nhà máy điện nguyên tử đã phải chi trả khoảng 82 triệu USD cho việc chi trả các khoản liên quan đến cáo buộc sức khỏe của người dân.

Chưa kể, họ cũng mất thêm khoản tiền 15 triệu USD cho các gia đình sinh con bị dị tật do nhiễm chất phóng xạ.

Trong khi đó, ở Anh cũng đã xảy ra một thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử vào ngày 10/10/1957.

Khi đó, Các chuyên gia cho rằng, sự cố này xảy ra một phần là do lò phản ứng hạt nhân được xây quá vội vàng để nhanh chóng trở thành một phần của dự án bom nguyên tử của Anh. Lò phản ứng đầu tiên hoạt động năm 1950 và lò thứ hai được hoàn thành ngay sau đó 1 năm.

Tai nạn xảy ra khi nhiệt độ lò phản ứng đột nghiên tăng trong khi thực tế là phải giảm, những nhân viên lúc đó cho rằng đây là lỗi kỹ thuật và không thực sự “để tâm”. Khi ngọn lửa bùng lên, họ dùng... nước để chữa cháy, nhưng càng làm tình hình nghiêm trọng hơn.

240 trường hợp mắc ung thư đã được kết luận có liên quan đến vụ cháy kể trên. Tất cả lượng sữa trong bán kính 500km của các khu vực lân cận đã được pha loãng và tiêu hủy trong vòng 1 tháng.

Dẫu biết rằng, những nỗi lo về các thảm họa hạt nhân là điều cần thiết song sáng kiến nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga cho đến nay đã được hoàn thiện dần dần những vấn đề kỹ thuật đặc biệt, rút ra từ những vụ tai nạn trước đó.

Sự hoàn thiện dần về kỹ thuật này cho phép nước Nga tự tin trước một kịch bản thảm họa mà giới truyền thông phương Tây lo ngại.

Ngay cả ý tưởng nhà máy điện hạt nhân nổi cũng đã từng được quân đội Mỹ nêu sáng kiến.

Quân đội Mỹ từng dùng lò phản ứng hạt nhân nhỏ (10 MW) đặt trên một tàu ở kênh đào Panama

Quân đội Mỹ từng dùng lò phản ứng hạt nhân nhỏ (10 MW) đặt trên một tàu ở kênh đào Panama trong gần một thập kỷ những năm 1960. Sau này, một dự án đặt nhà máy điện hạt nhân ngoài khơi bang New Jersey được khởi động, nhưng bị hủy bỏ những năm 1970 do vấp phải phản đối.

Chỉ có điều, khi đề cập tới nhà máy điện hạt nhân nổi, tổ hợp hoàn thiện kỹ thuật tiên tiến nhất của Nga như Akademik Lomonosov thì truyền thông phương Tây không nhắc tới các thông tin này mà chỉ chăm chăm vào vụ thảm họa hạt nhân từ thời Xô Viết như Chernobyl để liên tục chỉ trích.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/phuong-tay-che-nha-may-dien-hat-nhan-noi-cua-nga-3383257/