Phượng hoàng, rồng, hổ và 'thế giới động vật' trong kiến trúc cung điện Seoul

Thành phố Seoul bắt đầu trở thành kinh đô của Hàn Quốc từ thời Joseon-Triều Tiên (1392-1910), với rất nhiều cung điện nguy nga, tráng lệ mà đến nay chỉ còn lại năm cung điện lộng lẫy, chứa đầy những tranh, tượng, phù điêu, vật phẩm trang trí, thể hiện cho những lý tưởng chính trị, cũng như ước mơ, hoài bão của nhân dân về một quân vương tài giỏi-tôn kính, một đất nước hùng cường-giàu mạnh, trong đó ai nấy đều vui vẻ, hạnh phúc.

Nói chung, tại cả năm cung điện gồm Gyeongbokgung, Changdeokgung, Changgyeonggung, Deoksugung và Gyeonghuigung đều có hàng trăm biểu tượng, là những hoa lá, chim thú, mây nước… được khắc họa cụ thể, rõ ràng hoặc ước lệ, cách điệu dưới những đường nét trạm khắc và vẽ rực rỡ.

Song nổi bật nhất, vừa có tính linh thiêng, cao quý vừa có vẻ mộc mạc, dễ gần là hình ảnh của các con vật, từ tứ linh, tứ tượng (rồng (long), phượng (phụng)/ chu tước, hổ/ lân, rùa (quy) tới vật nuôi, thấy hàng ngày như voi, ngựa, hươu, dê, bò, chó, mèo, khỉ, vượn, gà, vịt, ngỗng, công, trĩ, ác là, dơi, bướm, ve sầu, cá chép…

Chúng hiển hiện ở khắp nơi, trên các cột đèn, cây cầu, bậc thang, sân chầu lối vào cung điện tới các cánh cửa, rui mè, xà trụ, tường trần, mái nóc của hoàng cung, và mang những nét rất riêng của Hàn Quốc.

Ví dụ như rồng trong tiếng Hàn yong, là một thần thú được sinh ra bởi một con chim phượng và chim hạc, và thường có đầu rắn, mắt quỷ, chân hổ… trong khi phượng (bonghwang) lại có cổ trăn, hàm én, đuôi cá; và hai con vật này thường không bay cùng nhau lắm, mà tồn tại từng đôi: song long, song phụng một cách độc lập, ý chỉ vua cai trị một nơi, hoàng hậu coi sóc một chốn.

Tuy nhiên, đại thể các con vật được chia thành năm nhóm sau: nhóm chỉ vua, vương quyền-địa vị, nhóm chỉ sự an lạc-cát tường, nhóm chỉ luật pháp-công lý, nhóm chỉ sự hoan hỷ- may mắn, nhóm chỉ tính chất trừ tà-diệt ác và nhóm chỉ vũ trụ-thế giới bao la.

Trong nhóm đầu tiên, luôn có rồng, biểu trưng mạnh nhất về sự trị vì đất nước và điều khiển thời tiết (mưa nắng). Rồng thường xuất hiện trong tranh, tượng ở lối vào hoàng cung, nhất là nơi vua thiết triều, và hay nhất là trần điện, phía trên ngai vàng, như điện Geunjeongjeon và Junghwajeon của cung Gyeongbokgung và Deoksugung.

Tại đây, bạn sẽ thấy hai con rồng cuộn mình trong mây, ở một điện có màu vàng và điện kia màu xanh đối vàng. Trong văn hóa phương Đông, rồng và ba con vật trong tứ linh là các linh thú bảo vệ xứ sở-triều đại, trong đó lân báo hiệu quý nhân xuất hiện, phượng ban cát tướng, rùa cho tuổi thọ và rồng thì đưa lên làm vua.

Với hình vẽ rồng bay lên mây, người xưa có ý nói về một nhân vật xuất chúng, hơn thế còn vẽ/đúc rồng trong màu vàng, là phương vị trung tâm trong ngũ phương: đông, tây, nam, bắc và ở giữa, nhằm chỉ đức vua ở trên cao, thống lĩnh mọi thứ với đầy quyền uy.

