Phương pháp mới giúp phát hiện nguy cơ trẻ bị hen suyễn

Một nhóm nghiên cứu đã phát triển một phương pháp sàng lọc mới, đơn giản dựa trên triệu chứng để phát hiện nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ.

 Phương pháp CHART giúp chẩn đoán nguy cơ trẻ mắc bệnh hen suyễn mà không cần xâm lấn. Ảnh: Medicalxpress

Phương pháp CHART giúp chẩn đoán nguy cơ trẻ mắc bệnh hen suyễn mà không cần xâm lấn. Ảnh: Medicalxpress

Kết quả nghiên cứu được công bố trên Journal of the American Medical Association (JAMA). Phương pháp có tên là CHART (CHILDhood Asthma Risk Tool).

"Bệnh hen suyễn ảnh hưởng đến gần 330 triệu người trên toàn thế giới, dẫn đến chi phí chăm sóc sức khỏe nặng nề và là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em ở Canada, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi, phải nhập viện", tiến sĩ Padmaja Subbarao, đồng tác giả nghiên cứu, bác sĩ hô hấp, giáo sư khoa Nhi tại Đại học Toronto, cho biết.

Theo bà, việc phát hiện sớm tình trạng này cho phép bác sĩ điều trị sớm hơn, giảm bớt đau đớn và tránh nguy cơ trẻ phải nhập viện. Từ đó, nó cũng giảm chi phí đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Phân loại nguy cơ hen suyễn

"Một lý do khiến bệnh hen suyễn thường không được phát hiện ở trẻ nhỏ là hầu hết xét nghiệm hen suyễn khó thực hiện ở trẻ em. Chúng tốn thời gian, yêu cầu xâm lấn, liên quan đến chích da và lấy máu. Vì vậy, nhiều bệnh nhân và bác sĩ không thực hiện", thạc sĩ Myrtha E Reyna-Vargas, đồng tác giả nghiên cứu, nói.

Các xét nghiệm thông thường khác cũng có thể yêu cầu người bệnh phải hẹn gặp bác sĩ, sử dụng thiết bị chuyên dụng để kiểm tra chức năng phổi.

Trong khi đó, CHART phân loại nguy cơ mắc bệnh hen suyễn trong tương lai của trẻ em và các triệu chứng dai dẳng theo mức cao, trung bình, thấp dựa trên thông tin ghi nhận trước 3 tuổi. Căn cứ vào đó, nó đề xuất các hành động tiếp theo cho mỗi nhóm.

Theo nhóm nghiên cứu, ưu điểm của CHART là các bác sĩ gia đình, y tá cũng có thể sử dụng nó trong điều kiện chăm sóc ban đầu với nguồn lực thấp. Phương pháp này cũng không xâm lấn, được thực hiện tại chỗ, không cần thiết bị đặc biệt và miễn phí. Tuy nhiên, hiệu quả của nó còn cần được chứng minh thông qua thực hành lâm sàng.

Trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã dùng CHART cho dữ liệu từ 2.354 trẻ em tham gia CHILD - nghiên cứu theo chiều dọc được thực hiện năm 2008 nhằm theo dõi sự phát triển về thể chất, xã hội và nhận thức của gần 3.500 trẻ em Canada từ trước khi sinh ra.

CHART có thể dự đoán chính xác đến 91% nguy cơ trẻ mắc hen suyễn hoặc khò khè dai dẳng. Ảnh: Med.ubc.ca.

Dự đoán chính xác chứng khò khè, hen suyễn

Từ thông tin về các đợt thở khò khè và ho của trẻ, việc sử dụng thuốc hen suyễn cùng các lần khám bệnh viện liên quan khi trẻ 3 tuổi, CHART có thể dự đoán chính xác 91% những đứa trẻ này sẽ bị khò khè dai dẳng - dấu hiệu chính của bệnh hen suyễn - trước khi lên 5.

Thực tế, 50% trong số những trẻ được CHART xếp vào nhóm nguy cơ cao năm 3 tuổi đã nhận chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn ở 5 tuổi.

"Do có nhiều sự mơ hồ khác nhau trong cách xác định bệnh hen suyễn trên lâm sàng, có khả năng, một số trẻ em mắc bệnh hen suyễn mà vẫn chưa được chẩn đoán chính thức. Và bất kể chẩn đoán chính thức là gì, các triệu chứng khò khè dai dẳng liên quan đến chức năng phổi kém, bệnh phổi mạn tính. Bệnh nhân đều cần được chăm sóc sức khỏe tương tự người mắc chứng hen suyễn. Vì vậy, giá trị từ khả năng dự đoán của CHART là không thể nghi ngờ”, nhóm nghiên cứu khẳng định.

Nhìn chung, CHART được xác nhận có khả năng dự đoán chính xác tình trạng khò khè dai dẳng, hen suyễn và việc áp dụng biện pháp chăm sóc sức khỏe liên quan tốt hơn so với các phương pháp chẩn đoán tiêu chuẩn khác, bao gồm đánh giá của bác sĩ và xét nghiệm hen suyễn thông thường.

Các phát hiện từ nghiên cứu sử dụng dữ liệu CHILD cũng được xác nhận bằng cách kiểm tra hiệu suất của CHART dựa trên dữ liệu từ hai nghiên cứu thuần tập bổ sung: Nhóm nghiên cứu CAPPS của Canada (những người tham gia đều có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn) và nghiên cứu Raine về dân số nói chung của Australia. CHART không chỉ hoạt động tốt trong các nhóm này mà nhờ vào dữ liệu có sẵn thông qua nhóm CAPPS, nó còn cho thấy hiệu quả khi áp dụng cho dữ liệu từ trẻ em dưới hai tuổi.

Nhà thống kê sinh học Ruixue (Vera) Dai, thành viên nhóm nghiên cứu, cho hay: "Với thông tin dễ dàng thu thập, CHART có thể kết hợp vào hồ sơ y tế điện tử như đánh giá định kỳ. Qua đó, trẻ được theo dõi sát sao hơn, người bệnh nhận điều trị tốt hơn, hạn chế nguy cơ phải nhập viện”.

Nhóm nghiên cứu nói thêm theo hiểu biết của họ, đây là nghiên cứu đầu tiên phát triển công cụ không xâm lấn để phát hiện sớm bệnh hen suyễn và thở khò khè dai dẳng.

Nguyên Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phuong-phap-moi-giup-phat-hien-nguy-co-tre-bi-hen-suyen-post1366225.html