Phương án thi THPT Quốc gia 2019: Những điểm mới cần lưu ý

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa chính thức công bố phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó đã có một số điều chỉnh nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn.

Siết chặt công tác coi thi, chấm thi

Được biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi các năm trước, nhất là năm 2018, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh; đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn.

Về công tác đề thi, nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh. Bộ GDĐT sẽ sớm công bố đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia 2019 để giúp giáo viên, học sinh tổ chức dạy học, ôn tập chuẩn bị tham gia Kỳ thi.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Về công tác coi thi, Bộ GDĐT sẽ điều động cán bộ, giảng viên các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên (gọi chung là trường đại học, cao đẳng) đến các Hội đồng thi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình; đồng thời quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; hướng dẫn chi tiết kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật; đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày và tăng cường trách nhiệm của các thành phần có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại Điểm thi, Hội đồng thi.

Trong công tác chấm thi, Bộ GDĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép.

Theo đó, mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và đảm bảo trong suốt quá trình xử lý bài thi, cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm (đây là một hình thức “đánh phách” điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh). Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GDĐT và của các trường đại học, cao đẳng đối với việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) do sở GDĐT chủ trì.

Đặc biệt, kết quả thi THPT Quốc gia sẽ được Bộ GDĐT công bố công khai, rộng rãi sau khi thông tin tổng hợp phân tích kết quả thi. Bộ GDĐT cũng quyết định sẽ tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).; đồng thời tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh ĐH, CĐ. Cụ thể: Các trường chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh đảm bảo nguyên tắc tự chủ; theo đó, ngoài phương thức sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở tuyển sinh, có thể sử dụng các phương thức khác để tuyển sinh.

Bên cạnh đó, để đảm bảo công bằng, minh bạch, Bộ GDĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các khâu tổ chức Kỳ thi; yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn, phân công cán bộ tham gia tổ chức thi theo đúng quy định của quy chế đảm bảo có đội ngũ cán bộ đủ năng lực và có ý thức trách nhiệm cao tham gia kỳ thi; phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao.

Vẫn còn băn khoăn

Bộ GDĐT cũng quyết định sẽ tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Đồng thời tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh ĐH, CĐ. Cụ thể: các trường chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh đảm bảo nguyên tắc tự chủ; theo đó, ngoài phương thức sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở tuyển sinh, có thể sử dụng các phương thức khác để tuyển sinh.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với phương án thi THPT quốc gia năm 2019 của Bộ GDĐT; nhiều học sinh, thầy cô giáo vẫn còn băn khoăn vì phạm vi kiến thức ôn tập chưa rõ ràng. Có ý kiến cho rằng “nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12” là một thuật ngữ rất mơ hồ; Bộ GDĐT cần nói rõ có bao nhiêu % kiến thức lớp 10, 11, 12 trong đề thi để giáo viên và học sinh có định hướng ôn tập tốt hơn.

Đồng thời, học kỳ I của năm học 2018 - 2019 cũng đang dần kết thúc, Bộ GDĐT nên sớm công bố đề minh họa để học sinh và giáo viên chủ động, có cơ sở đánh giá sức học, mức độ đề, từ đó có kế hoạch chuẩn bị ôn tập. "Sau khi biết phương án thi THPT quốc gia năm 2019, bản thân em rất mong nhanh chóng có đề thi minh họa. Đến bây giờ em rất lo lắng không biết trong đề thi năm tới có bao nhiêu câu hỏi ở lớp 10, lớp 11. Hiện tại, em chỉ biết học kĩ kiến thức lớp 12" –Nguyễn Linh (một học sinh lớp 12 tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.

Theo thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (Hệ thống giáo dục HOCMAI), về cơ bản, phương thức tổ chức thi THPT quốc gia năm 2019 được giữ nguyên ổn định như năm 2017, 2018. Các điều chỉnh chủ yếu là về mặt kỹ thuật, diễn ra sau khâu làm bài thi của thí sinh. Đây là phương án điều chỉnh tối ưu, hạn chế tối đa việc làm xáo trộn việc dạy và học của giáo viên, học sinh.

Thực tế cho thấy, những gian lận thi cử được phát hiện trong năm 2018 xảy ra chủ yếu ở khâu chấm thi, bao gồm quá trình bảo quản và xử lý bài thi. Công tác tổ chức thi chỉ gây băn khoăn duy nhất ở việc tập trung các thí sinh tự do. Do đó, những điều chỉnh về mặt kĩ thuật mà Bộ GDĐT đưa ra là cần thiết, hợp lí và đáp ứng đúng yêu cầu từ thực tiễn và nguyện vọng của dư luận.

Tuy nhiên, cũng theo thầy Vũ Khắc Ngọc vẫn còn 2 vấn đề có thể gây băn khoăn: Thứ nhất, việc chấm thi các môn trắc nghiệm được tổ chức tập trung và do các trường đại học chủ trì. Tuy nhiên, trong phương án không đề cập tới việc điều chỉnh công tác chấm thi môn Ngữ văn – môn duy nhất vẫn còn thi theo hình thức tự luận. Đây có thể sẽ là kẽ hở, là rủi ro cho các tiêu cực tiếp tục tồn tại. Thực tế những năm qua cho thấy vẫn còn tình trạng giáo viên chấm thi “lỏng tay” hoặc “chặt tay” khác nhau với bài thi môn Ngữ văn, gây ra những chênh lệch về kết quả và thiếu công bằng giữa các thí sinh.

Thứ hai là ở công tác ra đề thi. Mặc dù đã được đầu tư số tiền khá lớn cho công tác ra đề thi và được giới thiệu là thực hiện bằng phương pháp chuẩn hóa nhưng đề thi THPT quốc gia 2 năm qua rõ ràng vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu về phân hóa của kì thi 2 trong 1. Năm 2017 đề thi quá dễ, năm 2018 đề thi lại quá khó. Năm 2019, ngoài yêu cầu phân hóa để thực hiện mục tiêu 2 trong 1, còn một tham số rất quan trọng sẽ tác động tới cấu trúc và mức độ phân hóa của đề thi là sự thay đổi trong cách tính điểm xét tốt nghiệp (tỷ lệ 70 - 30). “Hy vọng là công tác ra đề thi, chuẩn hóa đề thi năm nay sẽ được thực hiện tốt để không gây ra cú sốc nào cho giáo viên và học sinh" – thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho biết.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phuong-an-thi-thpt-quoc-gia-2019-nhung-diem-moi-can-luu-y-84222.html