Phượng hoàng quả cảm hay phép màu của người phụ nữ Việt trên đất Pháp

Chiến tranh, sự phản bội và những lễ giáo hà khắc không thể giết chết trái tim kiên cường bên trong lồng ngực người phụ nữ nhỏ bé. Con người chỉ mất tất cả khi không còn hy vọng.

Điều gì sẽ xảy đến với một cô bé sinh ra vào cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thế kỷ trước ở một vùng núi nghèo khó thuộc miền Trung. Đứa trẻ ấy sẽ lớn lên, trở thành thiếu nữ và lấy chồng, sinh con. Cả đời cô sẽ sống dựa vào một người đàn ông chỉ biết ra lệnh và thị uy bằng roi vọt như mẹ cô từng trải qua. Một cô bé cứng đầu, luôn khao khát tự do liệu có muốn sống cuộc đời tù túng ấy.

Chiến tranh ập đến, cuốn tất cả mọi số phận, bất kể sang hèn vào vòng khốc liệt. Người phụ nữ, vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, sống trong cơn binh lửa phần thua thiệt dường như tăng lên gấp bội. Hy vọng được nuôi dưỡng trong tim và lòng nhân hậu từ những con người không quen biết chính là “phao cứu sinh ” kỳ diệu của người phụ nữ nhỏ bé.

Bà vẫn sống, gieo yêu thương và sinh ra những đứa con. Dù sống ở nước Pháp, nhưng trong trái tim bà, những hình ảnh về Việt Nam vẫn thật gần gũi, thân thương. Tiểu thuyết Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng, được lấy cảm hứng từ những năm tháng đầy chông gai mà mẹ của tác giả đã trải qua. Tác phẩm như lời tri ân của Isabelle Müller với quê ngoại Việt Nam.

Đi theo tiếng gọi của tự do

Cô bé Đậu Thị Cúc sinh ra trong gia đình người dân tộc Lào ở miền núi Hà Tĩnh. Từ khi còn nhỏ, đứa trẻ ấy đã nhận thức được rằng: ở nơi mà cô đang sống, người phụ nữ không có giá trị. Mẹ cô chỉ biết im lặng khi chồng lấy vợ bé. Bà không được phép giận dữ hay khó chịu khi ông bỏ đi biền biệt nhiều tháng trời. Việc duy nhất người đàn bà có thể làm là im lặng!

Tiểu thuyết Loan. Ảnh: NXB Trẻ.

Đàn ông là người quyết định tất cả. Đó là luật bất thành văn đã tồn tại cả ngàn năm nay ở cái xứ này. Từ nhỏ, cô bé Cúc đã lớn lên cùng với những trận đòn chí tử, khiến cả người sưng lên đau đớn của cha và anh trai.

Sau khi cha cô chết trong một chuyến đi xa, dưới mắt anh cả, Cúc trở thành gánh nặng. "Quyền huynh thế phụ”, người đàn ông trẻ tuổi và độc đoán, giờ là trụ cột trong gia đình, quyết định gả chồng sớm cho cô em gái.

Phải tự quyết định cuộc đời mình, đó mới là cuộc đời đáng sống. Cúc hoảng sợ khi nghĩ đến việc ở cạnh người đàn ông mà mình không yêu. Cô bỏ nhà ra đi để được sống cuộc đời của chính mình. Năm đó, Cúc mới 12 tuổi.

Giông bão bắt đầu

Bỏ nhà tha phương trong thời buổi nhuyễn nhương, xã hội thực dân phong kiến “nửa Tây nửa Ta” với cướp bóc và lũ ma cô lừa đảo đầy đường, chính là tự đưa chân vào hang cọp. Khi quyết định dừng chân ở Hà Nội, suýt chút nữa cô đã bị bán vào nhà chứa. May mắn được một người đàn ông gốc Hoa cưu mang, cô Cúc tạm có những ngày tháng yên bình.