Ở nhóm thứ hai, phượng đứng ở vị trí tối thượng trong năm cấp độ, vì nó đem tới những điềm lành, xuất phát từ những đặc tính xinh đẹp, duyên dáng, không ăn động vật, mà chỉ ăn thực vật, nhất là quả trúc (một thứ quả 60 năm mới mọc một lần), không ở chỗ nông cạn, mà chỉ xây tổ ở ngọn cây ngô đồng, và còn dễ dàng hồi sinh sau khi mất…

Con chim cũng hay ngậm một viên ngọc như ý, có thể đáp ứng mọi điều ước nguyện của dân gian, nhằm đảm bảo một cuộc sống bình an, khang thái.

Trong văn hóa cung đình, phượng còn chỉ nữ vương hoặc hoàng hậu, là người thay vua cai quản nội cung, để ông yên tâm làm các công việc triều chính hay đánh giặc. Hình phượng thường được thấy ở các trần điện như Injeongjeon và Myeongjeongjeon của Changdeokgung và Changgyeonggung. Từng đôi chim chao lượn giữa những dải mây ngũ sắc và bảo ngọc, như muốn rải rắc sự an lành, màu nhiệm đi muôn nơi.

Ngoài ra, chúng còn có mặt trên các cầu thang đá dapdo dẫn vào Gyeongbokgung, Changdeokgung và Changgyeonggung, cũng như trên tường sau cửa võng của thư viện hoàng gia Jibokjae… thể hiện cho tài đức, sự anh minh của quân vương, nhờ thế đất nước muôn thuở thái bình.

Ở nhóm thứ ba, linh vật tiêu biểu là haechi, một con sư tử có sừng ở trán, thường hay gầm gừ, song dáng điệu lại rất hiền lành như một chú cún. Nó có thể xét đoán, biết được đâu là tốt xấu, đúng sai; nếu thấy ai tranh cãi, sẽ đi về phía người chính nghĩa và bảo vệ người ấy. Vì thế, haetae là hiện thân của sự công tâm- pháp lý, và tất cả những nơi chịu trách nhiệm xử án đều trưng hình tượng con vật này.

Tại các cung điện, nó thường đứng ngay trước cổng, cầu thang vào nhà. Ví dụ tại Gyeongbokgung là hai phía của cổng Gwanghwamun, và thêm nữa là nhiều điểm dọc đường với các hình thù đẹp mắt. Sở dĩ như vậy là để khẳng định Triều Tiên là một đất nước có pháp luật, mọi người sống và làm việc theo lẽ phải.

Không dừng lại ở đó, haechi còn mở đầu hoặc nằm trong nhóm những biểu tượng may mắn, hoan hỷ và phòng tránh ma quỷ, tai họa. Việc nó chỉ ra kẻ ác, bảo vệ người tốt chính là một cái phúc cho thiên hạ, giúp giảm đi những oan trái, đau khổ. Nó còn là một linh thú chuyên ăn lửa và phun ra nước, nên chống được hỏa hoạn. Mỗi khi có lửa cháy, con vật liền lao đến, nuốt chửng than nóng.

Những con vật trong danh sách cũng có tác dụng như haechi dập lửa là kỳ lân, voi, hạc, cá chép, ngỗng, vịt… Đại khái chúng đều bay giỏi để lấy nước, mang được nhiều nước, phun ra nước hay dẫm đạp cho lửa tắt.

Chúng cũng là những sinh vật rất dễ thương, thanh tú, hoạt náo, sống lâu và chung thủy. Cả kỳ lân lẫn voi đều gắn với đạo Phật, tượng trưng cho những thành tựu lớn lao-vẻ vang; còn hạc, cá chép gắn với đạo Lão về sự cao sang-tao nhã trong khi ngỗng, vịt của đạo Mẫu là sự đông vui-an nhiên… Tất cả được trang trí ở trên các ống khói của Gyotaejeon-Gyeongbokgung và Daejojeon, Huijeongdang-Changdeokgung.

Một con vật tốt lành nữa là dơi, loài vật nửa chim nửa thú, ngoài bay tự do, nhìn được trong đêm thì còn sinh sản nhiều cho các vận hội và niềm hạnh phúc (gia đình đông con nhiều cháu) – một điều mà mọi hoàng gia đều mong muốn, và nó thường được in, khắc lên các viên ngói, lợp cho toàn bộ mái cung.

