Phương pháp truyền dịch huyết tương cho kết quả đáng khích lệ

Giới chức y tế Trung Quốc ngày 17-2 thông báo phương pháp điều trị truyền dịch huyết tương từ những bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để điều trị cho các ca nhiễm mới đang trong tình trạng nguy kịch, mà các bác sĩ ở Thượng Hải đang tiến hành, đã ghi nhận các kết quả sơ bộ đáng khích lệ.

Chính phủ Trung Quốc tăng cường hàng chục ngàn nhân viên y tế đến tâm dịch Hồ Bắc. Ảnh: THX

Theo báo cáo của giới chức y tế, việc sử dụng huyết tương của những người khỏi bệnh COVID-19 đã cứu được mạng sống của nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch ở thành phố Vũ Hán. Các chuyên gia y tế cho rằng trong huyết tương của bệnh nhân khỏi bệnh có những kháng thể với virus nCoV, do đó khi truyền dịch huyết tương của những người này vào cơ thể người bệnh khác, các kháng thể trên có thể giúp bệnh nhân thêm khả năng chống chọi với bệnh tật.

Chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá phương pháp điều trị trên là cách thức tiếp cận "rất có cơ sở" để triển khai thử nghiệm, song đồng thời nhấn mạnh cần có thời gian để tối đa hóa khả năng miễn dịch của bệnh nhân.

Trong một phát biểu với báo giới ở trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), Tiến sĩ Mike Ryan - người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO - cho biết huyết tương đã được chứng minh là "có hiệu quả và cứu sống" nhiều bệnh nhân ở các bệnh truyền nhiễm khác, bao gồm bệnh dại và bệnh bạch hầu. Ông cho biết: "Đó là một lĩnh vực rất quan trọng để theo đuổi nghiên cứu. Bởi vì những gì huyết thanh globulin siêu miễn dịch có thể làm là tập trung các kháng thể ở một bệnh nhân đã hồi phục. Về cơ bản, bạn đang tăng cường hệ miễn dịch cho bệnh nhân mới để hy vọng họ vượt qua giai đoạn nguy kịch".

Theo ông Ryan, việc truyền dịch huyết tương từ những bệnh nhân đã được chữa khỏi COVID-19 để điều trị cho các ca nhiễm mới đang trong tình trạng nguy kịch đang được thử nghiệm ở Trung Quốc là cách làm hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh thế giới chưa tìm ra phương thuốc chống siêu vi cụ thể hay vaccine để phòng ngừa sự lây lan của virus nCoV. Quá trình phát triển và thử nghiệm thuốc có thể mất nhiều tháng và thậm chí nhiều năm.

Bên cạnh việc sử dụng liệu pháp truyền dịch huyết tương, các bác sĩ Trung Quốc cũng đang thử nghiệm hai loại thuốc kháng virus được cấp phép sử dụng trong các bệnh nhiễm trùng khác, để đánh giá tác động của các dược phẩm này đối với COVID-19.

Số người chết tại Trung Quốc lên tới gần 1.900

Theo số liệu cập nhật của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, trong ngày 17-2 có 98 ca tử vong và 1.886 ca nhiễm mới dịch viêm đường hô hấp cấp - COVID-19 (nCoV) được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục, theo đó số người tử vong tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát là 1.873 ca và tổng số người nhiễm là 73.332 người.

Trong đó, riêng tại tỉnh tâm dịch Hồ Bắc trong ngày 17-2 có 93 ca tử vong mới.

Giới chức y tế Trung Quốc cũng cho biết tính đến hết ngày 17-2 đã có tổng cộng 12.552 bệnh nhân nhiễm COVID-19 (nCoV) được xuất viện.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/phuong-phap-truyen-dich-huyet-tuong-cho-ket-qua-dang-khich-le-a118343.html