'Phượng Khấu' và câu chuyện 'diễn viên có tuổi'

Cuối cùng thì sau rất nhiều chờ đợi, web drama (phim chiếu mạng) 'Phượng Khấu' đã lên sóng tập đầu tiên. Một phim có đề tài 'cung đấu' dựa theo lịch sử Việt, được quảng bá khá bài bản trước đó, hội tụ dàn diễn viên thực lực, dựng phim công phu… tất nhiên sẽ nhận về không ít ý kiến phản hồi. 'Phượng Khấu' vừa lên sóng tập 1 đã khiến khán giả tranh cãi nhiều chiều, trong đó có câu hỏi: Vì sao một bộ phim muốn hút khách lại lựa chọn toàn diễn viên có tuổi tham gia?

“Phượng Khấu” (nghĩa là "khuy áo hình chim phượng") kể về cuộc đời nhân vật Phạm Hiệu Nguyệt, tức Phạm Thị Hằng hay Từ Dụ hoàng thái hậu trong lịch sử, do Hồng Đào đóng. Bà là vợ cả của hoàng đế Thiệu Trị (Thành Lộc đóng). Vượt qua những âm mưu thâm độc chốn hậu cung, Từ Dụ đưa con trai Hồng Nhậm lên ngôi hoàng đế (Tự Đức). Bà là người phụ nữ quyền uy nhất triều Nguyễn trong hơn 60 năm.

Các nghệ sĩ Hồng Đào, Thành Lộc, Minh Trang và Hồng Vân đảm nhận các vai diễn chính. Các vai diễn phụ được giao cho Ngọc Xuyên, Ngọc Hiệp, Tuyết Thu, Như Phượng, Võ Minh Khải… Những cái tên diễn viên trẻ như Diễm My 9X, Jun Phạm, Thanh Tú… dù lần 1 có công bố, nhưng đến khi họp báo ra mắt phim đã không còn tham gia nữa. Như vậy, dàn diễn viên chính và thứ chính của “Phượng Khấu” đều là những gương mặt gạo cội của phim ảnh và sân khấu Việt Nam. Điều này thể hiện rõ trong trailer và tập đầu tiên của phim.

Nghệ sĩ Hồng Đào vào vai Hiệu Nguyệt tức Từ Dụ hoàng thái hậu, nhân vật trung tâm của bộ phim “Phượng Khấu”. Ảnh: THE OCEAN COMPANY

Nghệ sĩ Hồng Đào vào vai Hiệu Nguyệt tức Từ Dụ hoàng thái hậu, nhân vật trung tâm của bộ phim “Phượng Khấu”. Ảnh: THE OCEAN COMPANY

“Phượng Khấu” dự định sản xuất 3 mùa, mùa một gồm 8 tập. Phim phát sóng qua mạng vào tối thứ 5 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 5-3. Sau khi tập 1 lên sóng, phim nhận về khá nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ghi nhận về nỗ lực đoàn làm phim trong việc xây dựng phim cổ trang - lịch sử, không ít khán giả cho rằng phim làm chưa tới, kịch bản nhiều lỗ hổng, lời thoại chưa thuyết phục. Nhất là những vai diễn quan trọng được trao cho những tên tuổi gạo cội, nhưng tính kịch, tính sân khấu của các vai diễn đó còn tương đối lớn.

Có những ý kiến cho rằng: Nội dung lời thoại và đài từ diễn viên không đủ sắc, đôi lúc còn gượng gạo, cách nhả chữ của diễn viên trong câu thoại khiến khán giả cảm thấy chưa thật. Nghệ sĩ Lê Thiện vốn là người diễn xuất duyên dáng, tuy nhiên, vào vai hoàng thái hậu lại cảm giác không hợp lắm, thấy không uy quyền, mực thước.

Chưa kể, lần đầu tiên web drama Việt có đề tài một phim cung đấu, các nhân vật được mô phỏng theo câu chuyện lịch sử, nhưng tất cả những cung tần, mỹ nữ, hoàng hậu, hoàng thượng đều là những diễn viên… đã có tuổi – trái ngược hoàn toàn với phim Trung Quốc và Hàn Quốc, khi họ lựa chọn những ê-kíp diễn viên trẻ, có ngoại hình tốt, có thực lực diễn xuất để đảm nhiệm các vai nặng ký.