Nạn đói và những cơn xoay vần của chính trị, sự trắc trở của lòng người khiến cô gái nhỏ bé nhiều phen chìm nổi. Cuối cùng, cô ở lại Hải Phòng mở quán bán cơm và gây dựng cuộc đời mới. Với sắc vóc và cách nói chuyện có duyên, quán của cô Cúc ngày một đông khách. Người ta không chỉ đến ăn uống, mà còn tới để ngắm cô chủ quán xinh đẹp. Mối tình đầu của cô Cúc cũng bắt đầu từ đây!

Đáng tiếc, chuyện cổ tích không xảy đến với cô gái hiền lành. Cúc đã bị gã đàn ông tệ bạc ấy bỏ rơi. Bé Loan, cô con gái bé bỏng của cô chính là chút an ủi mà một mối tình buồn để lại. Định mệnh không cho cô Cúc được an lành, bé Loan ra đi vì bạo bệnh. Cô Cúc quyết định ra đi, bỏ những đau thương lại nơi đất cảng. Từ đó, cô muốn mọi người gọi mình là Loan.

Trở lại Hà Nội, vì bị nghi là gián điệp của Việt Minh, Loan bị bắt. Để trả ơn cho viên sĩ quan Pháp đã cứu cô và người bạn, Loan đành lấy thân mình đền đáp. Người đàn ông ấy rồi cũng ra đi, để lại cho Loan một mầm sống mới đang lớn dần trong bụng.

Sau tất cả, tình yêu lại đến

Trong lúc Loan không còn tin vào tình yêu thì Marcel xuất hiện. Viên sĩ quan trẻ với đồng lương eo hẹp và gương mặt đầy tàn nhang đã khiến cô rung động. Họ yêu nhau và anh sẵn sàng làm cha của con cô. Nhưng cả hai sẽ ra sao khi cuộc chiến kết thúc.

Khó khăn lắm Loan mới có thể sang Pháp cùng chồng. Nhưng cô phải để cậu con trai nhỏ ở lại. Trái tim người mẹ lại vỡ vụn lần nữa. Khi Loan tới Pháp thì Marcel lại được điều đi Algérie. Để cả gia đình được bên nhau, người phụ nữ nhỏ bé ấy cứ thế rong ruổi theo chồng những năm chiến trận. Dường như cô thấy hình bóng người mẹ ở quê nhà đang ẩn hiện trong mình. Ở đâu phụ nữ cũng phải hy sinh.

Tác giả tới Việt Nam khi tiểu thuyết được phát hành. Những năm 1990 bà cùng mẹ nhiều lần quay trở về Đông Nam Á để tìm hiểu về nguồn gốc của mình.

Khi cả gia đình trở về Pháp, cô Loan mở cửa hàng bán đồ ăn Việt. Cô lại mặc áo dài thêu, ngồi bán hàng như trước kia. Dù ở đâu, cô Loan vẫn là người phụ nữ Việt Nam. Cô tự tin mặc áo dài sánh vai cùng chồng trong những cuộc gặp gỡ. Cô yêu tà áo ấy vì trong nó dường như chứa đựng cả quê hương.

Loan không chỉ là cuốn tiểu thuyết để lại nhiều dư âm kể về cuộc đời của một con chim phượng hoàng luôn mạnh mẽ rũ mình đứng dậy từ tàn tro. Tác phẩm còn mang những câu chuyện lịch sử sống động, được kể bằng ngòi bút dung dị và bình thản, nhưng cũng đầy tự hào về những tháng năm đáng nhớ của dân tộc.

Cô Loan chỉ sống trên đất Pháp, làm vợ của một người đàn ông Pháp, nhưng cô vẫn mang trái tim của người phụ nữ Việt Nam trong lồng ngực.

Tần tảo, hy sinh và không bao giờ ngừng hi vọng. Cô giữ gìn sợi dây tình cảm thiêng liêng giữa con với quê ngoại xa xôi, bằng những câu chuyện không phai mờ trong trí nhớ. Thế nên, giờ đây chúng ta mới được cầm trên tay cuốn tiểu thuyết đầy trân quý này!

Thụy Oanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phuong-hoang-qua-cam-hay-phep-mau-cua-nguoi-phu-nu-viet-tren-dat-phap-post885962.html