Thông thường các mái ngói đều phải rất rực rỡ, gồm gạch xanh, gạch đỏ, tím, vàng… song mái ngói ở các cung điện Hàn Quốc đều có mầu đen, cộng với hình ảnh con dơi, tạo nên một hiệu ứng cực kỳ thần diệu về tâm linh.

Ngoài ra, còn có nhiều sinh vật khác có thể xua đuổi tà khí-thù địch, đem tới sự bình yên như cheollok, một con sư tử mặt quỷ với lông tóc bờm xờm, móng vuốt sắc nhọn, thường nằm vắt vẻo trấn giữ ở các cây cầu, tường thành ven sông, không cho ma quỷ và người lạ đột nhập.

Tiêu biểu cho điều này là nhóm bốn tượng cheollok trên cầu Yeongjegyo và Okcheongyo của Gyeongbokgung và Changdeokgung. Với dáng vẻ hiền lành như một con mèo nằm lười, thè lưỡi lim dim ngủ, song chỉ cần một tiếng động qua là chúng vùng dậy xù lông- móng vuốt, sẵn sàng tấn công kẻ địch. Do cheollok rất tinh mắt, thính tai nên thường được dựng trước cổng bảo vệ hoàng gia.

Cùng với những linh thú dưới đất, còn có những linh thú trên các gờ nóc, đỉnh mái của những tòa nhà quan trọng, gọi là japsang – hỗn tượng, và thường đứng lẻ từng nhóm từ ba đến 11 con vật/người. Đại thể, thường thấy hai cái đầu rồng yong-du, đầu ưng chwui-du và đuôi bò chi-mi, cũng hay gặp tượng khỉ, ngựa, tê tê, rồi các nhân vật trong tiểu thuyết Tây Du Ký như Đường Tăng (Daedangsabu), Tôn Hành Giả (Sonhaengja), Trư Bát Giới (Jeopalgye), Sa Ngộ Tĩnh (Sahwasang), Bạch Long Mã (Iguryong), Igwibak, Mahwasang, Samsalbosal, Cheonsangap, Natodu… theo shaman giáo có thể ngăn cản ma quỷ và năng lượng xấu xâm nhập hoàng cung.

Khác với con rồng bay lượn trên trần điện có ý nghĩa bảo vệ vương vị, con rồng ở nóc nhà chỉ phục vụ duy nhất một việc, đó là dương oai, thanh thế, phun nước để chống hỏa hoạn và trông coi dinh thự. Tuy nhiên, chúng cũng được xếp theo đôi ở cùng nhau, mà một ví dụ là trên nóc Changdeokgung.

Quan niệm về vũ trụ được phản ánh qua hình ảnh thập nhị chi, tức cây đời mà mỗi nhánh có một con vật sinh sống, quyết định sự sinh sôi và tàn lụi. 12 con vật này, còn gọi là 12 con giáp, cũng ứng với 12 tháng (12 năm). Mỗi con làm chủ một tháng (một năm), cứ thế đến hết vòng, và lần lượt là chuột, trâu, hổ, thỏ, rồng, rắn, ngựa, cừu, khỉ, gà, chó và lợn.

Có thể thấy chúng ở thành cầu thang tại Geunjeongjeon, cầu đá ở lầu Gyeonghoeru-Gyeongbokgung hay ống khói của gác Cheonghyanggak-Changdeokgung. Bên cạnh đó là tứ tượng, những thần thú trông coi bốn phương, gồm Thanh Long ở phương Đông, Bạch Hổ phương Tây, Chu Tước phương Nam, Huyền Vũ phía Bắc và được khắc trên những phiến đá Woldae tại sân Geunjeongjeon, phản ánh sự hòa hợp giữa thiên, địa, nhân.

Dù có hình dạng, phân bố thế nào, mỗi con vật trong kiến trúc hoàng cung Seoul đều gắn bó, liên hệ chặt chẽ với nhau, để hỗ trợ, đem lại sức sống lâu bền cho công trình, trong đó có nhiều tòa nhà bằng gỗ, chất liệu dễ cháy-dễ vỡ, đồng thời cũng giúp người ở mạnh khỏe, vui vẻ, sung túc, may mắn, như ý và theo lý tưởng của triều đại là một đất nước mãi mãi trường tồn, phát triển và hòa nhập với thế giới.

Chu Mạnh Cường

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/phuong-hoang-rong-ho-va-the-gioi-dong-vat-trong-kien-truc-cung-dien-seoul-24704.html