Phương pháp mới điều trị Covid-19

Trong khi các ca mắc Covid-19 đang có chiều hướng gia tăng trở lại tại một số nước châu Á, nhiều quốc gia khác đã công bố những điều chỉnh về kế hoạch tiêm vaccine, phát triển vaccine và phương pháp mới điều trị Covid-19.

Nhiều nước đang tập trung vào nghiên cứu các loại vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 mới. Ảnh: Reuters.

Nhiều nước đang tập trung vào nghiên cứu các loại vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 mới. Ảnh: Reuters.

Điều chỉnh kế hoạch tiêm vaccine

Đầu tuần này, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đã công bố kế hoạch mới nhất về tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhằm tăng mức độ miễn dịch của một số nhóm đối tượng nhất định, cũng như giảm thiểu hơn nữa nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong do virus SARS-CoV-2.

Kế hoạch trên nhắm tới những người trong độ tuổi từ 3-17, chưa mắc virus SARS-CoV-2, cũng như chưa tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa Covid-19; nhóm người trưởng thành chưa mắc virus và chưa tiêm mũi tăng cường; nhóm người đã nhiễm virus và chưa tiêm đủ liều cơ bản.

Theo kế hoạch trên, người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên chưa mắc Covid-19 có thể tiêm mũi tăng cường đầu tiên 3 tháng sau khi tiêm đủ liều cơ bản. Những người đã mắc bệnh song chưa tiêm đủ liều cơ bản có thể tiêm vaccine 3 tháng sau khi mắc.

Trung Quốc hiện đã dỡ bỏ gần như tất cả hạn chế phòng dịch để chuyển sang sống chung với Covid-19 sau thời gian dài áp dụng chính sách “không Covid”.

Tại Australia, các cơ quan y tế của nước này đang khuyến khích trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người dễ bị tổn thương khác tiêm vaccine ngừa Covid-19 và bệnh cúm trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại rằng một loạt virus có thể tạo ra một “cơn bão mùa Đông” hoàn hảo.

Thủ hiến bang New South Wales Chris Minns kêu gọi người dân tiêm vaccine để bảo vệ bản thân, gia đình và hệ thống y tế. Trong khi đó, Tiến sĩ Kerry Chant, Giám đốc Sở Y tế bang New South Wales, cho biết tình hình hiện rất khó dự đoán, do đó giới chức y tế đang xem xét khả năng bắt đầu mùa cúm sớm và kéo dài. Theo ông Kerry Chant, virus cúm sẽ bắt đầu lưu hành cùng với dịch Covid-19 và virus hợp bào hô hấp (RSV) trong mùa đông.

Trong những tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 và nhập viện tại Australia đã tăng, đây là điều mà những người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác cần đặc biệt lưu ý. Khoảng 1.000 người ở bang New South Wales đang nhập viện vì Covid-19, trong đó có 20 người được chăm sóc đặc biệt.

Trước đó, giới chức cấp cao ngành y tế Australia khuyến cáo nước này cần chuẩn bị ứng phó với những làn sóng mới của dịch Covid-19 vào mùa đông tới. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Australia, kể từ khi nước này triển khai tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 nhắc lại năm 2023 vào đầu tháng 2 đến nay đã có 1 triệu người tiêm mũi vaccine này.

Giám đốc Y tế Paul Kelly nhận định, việc tăng độ bao phủ mũi vaccine ngừa Covid-19 nhắc lại là rất quan trọng để phòng ngừa các đợt lây nhiễm mới dự đoán có thể bùng phát trong mùa đông tới.

Phát triển vaccine thế hệ mới

Ngày 11/4, Mỹ đã chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế quốc gia do dịch Covid-19 tại nước này. Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden đã ký một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó, "trong đó chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến đại dịch Covid-19".

