Phương án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt: Hàng loạt thay đổi quan trọng

Đã xuất hiện hàng loạt thay đổi quan trọng trong Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giai đoạn 2017 - 2020 so với những đề xuất trước đây.

Xoay liên tục

Sự thận trọng là điều có thể thấy trong Đề án cơ cấu lại VNR giai đoạn 2017 - 2020 (Đề án tháng 9/2018) vừa được VNR trình lên Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Đây đã là lần thứ tư trong vòng 2 năm qua, VNR trình bộ chủ quản phê duyệt Đề án cơ cấu lại với mục tiêu quan trọng nhất là sửa hàng loạt bất hợp lý tồn tại nhiều năm ở hầu hết các khâu trong dây chuyền sản xuất - kinh doanh, khiến ông lớn ngành đường sắt liên tục đánh mất thị phần.

.

Cụ thể, trong Đề án tháng 9/2018, VNR đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng công ty giữ nguyên mô hình 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt: Hà Nội và Sài Gòn như hiện nay, sau khi thực hiện các giải pháp về tái cơ cấu quản trị, tái cơ cấu nguồn lực, nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Sau năm 2020, trên cơ sở kết quả kinh doanh vận tải trong giai đoạn 2016 - 2020, VNR sẽ xây dựng phương án tổ chức lại khối vận tải đường sắt theo hướng chuyên môn hóa với 1 doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa, đồng thời thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp này và hình thành 1 doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải hành khách với 51% vốn điều lệ thuộc sở hữu Nhà nước”, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR cho biết.

Được biết, hai đơn vị vận tải nói trên được VNR tiến hành cổ phần hóa vào năm 2015, trong đó Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội - HARACO có số vốn điều lệ 800,589 tỷ đồng (Nhà nước nắm 92,86% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn - SARATRANS có số vốn điều lệ 503,1 tỷ đồng (Nhà nước nắm 92,86% vốn điều lệ).

Trong Đề án tháng 7/2017, Đề án tháng 12/2017 và Đề án tháng 3/2018, VNR muốn tiến hành hợp nhất HARACO và SARATRANS thành một công ty cổ phần vận tải đường sắt ngay trong giai đoạn 2017 - 2020. Sau khi hợp nhất, công ty này sẽ thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt (là công ty cổ phần có vốn góp không chi phối của doanh nghiệp hợp nhất). Bên cạnh phương án này, VNR còn tính đến việc tổ chức lại 2 công ty vận tải đường sắt thông qua việc chuyển đổi lao động, tài sản để hình thành 1 đơn vị chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa, 1 đơn vị chuyên kinh doanh vận tải hành khách.

Trước đó, vào tháng 5/2017, trong đề xuất xin tổ chức lại hoạt động vận tải gửi Bộ GTVT, VNR thừa nhận thất bại trong việc chuyển 2 công ty vận tải đường sắt thành các công ty cổ phần. Cụ thể, sau khi chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào đầu tháng 1/2016, kết quả kinh doanh của cả HARACO và SARATRANS lao dốc cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận. Lý do là HARACO và SARATRANS cùng làm cả hàng hóa và hành khách trên nền đường sắt đơn trục Bắc - Nam đã dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa hai đơn vị. Ngoài ra, còn làm tăng chi phí, phân tán nguồn lực.

Nắm chặt hơn

Ngoài thay đổi trong phương án cơ cấu lại khối vận tải, tại Đề án tháng 9/2018, VNR cũng thay đổi cách ứng xử với hai công ty cổ phần công nghiệp đường sắt là Công ty Xe lửa Dĩ An (vốn điều lệ 65 tỷ đồng, Nhà nước đang nắm 86,85%) và Công ty Xe lửa Gia Lâm (vốn điều lệ 36 tỷ đồng, Nhà nước đang nắm 77,37%).

Cụ thể, VNR đề nghị tiếp tục giữ cổ phần chi phối tại Xe lửa Dĩ An và Gia Lâm để phát triển công nghiệp cơ khí đường sắt. Trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực, VNR sẽ xây dựng lộ trình giảm vốn của Tổng công ty tại 2 đơn vị này xuống còn 51% trình Thủ tướng phê duyệt.

Trước đó, trong Đề án tháng 12/2017, VNR muốn được xây dựng lộ trình giảm vốn tại Xe lửa Dĩ An và Xe lửa Gia Lâm, trước mắt tìm kiếm nhà đầu tư có tiềm lực, thực hiện giảm tỷ lệ vốn góp của Tổng công ty xuống dưới 51%, trước khi thoái toàn bộ vốn góp.

Đối với 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt, VNR đề nghị bộ chủ quản để Tổng công ty tiếp tục duy trì tỷ lệ vốn góp như hiện nay (trên 51%) và từng bước nâng tỷ lệ vốn góp lên 75% hoặc 100% nhằm đảm bảo vai trò kiểm soát đặc biệt của Nhà nước với hệ thống này thông qua hoạt động điều hành tập trung thống nhất của Công ty mẹ - VNR.

Tại cuộc họp cho ý kiến về Đề án cơ cấu lại VNR giai đoạn 2016 - 2020 được tổ chức vào giữa tháng 8/2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc sắp xếp, cơ cấu lại 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt trong dự thảo Đề án tháng 3/2018 chưa thể hiện rõ tính khả thi và hiệu quả của Phương án đề xuất hợp nhất 2 doanh nghiệp vận tải. Do đó, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty hoàn thiện phương án tổ chức sắp xếp lại, cơ cấu tài sản phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh, đánh giá đầy đủ, chi tiết hơn về hiệu quả hoạt động của 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt, đồng thời nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm tỷ lệ nắm giữ vốn của Tổng công ty, hướng tới chuyên môn hóa 1 doanh nghiệp chuyên doanh vận tải hàng hóa và 1 doanh nghiệp chuyên doanh vận tải hành khách.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phuong-an-tai-co-cau-tong-cong-ty-duong-sat-hang-loat-thay-doi-quan-trong-d88512.html