Phượng Liti Florist: 'Lựa chọn hoàn thành công việc lúc đêm muộn để có thời gian dành cho con'

Sở hữu thương hiệu hoa tươi Liti Florist, Phuong Krystine Nguyen luôn biết cách cân bằng cuộc sống và dành thời gian cho gia đình, đặc biệt là con cái.

Trong không gian ấm cúng tại cửa hàng Liti Florist trên phố Huế, Phuong Krystine Nguyen lướt nhìn những sắc hoa chào đón mùa Giáng sinh hòa quyện với nhau. Với chị, chỉ cần được ngắm nhìn những bông hoa đó, chị sẽ cảm thấy tràn đầy niềm hứng khởi.

Đôi mắt biết cười của bà chủ chuỗi cửa hàng hoa nhập nổi tiếng ở Hà Nội thi thoảng hấp háy niềm hạnh phúc khi kể về cuộc hôn nhân thứ hai và đứa con thông minh, tình cảm của mình.

Nhiều người nhìn vào chị ở thời điểm hiện tại, người sáng lập Liti Florist với chuỗi 3 cửa hàng bán lẻ, đồng sáng lập 2give.co, họ sẽ nghĩ chắc hẳn chị là người cực kỳ bận rộn với công việc…

- Khối lượng công việc nhiều hơn nhưng tôi chủ động hoàn toàn quỹ thời gian của mình, lên kế hoạch cho những điều mình muốn và thích làm. Tôi không bắt buộc ngày nào cũng phải tới công ty, có những khi tôi có thể làm việc từ xa.

Lúc nào tôi cũng ý thức được việc cân bằng. Những người xung quanh đều nghĩ tôi phải bận rộn lắm, quay cuồng với công việc, họ lo lắng tôi làm việc quá nhiều. Nhưng những người ở gần tôi đều biết, cuộc sống của tôi không chỉ xoay quanh công việc, tôi cân bằng giữa công việc, gia đình và những điều quan trọng khác.

Hằng ngày, chị dành thời gian ưu tiên cho những việc gì?

- Con người cần cuộc sống tinh thần, công việc và các mối quan hệ. Tất cả những thứ đó đều là một phần trong cuộc sống của tôi.

Tôi sẽ không ưu tiên cho những mối quan hệ làm mất thời gian của mình. Tôi tập trung vào những điều có ý nghĩa với cuộc đời của tôi.

Cụ thể những điều tạo nên cuộc sống ý nghĩa của chị là gì?

- Gia đình, sức khỏe, công việc và các sở thích làm mình vui. Tôi luôn dành thời gian nấu cơm tối và ăn cơm ở nhà. Tôi cố gắng có mặt ở nhà vào lúc con đi học về. Tôi dành thời gian cho việc rèn luyện sức khỏe, đọc sách, nấu nướng, tự học vẽ ở nhà, đi bơi, gặp gỡ bạn bè, người quen…

Chị là người làm chủ được cuộc sống của mình…

- Chắc chắn mỗi người cần phải làm chủ được cuộc sống của mình, dù mình có gia đình hay độc thân, tự kinh doanh hay đi làm thuê. Vì đó là lựa chọn của mình chứ không phải mình sống vì hình ảnh nào đó hay vì ai đó.

Từ một nhân viên văn phòng với mức lương nhiều người mơ ước, chị nghỉ việc và bắt đầu con đường khác, là khởi nghiệp. Những người xung quanh đã phản ứng như thế nào?

- Năm năm trước đây, nghề làm hoa và cắm hoa nghệ thuật chưa phát triển ở Việt Nam, mọi người đều coi đó là hình thức kinh doanh ‘vỉa hè’.

Có nhiều người rụt rè đặt câu hỏi bây giờ mình nghỉ việc thì sẽ như thế nào? Sẽ phải đối mặt với những điều gì? Nhưng tôi hoàn toàn tự tin vào bản thân mình.

Khi tôi quyết định nghỉ việc và rẽ sang con đường làm hoa thì ai cũng bảo tôi dũng cảm. Đến bây giờ, những người thân thiết với tôi đều tin tưởng vào quyết định của tôi và tự hào về những điều tôi làm được.

Chị bắt đầu con đường gắn bó với hoa như thế nào?

- Mùa hè năm 2012, tôi đăng một trạng thái lên trang cá nhân: nếu đủ 100 likes thì tôi sẽ mở cửa hàng hoa phục vụ bạn bè. Tôi không ngờ, bạn bè không những like mà còn động viên.

Đến tháng 11 năm đó, tiệm hoa Liti Florist online ra đời. Tôi phụ trách việc bó hoa còn cô em nhận đơn và giao hàng. Những ngày đầu đó, ban ngày tôi đi làm công sở, tối bó hoa để có hàng trả khách.

