Phương pháp tính thuế tương đối không còn phù hợp với ngành đồ uống có cồn

Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tương đối với ngành đồ uống có cồn của Việt Nam hiện nay chưa đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực chính thức với phi chính thức, giữa sản phẩm chất lượng cao và chất lượng thấp.

Đây là đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý tại hội thảo ''Công bố kết quả nghiên cứu: Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành sản xuất đồ uống có cồn tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp'', do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 8/4.

Môi trường cạnh tranh không công bằng

Việc Chính phủ áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có cồn nhằm mục tiêu giảm được lượng tiêu thụ đồ uống có cồn, từ đó hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người tiêu dùng, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời đảm bảo công bằng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hạn chế nguy cơ tăng tiêu thụ hàng buôn lậu và hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, sau gần 15 năm thực hiện, các mục tiêu này đều chưa đạt được một cách triệt để.

TS Đặng Thị Thu Hoài - Trưởng ban Nghiên cứu ngành và lĩnh vực (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) phát biểu tại hội thảo

TS Đặng Thị Thu Hoài - Trưởng ban Nghiên cứu ngành và lĩnh vực (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) phát biểu tại hội thảo

Theo TS Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Nghiên cứu ngành và lĩnh vực (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), bên cạnh nguyên nhân khách quan khi đồ uống có cồn phi chính thức chưa được ghi nhận chiếm đa số trên thị trường, phương pháp tính thuế TTĐB hiện hành - thuế tương đối được xác định là một trong những nguyên nhân chính.

Cụ thể, phương pháp này không có tác động trực tiếp làm giảm tiêu thụ cồn nguyên chất, thậm chí trong dài hạn còn khuyến khích nhà sản xuất và người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm giá rẻ hơn với lượng cồn nguyên chất cao hơn. Dẫn tới nguy cơ cao hơn về an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.

Đưa ra phân tích, TS Đặng Thu Hoài cho biết, đối với mục tiêu đảm bảo nguồn thu ngân sách, phương pháp thuế tương đối chưa đảm bảo mục tiêu này. Thuế tương đối dựa vào giá bán sản phẩm, nguồn thu ngân sách từ thuế sẽ biến động nhiều hơn so với thuế tuyệt đối. Giá bán sản phẩm không chỉ chịu ảnh hưởng từ biến động kinh tế vĩ mô mà còn chịu ảnh hưởng từ giá các nguyên vật liệu đầu vào khác như chai, lọ, bao bì…

Ngoài ra, với thuế tương đối, nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng có thể bị ảnh hưởng về dài hạn, do có tính chất khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm giá rẻ, chưa kể những chi phí xã hội có thể phát sinh do chất lượng sản phẩm thấp hơn.

Đặc biệt, chính sách thuế hiện nay chưa đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực chính thức với phi chính thức. 63% khối lượng cồn nguyên chất được tiêu thụ ở khu vực phi chính thức, nhưng 63% khối lượng cồn này không phải chịu kiểm soát và chi phí về thuế, chất lượng, bao bì, tem nhãn… Điều này trực tiếp phản ánh việc giá các mặt hàng rượu bia phi chính thức rẻ hơn, và gây thiệt hại cho khu vực đồ uống có cồn chính thức.

Ngoài ra, chính sách còn chưa đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa sản phẩm chất lượng cao và chất lượng thấp. Thuế tương đối sẽ dẫn đến mức thuế cao cho những sản phẩm có giá cao, khiến các sản phẩm này gặp khó hơn khi cạnh tranh sản phẩm chất lượng thấp. DN sản xuất cũng phải chịu thuế cho các nguyên liệu đầu vào như nước, bao bì…

Toàn cảnh hội thảo

Mặt khác, thực tiễn quốc tế và khu vực cho thấy, hiện nay trên thế giới, nhiều nước phát triển đã chuyển hoàn toàn sang đánh thuế tuyệt đối (như Úc, Canada, Mỹ, Nhật…), và các nước láng giềng có điều kiện kinh tế tương tự Việt Nam cũng đã chuyển dần sang thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp (như Indonesia, Philipines, Thái Lan và Malaysia).

Xem xét áp thuế hỗn hợp

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương cho biết, để phù hợp với tình hình của Việt Nam, nhóm nghiên cứu CIEM đã tiến hành kiểm chứng hiệu quả của phương pháp đánh thuế hỗn hợp (mixed tax) thông qua các tính toán định lượng dựa trên mô hình thuế do Đại học Charles Sturt (Úc) phát triển, và có sự điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh Việt Nam, với nguồn số liệu của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Nghiên cứu Rượu Quốc tế (IWSR).

