Phương pháp đọc 'vuông, tròn, tam giác' được dạy phổ biến ở nhiều nước

Nhiều nước trên thế giới cũng dùng hình vuông, tròn để giúp trẻ nhận biết, đếm âm tiết của từ, nắm bắt ngôn ngữ tốt và vận dụng chúng linh hoạt.

GS Hồ Ngọc Đại nói về Công nghệ Giáo dục và đánh vần 'tròn, vuông'

GS Hồ Ngọc Đại giải thích việc phân biệt rõ âm và vần trong dạy tiếng Việt cho trẻ lớp 1. Ông cũng khẳng định chương trình Công nghệ Giáo dục sẽ thay thế cách dạy cũ.

Sau clip cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần, người ta bắt đầu "mổ xẻ" cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Một trong những yếu tố bị chỉ trích nhiều nhất và việc dùng các hình tròn, vuông, tam giác để đại diện cho tiếng. Nó nhanh chóng trở thành chủ đề chế ảnh, video.

Thậm chí, một số người suy diễn thế hệ sau sẽ dùng tròn, vuông, tam giác để giao tiếp thay vì tiếng Việt như hiện nay, biến nó thành cái cớ chỉ trích phương pháp của GS Đại.

Cách dạy phổ biến ở nhiều nước

Thực tế, cách làm của GS Đại không hề mới. Nhiều nước sử dụng nó để dạy trẻ từ cấp mẫu giáo.

Phương pháp này được áp dụng phổ biến trong việc dạy các ngôn ngữ dùng chữ cái latin như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha...

Ví dụ, học sinh mẫu giáo ở Mỹ bắt đầu từ học âm của từ. Các em không cần biết từ đó gồm những chữ cái nào tạo thành hay nó có nghĩa gì mà trước hết cần nắm khi đọc, các em phát ra bao nhiêu âm tiết.

Tách từ thành âm tiết, vật thể hóa chúng bằng các hình vẽ là phương pháp dạy học được áp dụng tại nhiều nước. Ảnh: Pinterest.

Ví dụ, với từ "computer", học sinh sẽ biết nó có 3 âm tiết trước khi hiểu nó chỉ cái máy tính.

Bài tập phổ biến nhất là trẻ dùng khuy tròn để xác định từ có bao nhiêu âm tiết. Giáo viên dùng bảng vẽ các đồ vật, con vật cùng ô vuông. Trẻ đếm xem từ để gọi vật đó có bao nhiêu âm tiết thì đặt từng đó khuy tròn vào các ô vuông.

Việc tiếp cận ngôn ngữ đầu đời ở các nước Anh, Mỹ thường không đề cập nhiều đến cách viết của từ cũng không viết từ cho từng đồ vật. Họ xác định đầu tiên, trẻ nắm được số âm tiết rồi mới đến cách dùng các chữ cái để tạo thành từ.

Ở dạng vừa học vừa chơi khác liên quan đến dạy trẻ nhận biết âm tiết, giáo viên phát cho học sinh các bức tranh in vật mà tên gọi của chúng có một, hai hoặc ba âm tiết. Trẻ có nhiệm vụ phân loại các bức tranh theo nhóm căn cứ vào số lượng âm tiết.

Họ còn hướng dẫn trẻ ghép các âm tiết để tạo thành từ, bất kể chúng có nghĩa hay không, hoặc loại bớt một âm tiết ở từ có nhiều âm tiết.

Cách học tương tự được áp dụng tại Tây Ban Nha. Giáo viên dạy trẻ dùng các hình vuông, tròn để nắm khái niệm cơ bản nhất về âm tiết - bài học đầu tiên trẻ tiếp cận khi học ngôn ngữ.

Tương tự, học sinh Singapore cũng dùng hình vuông, khuy tròn hoặc que tính, tiếng vỗ tay để xác định âm tiết.

Trong khi đó, vì phải học 3 thứ tiếng, học sinh Malaysia càng được chú trọng vào phần phân biệt âm tiết. Các em học đếm số âm tiết trước khi tiếp xúc với mặt chữ.

Phương pháp này cũng được áp dụng tại nhiều nước khác. Về cơ bản, hình vuông hay khuy tròn không mang ý nghĩa. Chúng tượng trưng cho âm tiết, nhầm phân biệt âm tiết với vần hay từ, vật thể hóa những âm vốn vô hình để trẻ dễ nhận biết.

Hỗ trợ tư duy ngôn ngữ

Không phải ngẫu nhiên người ta dùng các hình tròn, vuông để dạy về âm tiết. Phương pháp này được đánh giá cao đối với việc dạy trẻ nắm bắt và hình thành tư duy ngôn ngữ.

Theo trang Spanishdict, việc nắm được cách tách từ thành âm tiết giúp người học phát âm và đánh vần chính xác, xác định phần âm tiết phải nhấn trọng âm tốt hơn.

Cho trẻ dùng hình vuông, khuy tròn khi học ngôn ngữ không phải phương pháp xa lạ ở Anh, Mỹ, Tây Ban Nha hay Singapore. Ảnh: ThisReadingMama.

Trong khi đó, trang web giáo dục School Run nêu rõ học về âm tiết là một phần trong quá trình học cách giải mã và đánh vần từ. Nó giúp trẻ hiểu quy ước chính tả tiếng Anh, bao gồm bao giờ phải gấp đôi chữ cái và cách phát âm các nguyên âm trong từ mà các em có thể chưa tiếp xúc trước đó.

Theo đó, việc học ngôn ngữ của trẻ cũng không bắt đầu từ những từ gần gũi. Thay vào đó, các em tiếp xúc với những từ đơn giản, tức có ít âm tiết.

School Run vạch rõ hai giai đoạn học. Ở giai đoạn 1, trẻ học những từ có một hoặc hai âm tiết. Các em tách âm tiết ra và học cách đánh vần theo từng âm tiết một.

Ở giai đoạn 2, học sinh học lên các từ có nhiều âm tiết hơn và quy luật âm tiết trong thơ.

Nhiều trường ở Mỹ khuyến khích trẻ viết thơ haiku - thể loại thơ 3 dòng của Nhật Bản, dòng 1 và 3 cùng có 5 âm tiết, dòng thứ 2 có 7 âm tiết.

Bài tập này giúp trẻ nắm vững kiến thức về âm tiết, đồng thời rèn luyện tư duy ngôn ngữ, tăng cường sự linh hoạt trong sử dụng từ.

Ngoài ra, việc sử dụng các ô vuông, khuy tròn nhiều màu sắc để vật thể hóa âm tiết của từ cũng giúp trẻ phát triển thêm khả năng học Toán cùng sự nhạy bén đối với màu sắc.

Điều quan trọng cần nắm là những hình vẽ này chỉ đóng vai trò thay thế cho âm tiết, hoàn toàn không mang ý nghĩa của từ và cũng không thể thay thế từ trong giao tiếp.

Clip cô giáo dạy đọc qua dấu chấm, hình vuông gây tranh cãi

Sau khi xem clip cô giáo dạy học sinh đọc qua dấu chấm, hình vuông, nhiều cư dân mạng đã vội vàng chỉ trích GS Hồ Ngọc Đại, dù chưa tìm hiểu kỹ.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phuong-phap-doc-vuong-tron-tam-giac-duoc-day-pho-bien-o-nhieu-nuoc-post875338.html