Phương kế nào giảm thiểu lao động trẻ em?

Đảng và Nhà nước ta đã và đang có nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu lao động trẻ em. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức của người dân, đồng bộ hóa hệ thống chính sách pháp luật, thúc đẩy bảo trợ xã hội và giảm nghèo bền vững.

Ảnh minh họa (nguồn: INT)

Ảnh minh họa (nguồn: INT)

Hàng triệu trẻ em lao động sớm

Thực tế cho thấy, lao động trẻ em ở nước ta đang là một vấn đề đáng báo động mặc dù nỗ lực của Đảng và Nhà nước đã đạt được những thành quả nhất định. Ước tính có khoảng 1,3 triệu trẻ em làm thuê giúp việc gia đình và con số này đang có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân là do tỷ lệ hộ nghèo khá cao, trẻ em trong gia đình nghèo có xu hướng bỏ học sớm trong khi các em có rất ít sự lựa chọn nghề nghiệp vì chưa được chuẩn bị về kỹ năng, học vấn. Trong bài phát biểu ngày 25/6/2018 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà nêu rõ, hiện toàn quốc có 1,75 triệu lao động trẻ em, tập trung trong khu vực kinh tế phi chính thức, trong đó 34% làm việc kéo dài trên 42 giờ/tuần.

Theo Bộ luật lao động năm 1994 (được sửa đổi, bổ sung năm 2002), lao động trẻ em là người lao động dưới 15 tuổi. Bộ luật lao động quy định cấm nhận trẻ em dưới 15 tuổi vào làm việc trong các cơ sở sử dụng lao động, trừ một số nghề và công việc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định, Đối với những nghề và công việc được nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, học nghề, tập nghề thì việc nhận và sử dụng phải có sự đồng ý và theo dõi của cha mẹ hoặc người đỡ đầu.

Người lao động trẻ em dưới 15 tuổi được giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn; không phải làm thêm giờ hoặc làm đêm trừ một số ngành nghề và công việc do pháp luật quy định; được người sử dụng lao động sắp xếp vào những công việc phù hợp với sức khỏe, được quan tâm, chăm sóc về các mặt lao động, tiền lương, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.

Theo BS. Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Hiện nay, chúng ta vẫn đang sử dụng khái niệm “lao động trẻ em” của tổ chức ILO, theo đó, lao động trẻ em là những trẻ em phải làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm với những công việc nặng nhọc và vượt quá thời gian làm việc theo quy định.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, lao động trẻ em chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức. Đây là những nơi ngoài tầm kiểm soát của thanh tra lao động hoặc công đoàn các cấp. Do vậy có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ em, đồng thời cản trở việc tiếp cận giáo dục lành mạnh, các em có nguy cơ cao bị bóc lột lao động và xâm hại tình dục...

Cụ thể: Nhóm trẻ di cư từ nông thôn ra thành phố làm giúp việc gia đình; trẻ giúp việc trong các quán bia, nhà hàng, quán ăn... khá đông đảo. Tuy nhiên, chúng ta không thể kiểm soát bởi đây là việc làm được “núp” dưới danh nghĩa “tự nguyện” và “giúp đỡ bố mẹ”.

Một nhóm khác là trẻ làm theo mùa vụ ở nông thôn, trong các làng nghề cũng không bị cấm trong danh mục các việc trẻ không được phép làm, dù thực tế, có nhiều rủi ro ảnh hưởng sức khỏe của trẻ như phải sử dụng hóa chất độc hại...

Hiện nay, quy định của pháp luật cho phép trẻ 13 tuổi được học nghề, trẻ 15 tuổi được ký hợp đồng lao động. Như vậy, trẻ có thể làm việc trong các môi trường đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Tuy nhiên, thực tế, trẻ em làm việc trong các làng nghề phải chế tác cũng phải sử dụng nhiều hóa chất độc hại không được quy định cụ thể. Hoặc trẻ tham gia lao động nghệ thuật trong các rạp xiếc... phải luyện tập cực nhọc, nhưng lại không thể quản lý được bởi nhiều gia đình coi đó là niềm đam mê của trẻ hoặc truyền thống của gia đình. Chính điều đó tạo điều kiện cho một số đối tượng sử dụng trẻ em như một “công cụ” kiếm tiền hiệu quả nhưng lại được pháp luật cho phép.

Ngoài ra, sự phát triển mạnh của các khu công nghiệp, khu chế xuất kéo theo sự gia tăng di cư trong nước cũng như một số gia đình và trẻ em thay đổi chỗ ở liên tục, không đăng ký tạm trú tạm vắng gây khó khăn cho việc quản lý và giám sát lao động trẻ em.

Ảnh minh họa (nguồn: INT)

Phương cách giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam

BS. Nguyễn Trọng An cho rằng, việc đầu tiên, chúng ta cần phải có định nghĩa rõ ràng về Lao động trẻ em ở Việt Nam, tách bạch giữa khái niệm lao động trẻ em, và trẻ em làm kinh tế, giúp đỡ gia đình. Trong nhóm các việc trẻ được phép làm và không được phép làm cần quy định cụ thể về tính chất, mức độ và sự tác động đến trẻ.

“Nguyên nhân sâu xa của lao động trẻ em là sự nghèo đói. Rất nhiều gia đình nghèo khó đã bị hạn chế trong nhận thức, cho rằng nếu con cái làm việc sớm sẽ giúp gia đình bớt khó khăn hơn. Nhiều vùng quê, trẻ vị thành niên học kém đã bỏ học để đi làm kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Nhiều em đã phải cố làm việc nhiều giờ trong ngày, thậm chí nhận những công việc nặng nhọc với mong muốn giúp gia đình thoát nghèo.”, BS. Nguyễn Trọng An nhận định.

Về giải pháp giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em nói chung và trẻ bị lạm dụng sức lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức nói riêng, BS. Nguyễn Trọng An cho rằng, cần tập trung xóa đói nghèo; xây dựng dịch vụ an sinh xã hội cho trẻ em lao động sớm và gia đình các em; phát triển các dịch vụ công tác xã hội và chăm sóc xã hội tại địa phương, qua đó, nâng cao nhận thức, có kiến thức, kỹ năng thực hiện trách nhiệm chăm sóc con em trong gia đình; giúp trẻ em có thông tin, kiến thức và tăng cường nhận thức về quyền của các em cũng như kỹ năng phòng, chống xâm hại, ngược đãi.

Cần sớm kiện toàn mạng lưới các bộ công tác xã hội bảo vệ trẻ em ở cộng đồng, ưu tiên vào cấp độ phòng ngừa trong hệ thống BVTE 3 cấp độ như Luật TE 2016 đã quy định. Cuối cùng đó là thực thi pháp luật phải thật nghiêm minh, có chế tài mạnh của Pháp luật để răn đe tội phạm, xử lý mạnh với những kẻ dụ dỗ, lôi kéo và bóc lột lao động trẻ em.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, những người sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định, gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Người sử dụng lao động phải lập sổ để theo dõi các điều kiện làm việc của người lao động chưa thành niên. Cuốn sổ phải ghi lại các thông tin sau: tên đầy đủ; ngày tháng năm sinh; công việc; và kết quả kiểm tra sức khỏe định kỳ. Hồ sơ về những người lao động dưới 18 tuổi nên bao gồm cả những người lao động đang làm việc tại các cơ sở bên trong và bên ngoài nhà máy.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/phuong-ke-nao-giam-thieu-lao-dong-tre-em-20200611131638614.html