Để so sánh với kịch bản cơ sở (giữ nguyên mức thuế tương đối như hiện nay là 65% đối với sản phẩm bia và rượu từ 20 độ trở lên, 35% đối với sản phẩm rượu dưới 20 độ) trên cả 2 khía cạnh là sự thay đổi số thu ngân sách Nhà nước và sự thay đổi về sản lượng tiêu thụ toàn ngành, nghiên cứu của CIEM đưa ra 5 kịch bản khác nhau.

Cụ thể, kịch bản 1 là giữ nguyên phương pháp thuế tương đối và tăng thuế suất theo lộ trình. Theo đó, trong 2 năm đầu tiên, áp dụng mức thuế suất TTĐB như sau: 70% đối với sản phẩm bia và rượu từ 20 độ trở lên; 40% đối với sản phẩm rượu dưới 20 độ; trong 2 năm tiếp theo: 75% đối với sản phẩm bia và rượu từ 20 độ trở lên; 45% đối với sản phẩm rượu dưới 20 độ.

Kịch bản 2 áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, kết hợp cả thuế suất tương đối trên giá bán buôn của sản phẩm và thuế suất tuyệt đối trên mỗi lít sản phẩm tiêu thụ. Theo đó, giữ nguyên mức thuế suất TTĐB tương đối, cụ thể: 65% đối với sản phẩm bia và rượu từ 20 độ trở lên; 35% đối với sản phẩm rượu dưới 20 độ; đồng thời áp dụng thêm mức thuế suất tuyệt đối trên mỗi lít tiêu thụ đối với từng nhóm sản phẩm đồ uống có cồn.

Kịch bản 3 tương tự kịch bản 2 song thuế suất tuyệt đối tính trên mỗi lít cồn nguyên chất (LPA), thay vì mỗi lít sản phẩm tiêu thụ.

Kịch bản 4, giảm mạnh mức thuế suất tương đối từ năm thứ 2 và tăng mạnh mức thuế tuyệt đối trên mỗi lít tiêu thụ.

Kịch bản 5 tương tự kịch bản 4, tuy nhiên thuế tuyệt đối sẽ áp dụng trên mỗi lít cồn nguyên chất (LPA), thay vì mỗi lít tiêu thụ.

Nghiên cứu cho thấy so với kịch bản cơ sở, mức tăng thu ngân sách Nhà nước từ ngành đồ uống có cồn đều vượt trội, đặc biệt ở các kịch bản 2 - 5. Cụ thể, nếu tiếp tục áp dụng thuế tương đối theo kịch bản 1, thu ngân sách Nhà nước sẽ tăng khoảng 38% so với kịch bản cơ sở, trong khi nếu chuyển sang phương pháp thuế hỗn hợp, mức tăng thu ngân sách Nhà nước đều rất lớn, trong đó tăng cao nhất là ở kịch bản 5 (tăng 75,38%) hoặc 4 (tăng 74,3%). Nếu theo kịch bản 2 hoặc 3, mức tăng cũng vào khoảng 63%. Rõ ràng là, phương pháp thuế hỗn hợp hoàn toàn giúp Chính phủ đạt được mục tiêu về mặt ngân sách Nhà nước.

Mặt khác, nghiên cứu của CIEM cũng chỉ ra rằng, phương pháp thuế hỗn hợp với hiệu ứng trading-up tăng cao hơn, hàm ý người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng nhóm sản phẩm đồ uống có cồn với chất lượng, thương hiệu tốt hơn, hạn chế việc sử dụng các sản phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm… do đó tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ khu vực rượu nhập khẩu. Đặc biệt, nếu Chính phủ lựa chọn việc tăng mức thuế tuyệt đối và giảm mức thuế tương đối theo kịch bản 4 hoặc 5, mức thu ngân sách Nhà nước sẽ càng cao hơn.

Trên cơ sở đó, CIEM đề xuất Chính phủ tiếp tục ổn định môi trường chính sách trong những năm tới, đặc biệt là chính sách thuế, để giúp DN phục hồi sản xuất kinh doanh sau giai đoạn chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, CIEM khuyến nghị, khi thực hiện sửa đổi Luật Thuế TTĐB ở thời điểm phù hợp, cần xem xét việc áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp dựa trên số lít cồn nguyên chất - LPA (kịch bản 3) thay cho thuế tương đối, do các ưu điểm vượt trội trong việc giúp đạt những mục tiêu chính sách, cũng như phù hợp với bối cảnh và khả năng thích ứng của Việt Nam.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phuong-phap-tinh-thue-tuong-doi-khong-con-phu-hop-voi-nganh-do-uong-co-con.html