Quyết định này sẽ khép lại việc tài trợ tốn kém cho các xét nghiệm Covid-19, tiêm vaccine miễn phí và các biện pháp khẩn cấp khác được kết hợp với nhau bắt đầu từ tháng 1/2020 để cố đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát khỏi đại dịch toàn cầu.

Dù quyết định “quay lưng lại” với đại dịch toàn cầu, song chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang nghiên cứu vaccine thế hệ tiếp theo và các biện pháp khác để chống lại bất kỳ biến thể nào của virus SARS-CoV-2 trong tương lai.

Chính quyền Tổng thống Biden công bố Dự án NextGen trị giá 5 tỷ USD nhằm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 thế hệ tiếp theo. Dự án có sự hợp tác giữa các cơ quan công lập và những tập đoàn tư nhân. Đây được coi như giai đoạn tiếp theo của Chiến dịch Warp Speed dưới thời cựu tổng thống Donald Trump vào năm 2020 - chiến dịch đã giúp phát triển vaccine Covid-19 trong thời gian kỷ lục.

Các nhà khoa học, chuyên gia y tế công cộng và chính trị gia đề cao sáng kiến này, đồng thời cảnh báo, vaccine và các liệu pháp hiện tại đã dần mất hiệu quả, đòi hỏi những phương pháp mới, phù hợp với virus biến đổi nhanh chóng.

"Thị trường rõ ràng đang chuyển biến rất chậm. Chính phủ Mỹ có thể làm rất nhiều điều giúp đẩy nhanh sự phát triển của các công cụ chống dịch nhằm phục vụ người dân" - Ashish Jha, điều phối viên về Covid-19 của Nhà Trắng, cho biết.

Dự án NextGen tập trung vào 3 mục tiêu. Đầu tiên là tạo ra kháng thể đơn dòng tồn tại lâu dài sau khi virus tiến hóa và những phương pháp điều trị hiện tại không còn hiệu quả. Tiếp theo, các chuyên gia muốn đẩy nhanh sự phát triển của vaccine dạng xịt mũi họng, tạo miễn dịch niêm mạc, có thể giảm nguy cơ lây truyền và nhiễm bệnh. Cuối cùng, Chính phủ Mỹ hy vọng tăng tốc nghiên cứu vaccine phổ quát dành cho các virus corona nói chung, bảo vệ người dùng trước Covid-19 và các mầm bệnh họ hàng.

Các chuyên gia chỉ ra sự cấp thiết của mục tiêu thứ hai và thứ ba trong Dự án NextGen. Trong quá trình phát triển các vaccine hiện có, tốc độ là ưu tiên hàng đầu, bên cạnh tính an toàn và hiệu quả. Vaccine ra mắt cuối năm 2020 có tác dụng khoảng 95% trong ngăn ngừa bệnh chuyển nặng. Tuy nhiên, hiệu quả phòng, chống lây nhiễm hoặc mắc bệnh nhẹ sẽ giảm dần chỉ sau vài tháng. Khi virus tiếp tục phát triển, khả năng bảo vệ giảm sâu hơn.

Tiến sĩ Jha cho biết, thế giới cần có loại vaccine bền vững, tác dụng rộng và lâu dài hơn, có thể chống lại nhiều biến chủng. Theo tiến sĩ Gregory Poland, giám đốc Nhóm nghiên cứu vaccine tại Mayo Clinic, 5 tỷ USD chỉ là khoản tài trợ bước đầu. Các chuyên gia sẽ cần nhiều hơn nữa để hoàn thành cả ba mục tiêu.

Theo Tổ chức y tế thế giới, nhiều quốc gia tạm ngừng theo dõi và báo cáo số lượng ca nhiễm, nhập viện và tử vong vì Covid-19, giảm giải trình tự gien các ca bệnh, buông lỏng các biện pháp phòng ngừa nơi công cộng như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Trong khi đó, việc nhiều người dân do dự không tiêm vaccine và thông tin giả cũng gây cản trở cho các biện pháp phòng, chống dịch.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phuong-phap-moi-dieu-tri-covid-19-5714959.html