Phương pháp hỏa trị liệu: Không phải ai cũng dùng được

Người có bệnh thiên về hàn, cơ thể gắn kim loại, silicon, vùng da có vết thương hở... không được sử dụng hỏa trị liệu.

Mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng lan truyền video clip trị liệu bằng lửa. Theo đó, một người nằm trên giường ở một cơ sở spa được trùm mấy lớp khăn và được nhân viên spa tưới cồn đốt lửa cháy phừng phực.

Không ít người hoang mang vì ngọn lửa có thể gây bỏng cho người nằm dưới lớp khăn.

Trao đổi về phương pháp trị liệu bằng lửa này, TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y học dân tộc TP.HCM, cho hay phương pháp này không mới và có tên gọi là hỏa trị liệu đã được Bộ Y tế cấp phép cho BV Châm cứu Trung ương triển khai thực hiện và đào tạo phương pháp này.

Viện Y học dân tộc TP.HCM đang học chuyển giao phương pháp này từ BV Châm cứu Trung ương và mới kết thúc khóa học với 53 học viên. Viện đang chuẩn bị hồ sơ báo cáo thử nghiệm và xin phép thực hiện chính thức tại Viện Y học dân tộc TP.HCM.

Kỹ thuật viên BV Châm cứu Trung ương đang dạy phương pháp hỏa trị liệu cho học viên của Viện Y học dân tộc TP.HCM. Ảnh: GN

Kỹ thuật viên BV Châm cứu Trung ương đang dạy phương pháp hỏa trị liệu cho học viên của Viện Y học dân tộc TP.HCM. Ảnh: GN

Cũng theo bà Lan, hỏa trị liệu không hề trị được bách bệnh như các cơ sở spa thổi phồng quá mức mà theo một số nghiên cứu và được Bộ Y tế thẩm định, hỏa trị liệu hiện được áp dụng cho năm nhóm bệnh lý gồm viêm xoang, viêm mũi dị ứng, bệnh lý khớp, viêm dạ dày, viêm đại tràng kích thích. Tại TP.HCM, chưa có cơ sở nào được cấp phép thực hiện phương pháp hỏa trị liệu.

Khi hỏa trị liệu, vùng da được điều trị có nhiệt độ tối đa chỉ 45 độ C nên không có nguy cơ bỏng, tất nhiên đòi hỏi kỹ thuật viên được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm thực hành để xử lý tình huống ngoài dự liệu.

Hỏa trị liệu được giới thiệu là có thể chữa bách bệnh. Ảnh: GN

Nói về đối tượng sử dụng hỏa trị liệu, bà Lan cho hay không phải đối tượng nào cũng dùng được hỏa trị liệu. Hỏa trị liệu chỉ dùng cho người có bệnh lý thiên về hàn.

“Cùng một bệnh lý, ở Hà Nội khí hậu lạnh, thời gian đốt cồn có thể lên năm lần nhưng ở TP.HCM khí hậu nóng, số lần đốt cồn chỉ 2-3 lần. Ngoài ra, hỏa trị liệu có chống chỉ định trên người có kim loại, silicon, một số bệnh lý nặng, vùng da có vết thương hở. Đặc biệt, sau khi hỏa trị liệu phải giữ ấm và không được uống nước lạnh bốn tiếng đồng hồ, mặc quần dài, đi vớ. Ngoài ra, phòng ốc phải đảm bảo an toàn và phục vụ kỹ thuật như có bình chữa cháy, có nhiều cửa sổ để khi đốt cồn thường tạo ra nhiều khí CO2, cần có chỗ thoát để người ở trong phòng không bị ngộp” - bà Lan lưu ý.

GIA NGHI

Nguồn PLO: http://plo.vn/suc-khoe/phuong-phap-hoa-tri-lieu-khong-phai-ai-cung-dung-duoc-803327.html