Phương pháp 'đẻ không đau' và những điều cần lưu ý

Có thể nói 'đau đẻ' luôn là nỗi sợ hãi, ám ảnh của các sản phụ, gây ảnh hướng đến tâm, sinh lý của sản phụ khi đi sinh. Vì thế, thủ thuật gây tê ngoài màng cứng là phương pháp được khá nhiều sản phụ lựa chọn hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý vài điều khi sử dụng phương pháp này.

Nhiều lợi ích

Sản phụ Phạm Thị Hà (35 tuổi), ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) lựa chọn “đẻ không đau” tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Từng trải qua hai lần sinh trước rất vất vả và đau đớn, nên lần này, khi lựa chọn áp dụng phương pháp “đẻ không đau”, chị Hà cảm nhận được nhiều sự khác biệt. Chị Hà chia sẻ: “Sau khi sinh bằng phương pháp này, tôi thấy cuộc sinh diễn ra nhanh, ít mất sức và tỉnh táo hơn lần trước. Và việc gần gũi, cảm nhận con bên cạnh mình ngay lúc mới sinh khiến mình thấy hạnh phúc”.

Bác sĩ gây mê đang thực hiện kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng cho sản phụ.

Phương pháp “đẻ không đau” hay còn gọi là gây tê màng cứng, sản phụ sẽ được tiêm thuốc gây tê vào vùng cột sống ở thắt lưng, nơi có các dây thần kinh nhận cảm giác đau vùng bụng dưới. Gây tê màng cứng giúp cuộc chuyển dạ và sinh nở trở nên dễ dàng hơn, sản phụ không bị mất sức và giảm đau khi may tầng sinh môn. Ngoài ra, phương pháp này giúp sản phụ bị bệnh tim mạch, huyết áp, hô hấp có thể vẫn sinh thường được và an toàn cho thai nhi.

Bác sĩ Phạm Xuân Minh - Phó trưởng khoa Sản, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: “Phương pháp gây tê ngoài màng cứng áp dụng cho sinh thường. Sau khi được gây tê ngoài màng cứng, sản phụ vẫn hoàn toàn tỉnh táo và có thể cảm nhận được những cơn co và có khả năng tự rặn đẻ. Phương pháp này sẽ rất thuận lợi cho các sản phụ chịu đau kém xin đẻ mổ dù vẫn có thể đẻ thường. Nhờ có tác dụng giảm đau, bác sĩ sản khoa có thể chỉ huy được ca đẻ theo xu hướng tốt nhất cho thai và mẹ”.

Một số lưu ý

Gây tê ngoài màng cứng được đánh giá là phương pháp an toàn, hiệu quả và sử dụng phổ biến để giảm đau trong chuyển dạ. Tuy nhiên, vẫn có những tác dụng phụ mà sản phụ có thể gặp phải khi sử dụng phương pháp này.

“Hạ huyết áp, buồn nôn, lạnh run, đau đầu, đau lưng, rối loạn chức năng bàng quang... là một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng. Tuy nhiên, đây là những biến chứng nhẹ, dễ xử lý và có thể dự phòng nếu tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật và các chống chỉ định”, bác sĩ Minh chia sẻ.

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng đã khá phổ biến ở Việt Nam, được áp dụng thành công tại nhiều trung tâm sản khoa lớn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ... Tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, phương pháp này đã được triển khai đưa vào sử dụng từ tháng 4.2019 và được nhiều sản phụ lựa chọn để “vượt cạn” một cách dễ dàng và thuận lợi hơn.

Bài, ảnh: Bình Minh

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2033/202006/phuong-phap-de-khong-dau-va-nhung-dieu-can-luu-y-3009749/