Ngày 20/11 năm đó, tiệm hoa online của tôi quá tải, lúc đó tôi mới bắt đầu suy nghĩ tới việc cần phải có một cửa hàng đàng hoàng.

Cách cắm hoa của chị có gì khác biệt mà lại nhận được nhiều sự ủng hộ của khách hàng đến vậy?

- Những bó hoa đầu tay được làm theo gu thẩm mỹ cá nhân tôi, nhưng kiến thức về bố cục, màu sắc cũng như những cảm xúc của chính mình trong từng bó hoa đã tạo nên sự khác biệt so với những bó hoa bán ngoài thị trường.

Doanh nghiệp của chị đã gặp phải những thách thức như thế nào?

- Doanh nghiệp của tôi cũng phải đối mặt với tất cả khó khăn giống như mọi doanh nghiệp khác: vấn đề nhân sự, nguồn hàng, nhà cung cấp cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường…

Sau 5 năm, từ một công ty chỉ có 5 nhân viên tăng lên thành 50, từ một cửa hàng nhân lên ba, việc quản trị khác hoàn toàn, tôi phải đối mặt với nhiều thay đổi và thách thức.

Có những thời điểm tôi mất nhiều nhân sự. Tôi rơi vào lúng túng, không biết phải làm thế nào và nếm trải cảm giác thất bại ‘Tại sao mình dành tâm huyết cho người ta? Tại sao họ lại từ bỏ mình? Mình đã sai chăng?’.

Nhưng bây giờ, đã đi qua quãng thời gian khủng hoảng về mặt nhân sự rồi, tôi điềm tĩnh và coi đó là bình thường. Những căng thẳng, áp lực đó giúp tôi trưởng thành hơn nhiều. So với 5 năm trước thì tôi mạnh mẽ hơn nhiều và biết loại bỏ nhiều thứ không quan trọng với mình.

Chị chia sẻ, thời điểm chị bắt đầu con đường làm hoa thì thị trường Việt Nam chưa phát triển, chị đã học hỏi và trau dồi kiến thức về hoa bằng cách nào?

- Cho dù nhận được sự ủng hộ từ mọi người nhưng thời gian đầu tiên tôi tự nhận thấy những bó hoa tôi làm còn nhiều khiếm khuyết về kỹ thuật. Tôi không tìm được chương trình phù hợp để theo học nên tôi tự mày mò tìm các bài dạy cắm hoa của nước ngoài trên YouTube, tự thực hành và tích lũy kinh nghiệm.

Sau đó tôi quyết định đi học và tìm tòi về hoa ở các nước khác. Bất cứ khi nào có dịp đi du lịch nước ngoài, tôi đều mày mò tìm đến các chợ hoa và các tiệm hoa nổi tiếng tại địa phương đó. Sau cùng, tôi đã quyết tâm tới London, Anh học về kỹ thuật cắm hoa của châu Âu.

Tôi nhận được nhiều hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như New Zealand Asean Foundation, PUM Netherlands, IPP… Qua các tổ chức này tôi kết nối được với các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực của mình và các nhà cung cấp khắp nơi trên thế giới.

Nói về câu chuyện khởi nghiệp, chỉ có 10% thành công, 30% thất bại và 60% sống dở chết dở. Họ thường nói về 10% những người thành công, nhưng đằng sau thành công đó là những khó khăn…

- Theo đuổi con đường làm hoa tươi cũng đầy gian nan và không hề nhàn hạ. Đằng sau những bông hoa rực rỡ, những bó hoa đẹp là biết bao mồ hôi, công sức của rất nhiều người.

Khi nhập khẩu hoa, tôi phải dự tính được số lượng hàng bán ra để không bị thừa hay thiếu hàng. Đã có lúc, chuyến bay chở hoa bị trễ khi quá cảnh, hoa đặt từ nước ngoài về bị héo, không sử dụng được vì hoa là hàng tươi cần tiêu thụ ngay.

Thương hoa, xót của, nhưng việc quan trọng nhất là làm sao để theo kịp tiến độ sự kiện. Những lúc ấy, tôi phải tìm mọi cách có nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng để thực hiện sản phẩm đúng cam kết với khách hàng.

Thường thì yêu thương, quý mến và trân trọng nhau thì con người ta mới tặng hoa cho nhau. Nghề hoa mang lại cho chị những trải nghiệm như thế nào với khách hàng?

- Việc học cắm hoa, bán hoa và tiếp xúc với khách hàng mỗi ngày giúp tôi và nhân viên của mình nuôi dưỡng niềm đam mê, học được nhiều bài học về văn hóa ứng xử thông qua thông điệp của các loài hoa.

Hoa là cầu nối giúp tôi được gặp những khách hàng thú vị, những đối tác tin cậy và những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp quan trọng.

Chắc có lẽ niềm vui, nỗi buồn của chị và nhân viên luôn đan xen khi tiếp xúc với khách hàng?