Lý giải về điều này, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói: "Các anh chị diễn viên của “Phượng Khấu” là thế hệ vàng của thoại kịch miền Nam. Tôi không có ý chê bai các bạn trẻ không biết diễn và diễn dở, nhưng tôi muốn rạch một lằn ranh rõ ràng. Với một phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam, các diễn viên như anh Lộc, chị Vân, chị Đào, cô Thiện (NSƯT Lê Thiện) chính là bảo chứng, đủ đảm đương các vai diễn có sức nặng và nhân vật lịch sử. Nếu đổi dàn diễn viên này thành một dàn diễn viên trẻ, hot để vào vai thời trẻ của họ, không thể đảm bảo diễn xuất có chiều sâu”.

Rõ ràng, lý giải này cho thấy đạo diễn chưa thực sự tin vào lớp diễn viên trẻ khi đòi hỏi những vai diễn có nội tâm phức tạp. Mà bản thân khán giả, dù có thắc mắc về tuổi đời, tuổi nghề, nhưng họ cũng phải thừa nhận: Muốn xem một vai diễn hay, muốn đợi chờ vào diễn xuất tốt, phải dựa vào diễn viên gạo cội, vì thế, không thể đòi hỏi họ phải xinh đẹp, lộng lẫy được.

“Phượng Khấu” không phải là phim duy nhất diễn viên có tuổi “gánh phim”. Rất nhiều dự án phim điện ảnh và truyền hình khác, những diễn viên gạo cội là những người gánh đỡ phần diễn xuất cho cả bộ phim. Nghệ sĩ Thành Lộc từng chỉ đóng một vai khách mời (cameo) trong phim “Tấm Cám chuyện chưa kể”, khán giả đã cảm thấy có sự khác vời trong diễn xuất, nhất là khi diễn viên chính của phim là Hạ Vi (vai Tấm) gượng gạo và cứng đơ trên màn ảnh. Giữa rất nhiều những gương mặt trẻ, sự tham gia của các diễn viên gạo cội như: Hoàng Dũng, Hồng Vân, Trung Anh, Chí Tài, Hồng Đào… dù ở cương vị nào cũng là một nhịp nối nâng đỡ diễn xuất của các vai trong dự án phim mà họ đảm nhận.

“Phượng Khấu” có thể còn gây băn khoăn về cách nhả chữ, đài từ của nhân vật, nhưng chất lượng diễn xuất của các diễn viên gạo cội vẫn đáng được ghi nhận. Đoàn phim cũng thể hiện sự tìm tòi về lịch sử và đời sống hậu cung triều Nguyễn, đặc biệt là trang phục của các diễn viên được kỹ lưỡng, tỉ mỉ từng chi tiết. Theo đạo diễn của phim chia sẻ thì: Đỡ đầu cho dự án phim này là GS Nguyễn Khắc Thuần (79 tuổi) và GS Lê Văn Lan (84 tuổi) đều là những nhà sử học có tiếng của Việt Nam. Bên cạnh đó, đoàn phim “Phượng Khấu” còn có đội ngũ cố vấn sử học trẻ, có cả thế hệ 9X. Trong lịch sử nhà Nguyễn, giai đoạn của vua Thiệu Trị không quá phức tạp so với hai giai đoạn trước và sau đó là Minh Mạng và Tự Đức. Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng đây là lựa chọn khéo léo của đoàn làm phim.

Vì những đầu tư đó và vì những bảo chứng diễn xuất của dàn diễn viên dù không còn trẻ, “Phượng Khấu” có lẽ vẫn xứng đáng được đón đợi ở những tập tiếp theo. Còn nếu muốn được gặp nhiều hơn những gương mặt trẻ ở các vai đòi hỏi diễn xuất phức tạp, việc xây dựng đội ngũ trẻ đủ thực lực phải đẩy mạnh hơn. Nếu chính các đạo diễn chưa yên tâm giao vai cho người trẻ, khán giả cũng khó yên tâm xem phim.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phuong-khau-va-cau-chuyen-dien-vien-co-tuoi-183658.html