Phương cách riêng của phụ nữ Hồi giáo phòng, chống bạo lực tình dục

Khi mới lên 8 tuổi, Sameera Qureshi bị một người họ hàng xa 20 tuổi lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, phải rất nhiều thời gian sau đó, Sameera Qureshi mới biết đó là hành vi lạm dụng tình dục. Giờ đây, ở tuổi 36, Sameera Qureshi đã là một nhà giáo dục về sức khỏe tình dục của cộng đồng người Hồi giáo.

Sameera Qureshi phát biểu tại một cuộc Hội thảo của “HEART Women & Girls” ở Mỹ

Nâng cao nhận thức về sức khỏe và bạo lực tình dục

“Khi bước vào tuổi 30, tôi mới nhận ra mình là người sống sót sau khi bị lạm dụng tình dục. Giờ đây, những ký ức đau thương vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Tôi đã giữ những nỗi đau đó trong nhiều năm”, Qureshi phát biểu tại một hội thảo có tiêu đề “Phong trào #MeToo của phụ nữ Hồi giáo” ở Columbus, Ohio (Mỹ), tháng 9-2018. Năm 2012, Qureshi tham gia “HEART Women & Girls” - Tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về sức khỏe và bạo lực tình dục trong cộng đồng Hồi giáo. “Trong 8 năm qua, tôi đã cùng các đồng nghiệp có nhiều hoạt động góp phần nâng cao hiểu biết cho cộng đồng Hồi giáo về sức khỏe tình dục”, Qureshi nói.

“HEART Women & Girls” có mặt ở Chicago, Washington và Los Angeles. Điều đáng quan tâm là các nhà giáo dục giới tính tham gia “HEART Women & Girls” đều là người Hồi giáo. Ngoài ra, HEART cũng có sự tham gia của các “nhà giáo dục ảo” mà thông qua đó, người Hồi giáo có thể nói chuyện riêng tư trực tuyến, tổ chức hội thảo, trao đổi, đào tạo trên website.

Nadiah Mohajir - người đồng sáng lập “HEART Women & Girls” cho biết, tổ chức ra đời sau khi các chuyên gia nhận thấy nhu cầu của cộng đồng về các vấn đề giáo dục giới tính. Các chương trình truyền thống hay tôn giáo thường không đề cập đến vấn đề này. “HEART Women & Girls” cũng tạo ra diễn đàn để những người Hồi giáo nói về các vấn đề thường được cho là cấm kỵ trong Hồi giáo. Nhóm cũng thường xuyên hợp tác với các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu để thu thập dữ liệu và chia sẻ các tài liệu liên quan đến các cộng đồng Hồi giáo.

Jeanine Erikat, sinh viên năm cuối chuyên ngành Khoa học, lịch sử, y yế cộng đồng tại trường Đại học California cho biết, HEART có tác động rất lớn đến một phụ nữ Hồi giáo như cô. “HEART đã tạo diễn đàn để mọi người nói về tình dục và bạo lực tình dục mà không phải lo lắng về định kiến Hồi giáo hay những người đàn ông Hồi giáo”, Jeanine Erikat nói.

Nhiều rào cản từ định kiến xã hội

Qureshi cho biết, nhận thức của cộng đồng Hồi giáo được nâng cao kể từ khi hashtag #MeToo bùng lên với phong trào đấu tranh mạnh mẽ với nạn bạo lực, lạm dụng tình dục phụ nữ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Qureshi cũng cho rằng, người Hồi giáo có một trải nghiệm khác lạ trong kỷ nguyên #MeToo: Họ là những người bị thôi miên trong xã hội, bị các chính trị gia tấn công và thường là mục tiêu tấn công khủng bố, những cơn ác mộng của họ hiếm khi được giải quyết.

“Thực tế không thể phủ nhận là tình trạng người dân mất niềm tin và không phải ai cũng dũng cảm đứng lên tố cáo thủ phạm là điều không đơn giản. Đó là câu chuyện phức tạp, rào cản với phụ nữ Hồi giáo trong phong trào #MeToo. Bên cạnh đó, cộng đồng người Hồi giáo cũng đang phải đối mặt với làn sóng chống lại người Hồi giáo”, Qureshi nói.

Học giả Chan-Malik nhận định rằng, nhiều phụ nữ không dám lên tiếng tố cáo kẻ tấn công tình dục vì sợ bị “tẩy chay” khỏi cộng đồng của mình. Các chuyên gia của HEART cho biết, nạn nhân sống sót sau lạm dụng tình dục trong cộng đồng tôn giáo nói chung, Hồi giáo nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau. Trong cộng đồng Hồi giáo, thủ phạm thường biện minh cho hành vi bạo lực tình dục của mình khi coi đó là đặc quyền của đàn ông. Quan niệm, “hãy cho anh ta 70 lời bào chữa khi phạm lỗi” còn tồn tại phổ biến.

“Nỗi sợ hãi này được nhân lên khi hung thủ là một người đàn ông có chức sắc trong tôn giáo với lượng người theo dõi lớn trên phương tiện truyền thông xã hội. Một số vụ bê bối gần đây đã gây chấn động cộng đồng Hồi giáo ở Mỹ và nước ngoài khi một số nhân vật Hồi giáo nổi tiếng bị buộc tội tấn công tình dục hoặc có hành vi không đúng mực, bao gồm Nouman Ali Khan - nhà truyền giáo ở Texas và Tariq Ramadan - học giả nổi tiếng ở Thụy Sĩ”.

Học giả Chan-Malik

Tường Phạm (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/phuong-cach-rieng-cua-phu-nu-hoi-giao-phong-chong-bao-luc-tinh-duc/797286.antd