- Tôi thấy công việc của mình thực sự có ý nghĩa vì mang được niềm vui cho nhiều người, giúp cuộc sống trở nên đẹp hơn.

Không chỉ những người yêu nhau mới tặng hoa mà những cặp vợ chồng vẫn dùng hoa để thể hiện tình cảm của mình. Nhiều người cứ nghĩ việc duy trì hạnh phúc gia đình sao khó khăn quá. Khi bước vào con đường làm hoa, tôi mới thấy nhiều người rất khéo để làm điều đó.

Nhiều người chồng tâm lý, lãng mạn. Có ông bố trẻ cuối giờ làm, tay cầm túi bỉm vào chọn mua bó hoa tặng vợ vào ngày tròn một tháng vợ sinh con. Hay có một người khách sống ở nước ngoài, cứ mỗi đầu tuần đều đặt điện hoa gửi tặng người anh ấy yêu.

Nhưng cũng có những câu chuyện xúc động. Những vị khách buồn vì sự ra đi của một người bạn đã đến kể câu chuyện với chúng tôi và yêu cầu làm cho một bó hoa để xoa dịu nỗi đau. Hay họ tìm tới hoa là một món quà ý nghĩa, một niềm an ủi: ‘Có thể đây là lần cuối cùng bạn anh được nhìn thấy một bó hoa đẹp vì chị ấy bị ung thư’…

Hay có những trường hợp hài hước, khách đến nói: ‘Em ơi, bó hoa này anh dùng để cầu hôn đấy, chị ấy mà từ chối thì anh bắt đền cửa hàng…’

Mỗi bó hoa đều có một ý nghĩa lớn, như vậy khiến tôi nhìn thấy và cảm nhận được nhiều góc trong cuộc sống. Từ đó, không cho phép bản thân và nhân viên sai sót.

Đối tượng khách hàng đa dạng, chị làm thế nào để ai tìm tới Liti Florist cũng thấy hài lòng?

- Nếu nói có thể hài lòng tất cả mọi khách hàng thì là điều không thể nhưng tôi luôn chú trọng vào dịch vụ khách hàng và trải nghiệm khách hàng.

Bản thân mình phải luôn đặt khách hàng là trọng tâm của mọi vấn đề trong công việc thì chắc chắn khách hàng sẽ hài lòng. Đó chính là phương châm của tôi.

Hoa có phải là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời chị không?

- Tôi cảm thấy thoải mái và tuyệt vời nhất khi mỗi ngày được sống cùng với hoa. Những lúc hơi mệt, đến cửa hàng ngắm hoa, nhìn thấy hoa đẹp, tự nhiên tôi khỏe lên.

Hoa có sức hút lớn với tôi, việc ngắm nhìn hoa, những bó hoa đem đến cho tôi nhiều cảm xúc.

Hoa là một niềm vui lớn, còn để nói lớn nhất thì tôi cũng không chắc, vì hoa cũng chỉ là một phần trong cuộc sống thôi. Cuộc sống của mình còn nhiều thứ khác nữa, gia đình, bạn bè… đều khiến tôi vui.

Chị chia sẻ, chị có niềm đam mê lớn với hoa, đặc biệt là các loại hoa dại, nhỏ bé. Không biết cái tên Liti có phải xuất phát từ điều đó không?

- Đúng vậy, vì thích những thứ nhỏ xinh nên tôi đặt tên là Liti Florist.

Nhìn lại suốt quãng thời gian 5 năm đã qua, chị có hối tiếc về việc mình đã khởi nghiệp với con đường làm hoa không?

- Tôi biết chắc chắn với tính cách của tôi, nếu không khởi nghiệp làm hoa thì tôi cũng khởi nghiệp làm cái gì đó, có thể là thời trang vì đây cũng là một lĩnh vực tôi yêu thích.

Tôi nghĩ tôi thừa hưởng gen kinh doanh từ gia đình, máu kinh doanh chảy trong tôi từ bé. Bố tôi là giáo viên nhưng sau đó ông bỏ nghề giáo để kinh doanh.

Có một câu mà tôi tâm đắc: Hai mươi năm sau, bạn sẽ thấy hối tiếc vì những điều mình không làm hơn vì những điều mình đã làm. Với tôi, điều đó đúng. Tôi chưa bao giờ hối tiếc với lựa chọn của mình.

Việc kinh doanh hoa mang tới cho chị những trải nghiệm như thế nào?

- Tôi có được rất nhiều trải nghiệm thú vị và quý giá. Như bạn thấy đấy, nếu bạn là một người thích hoa, yêu hoa và ngày nào bạn cũng được sống cùng điều mình yêu thích thì có tuyệt vời không? (cười)

Vậy trong tương lai, chúng ta có thể thấy một thương hiệu thời trang do chị sáng lập chứ?

