Phương pháp 'cơm sôi bớt lửa' trong cuộc nội chiến tổ ấm

Tranh cãi, xung khắc, giận hờn…là những điều khó tránh khỏi trong cuộc sống vợ chồng rồi dẫn đến “chiến tranh lạnh” khiến không khí trong nhà ngột ngạt, khó thở.

Thời gian xảy ra “cuộc chiến” phụ thuộc vào cách cư xử của người trong cuộc. Để không xảy ra hậu quả nghiêm trọng, vợ chồng nên có những bí quyết giảng hòa.

Ảnh minh họa

Đối với Bích, mỗi khi cãi nhau với chồng, nàng dùng biện pháp đi mua sắm lung tung Khi ngắm nghía các thứ hàng vừa mua, Bích cảm thấy tinh thần thoải mái hơn hẳn và cơn giận chồng cũng giảm đi một nửa. Diện bộ váy mới, làm như vô tình, nàng đi qua đi lại trước mặt chồng, tự hỏi mình trong gương: “Ai thấy mình đẹp không ta?”. Có cơ hội để “đình chiến” nên anh chồng vui vẻ gật gù: “Đẹp đấy! Rất hợp dáng em!”. Thế là hòa bình được lập lại.

Nhưng, có vẻ như phương thức giảng hòa này để lại hậu quả khá nghiêm trọng là tốn tiền. Đó là chưa kể không ít sản phẩm Bích mua bừa, về nhà chẳng biết làm gì. Bỏ thì thương mà vương thì nợ. Không những thế, nàng còn phải chi tiêu dè xẻn trong những ngày còn lại trong tháng vì thu nhập của hai người có hạn.

Vì thế, đến những cuộc chiến tranh lạnh lần sau, rút kinh nghiệm, Bích không đi mua sắm mà chỉ đi xem phim hay lang thang trong siêu thị với bạn bè. Sau đó thì “ sơ tán” về nhà mẹ đẻ, chờ chồng sang đón.

Chỉ có điều, thời gian “sơ tán” sau những “cuộc chiến” cứ kéo ra, lần sau dài hơn lần trước vì chồng Bích có vẻ không muốn “xuống nước”. Mặt khác, ba mẹ Bích cũng khuyên giải con gái: “Vợ chồng trẻ! Có gì không vừa ý thì nên nói chuyện thẳng thắn với nhau thì mới sống được với nhau lâu dài. Lần nào con cũng bỏ đi như vậy, dù có yêu con đến mấy, chồng cũng chán!”. Y như rằng, đến lần thứ 3, chồng Bích ra “tối hậu thư”: “Em đi được thì về được! Ngày mai mà không về thì đừng về nữa!”.

Phần nghe ba mẹ nói có lý, phần khác, Bích cũng sợ chồng nói thật chứ không dọa nên tự “bò về”. Hai vợ chồng có buổi nói chuyện nghiêm túc theo kiểu “ chín bỏ làm mười”. Từ đó, Bích không cần phải nghĩ “chiêu đối phó” bởi dạo sau này ít có “chiến tranh”.

Tuy không rượu bia, thuốc lá, không gái gú, rượu chè … nhưng chồng Hoa lại rất mê điện tử. Cả ngày đi làm thì thôi. Về đến nhà, tắm rửa xong là anh xã Hoa lại cắm đầu vào máy tính đến khuya. Thậm chí, ăn cơm anh ta cũng ăn cạnh máy. Chơi đến khi ngủ gục mới thôi. Hoa bực lắm, hết năn nỉ, ỉ ôi đến dỗ dành không được mà còn bị chồng mắng là quấy rầy, thế là cãi nhau, giận nhau. Thời gian đầu, lúc vợ chồng mới cãi cọ, Hoa thường im lặng nhưng mặt cứ sưng lên. Đôi khi, Hoa giận dỗi, khóc lóc, nhịn ăn, giả ốm… Nhưng rồi, cô nhận ra, làm như thế không có tác dụng. Chồng Hoa chẳng hề có ý định “hồi tâm chuyển ý” vì chẳng mảy may ngó ngàng đến vợ cũng như tâm trạng hay cảm xúc của vợ, chẳng thèm quan tâm dỗ dành vợ nửa lời. Chưa kể, bản thân Hoa cũng rước thêm mệt mỏi, khó chịu.

Một lần, nghe mấy cô bạn cùng cảnh ngộ chia sẻ, Hoa đem về nhà áp dụng và có ngay kết quả. Sau giờ làm việc, Hoa lang thang trong siêu thị hoặc đến bạn bè, đi xem phim đến tối mịt. Về nhà, cô cũng chẳng thèm vào bếp nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa … mà vào lướt nét, dạo phây…hoặc mở nhạc, vừa rung đùi ngồi nghe vừa ư ử hát theo. Anh chồng đói bụng, chờ mãi mà không thấy vợ gọi ăn cơm nên lò dò xuống bếp thì hỡi ôi, nồi trống hoác, bếp lạnh tanh.

Hoặc vợ đi đâu chưa về, hoặc đang say mê nghe nhạc hoặc gõ máy tính. Vừa ngạc nhiên vừa bực mình, anh chồng định “dạy” cho vợ một bài học làm vợ. Nhưng Hoa trừng mắt : “Cũng đi làm suốt ngày, chẳng lẽ về nhà tôi còn phải hầu anh? Mà anh có coi tôi là vợ đâu? Bảo cái máy tính nó nấu ăn, quét nhà, giặt dũ cho anh đi !”. Chồng Hoa trố mắt nhìn vợ nhưng nhận ra cô có lý. Sau lần đó, anh xã Hoa tự hãm niềm say mê điện tử lại để dành thời gian bên vợ. Hạnh phúc tưởng như sắp bỏ đi lại trở về.

PHƯƠNG NGA

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/phuong-phap-com-soi-bot-lua-trong-cuoc-noi-chien-to-am-post199497.html