Phương Tây bước đầu công nhận hiệu quả của vaccine Sputnik V

Tạp chí y khoa của Anh The Lancet vừa công bố nghiên cứu cho thấy vaccine Sputnik V của Nga đạt hiệu quả 100%.

Ảnh: Sputnik.

Ảnh: Sputnik.

Sự đánh giá khách quan

Theo nghiên cứu được công bố trên The Lancet, một trong những tạp chí y khoa lâu đời nhất và có uy tín nhất trên thế giới, Sputnik V đã thành công trong việc tạo ra kháng thể cho tất cả 76 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn đầu.

Các thử nghiệm của Sputnik V do Bộ Y tế Nga tài trợ đã thể hiện rằng, mọi bệnh nhân được tiêm vaccine đều phát triển kháng thể và không có bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra.

Ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo nước này đã đăng ký vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Vaccine được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật học Gamaleya của Nga và dự tính sẽ phân phối cho các giáo viên và nhân viên y tế trước khi được phổ biến rộng rãi vào năm tới.

Sau khi đăng ký, các nhà khoa học và dịch tễ học trên toàn thế giới đã chỉ trích Nga về sự phát triển nhanh chóng của loại vaccine này và không ngừng đặt câu hỏi về tính an toàn của nó do số lượng người được thử nghiệm là quá ít.

Theo The Lancet, mặc dù Sputnik V đã thử nghiệm đã thành công, nhưng các thử nghiệm mang tính dài hạn, bao gồm cả so sánh với giả dược là bắt buộc để xác định chất lượng thực tế của nó.

Tuy nhiên, theo Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), dữ liệu khoa học được cung cấp trong bài báo đã chứng minh “tính an toàn và hiệu quả của vaccine Nga”

Giải thích lý do tại sao phải mất một tháng để công bố kết quả, ông Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Gamaleya, chia sẻ với hãng thông tấn Nga Interfax rằng, họ đã mất nhiều thời gian để chuẩn bị và bài báo đã được đánh giá bởi 5 nhà phê bình độc lập, tuân theo tất cả các công ước quốc tế về bình duyệt tiêu chuẩn.

Ông Gintsburg cho rằng: “Cộng đồng khoa học đã đánh giá vaccine Sputnik V khá khách quan”.

Mặc dù có danh tiếng vang dội nhưng The Lancet vẫn không tránh khỏi những tranh cãi. Đầu năm nay, tạp chí đã công bố một nghiên cứu, qua đó, bác bỏ hiệu quả của thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine trong việc điều trị Covid-19, nhưng sau đó bài báo đã bị thu hồi do nhiều sai sót.

Nga không phải là quốc gia duy nhất đang chạy đua để phát triển vaccine ngừa Covid-19. Vào tháng 7, một loại vaccine chống lại virus corona do Đại học Oxford phát triển đã được báo cáo là tạo ra khả năng miễn dịch trong một thử nghiệm trên 1.077 người.

Đầu tháng đó, Bộ trưởng An ninh Anh James Brokenshire tuyên bố rằng, tin tặc Nga đã tấn công các phòng thí nghiệm của Anh để đánh cắp dữ liệu nghiên cứu vaccine.

Vaccine Sputnik V được chuyển đến các phòng khám ở Moscow để tiến hành nghiên cứu thực tiễn. Ảnh: Tass.

Từng bước hoàn thiện Sputnik V

Theo các nhà phát triển vaccine của Nga, vaccine ngừa Covid-19 của Nga có hiệu quả chống lại bất kỳ liều lượng virus nào vằng, lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên đã được đưa đến ba phòng khám ở Moscow.

Các phòng khám ngoại trú số 2, số 220 và số 62 ở Moscow đã nhận được đợt vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên, Phó Thị trưởng Moscow Anastasia Rakova cho biết trên Tass.

"Hôm nay, các cơ sở y tế ở Moscow đã nhận được lô vaccine đầu tiên chống lại virus Corona để thử nghiệm sau khi đăng ký. Các phòng khám ngoại trú số 2, số 220 và số 62 của thành phố đã trở thành đơn vị tiên phong. Các cơ sở y tế đã hoàn toàn sẵn sàng cho việc khởi động nghiên cứu sẽ bắt đầu vào tuần tới", bà Rakova nói.

Phó Thị trưởng Moscow nhấn mạnh, vaccine cần được bảo quản trong một số điều kiện nhất định, do đó các tủ lạnh đặc biệt có khả năng duy trì nhiệt độ thấp tới âm 40 độ C đã được trang bị cho các phòng khám. Ngay từ hôm nay, người dân Moscow có thể đăng ký tham gia thử nghiệm và sẽ trở thành những người đầu tiên được tiêm loại vaccine này.

Các phòng khám được phép thực hiện nghiên cứu đã được Bộ Y tế Nga cấp phép để tổ chức các thử nghiệm lâm sàng. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành chụp chiếu để xác định các trường hợp chống chỉ định. Trong sáu tháng, những người tham gia nghiên cứu sẽ được theo dõi y tế liên tục, bao gồm cả việc sử dụng các công nghệ y tế từ xa.

"Chính quyền Moscow và Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật học Quốc gia Gamaleya đã mời người dân thủ đô tham gia các thử nghiệm lâm sàng sau khi đăng ký vaccine ngừa Covid-19, 40 nghìn người đã được mời tiêm miễn phí", Phó Thị trưởng Rakova nói thêm.

Những công dân trưởng thành của Liên bang Nga với chính sách bảo hiểm y tế của Moscow đều có thể tham gia miễn là họ không bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, không bị bệnh tại thời điểm tiêm chủng, không nhiễm Covid-19 (với kết quả âm tính của xét nghiệm PCR và xét nghiệm âm tính với kháng thể IgМ và IgG) và không tiếp xúc với các trường hợp Covid-19 trong ít nhất hai tuần trước khi nghiên cứu.

Nếu là phụ nữ, cần chắc chắn rằng không mang thai. Một điều bắt buộc khác đối với cả phụ nữ và nam giới là không nên cố gắng thụ thai trong vòng ba tháng tới.

Nghiên cứu này nhằm giúp có được giấy chứng nhận đăng ký vĩnh viễn cho vaccine Sputnik V và mở rộng phạm vi những người nhận vaccine tiềm năng, bao gồm cả nhóm tuổi trên 60 tuổi.

Nghiên cứu sẽ kéo dài trong 180 ngày.

Hà Anh (tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phuong-tay-buoc-dau-cong-nhan-hieu-qua-cua-vaccine-sputnik-v-506512.html