- Đối với tôi, để một người làm tốt hai việc cùng một lúc thì rất khó. Tôi nghĩ mình không làm gì ngoài hoa nữa, trừ khi tôi quyết định bán Liti cho một nhà đầu tư nào đó. (cười)

Quan điểm trong kinh doanh của tôi, tôi chỉ tập trung vào một lĩnh vực chứ không thích đa ngành nghề. Và làm thật tốt lĩnh vực của mình.

Sự cân bằng chị dành cho gia đình khác biệt như thế nào từ khi khởi nghiệp?

- Thời gian dành cho con từ khi tôi rẽ sang làm hoa cũng khác trước đây. Khi chưa lập gia đình thì tôi có thể ở lại công ty muộn, cũng có những hôm đến 9 - 10 giờ đêm nhưng bây giờ tôi chủ động hơn.

Tôi lựa chọn hoàn thành công việc vào lúc muộn, khi con ngủ rồi nhưng dành thời gian buổi chiều, buổi tối cho con, cho gia đình. Tất nhiên, tôi không tránh khỏi những ngày về nhà muộn nhưng đó chỉ là công việc đột xuất hoặc khi có sự kiện.

Bản thân mỗi một người mẹ, việc muốn dành thời gian cho con mình lúc nào lớn như nhau. Càng không có thời gian cho con thì càng khao khát điều đó.

Bé Quế Anh, con gái của chị đã từng nói ‘Con có linh cảm tốt nếu mẹ mở cửa hàng hoa’. Chị nhận được nhiều sự ủng hộ của con gái mình?

- Con tôi không thể hiện sự quyết liệt muốn tôi theo nghề này. Bé chỉ nói một cách bản năng của một đứa trẻ. Chưa bao giờ con tôi phản đối công việc tôi làm và con luôn tự hào về điều đó.

Con tôi cũng thích những thứ thủ công, tỉ mỉ, nhìn công việc mẹ làm, con thấy thích. Có thể khi mẹ làm một công việc khác thú vị thì bạn ấy cũng thích.

Quãng thời gian khởi nghiệp cũng là khi chị chia tay người chồng cũ của mình, nghĩ về quãng thời gian khó khăn khi đó, chị nghĩ tới điều gì?

- Tôi may mắn vì luôn có gia đình ở bên cạnh và không phải lo lắng nhiều về kinh tế. Lúc đó, điều khiến tôi trăn trở là những suy nghĩ về con. Liệu rằng khi bố mẹ chia tay thì con có bị thiệt thòi, bị hạn chế gì không?

Vậy việc đến với người đàn ông thứ hai, con cũng là một phần trong quyết định đó?

- Quyết định đó dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có tình yêu chúng tôi dành cho nhau và đương nhiên cuộc sống của tôi và con sau hôn nhân cũng là một điều tôi phải cân nhắc kỹ.

Sau sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu, chị có bị mất niềm tin vào đàn ông không?

- Tôi sinh ra trong một gia đình có bố mẹ hết mực yêu thương lẫn nhau và bố tôi là một người đàn ông tuyệt vời. Chính vì vậy, tôi chưa bao giờ mất niềm tin vào đàn ông và cuộc sống gia đình.

Chắc hẳn chị cũng có một vài lời khuyên cho mọi người trong hôn nhân…

- Tôi cũng không có lời khuyên gì nhưng tôi nghĩ, tôi sẽ có những lời khuyên cho con gái của mình sau này. Tôi sẽ luôn là người bạn đồng hành chia sẻ cho con các kinh nghiệm sống của mình để con có thể chọn người đàn ông phù hợp gắn bó cả đời.

Cuộc sống của chị hiện tại như thế nào?

- Cuộc sống hiện tại, tôi được chia sẻ từ việc nhà cho đến việc chăm sóc nuôi dạy con cái. Chồng ủng hộ tôi hết lòng trong công việc cũng như mọi sở thích, mong muốn trong cuộc sống. Tôi và anh như hai người bạn và chồng giống như người cố vấn của tôi trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh doanh.

Tôi biết ơn anh ấy. Chồng đã giúp tôi nhiều trong việc cải thiện sức khỏe cho bản thân và mang lại những trải nghiệm tuyệt vời cho con gái. Bây giờ con có thể bơi một lúc 2.000 mét, chạy 10km đường núi.

Thời gian là thứ mất đi không bao giờ lấy lại được. Tôi mãn nguyện vì thấy mỗi ngày của mình trôi qua đều không lãng phí và mỗi ngày tồn tại của tôi đều là một ngày ý nghĩa.

Tú Anh - Ái Linh

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/phuong-liti-florist-lua-chon-hoan-thanh-cong-viec-luc-dem-muon-de-co-thoi-gian-danh-cho-con-d3347.html