'Phương án sửa đổi điều kiện kinh doanh của Bộ GD&ĐT chưa thể hiện tinh thần kiến tạo'

'Nếu như cách đây hơn 10 năm, từ thời điểm nhận giấy phép đồng ý về mặt chủ trương thành lập trường Đại học FPT cho đến khi khai giảng khóa đầu tiên, chúng tôi chỉ mất khoảng 9 tháng, thì bây giờ chỉ riêng thủ tục để thành lập một phân hiệu thôi ít nhất cũng phải mất 3 năm', ông Lê Trường Tùng- Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT thẳng thắn đề cập về các điều kiện kinh doanh trong giáo dục hiện nay.

Nhiều điều kiện kinh doanh vẫn làm khó các trường. Ảnh: ĐH.

Thủ tục ngày càng nhiều?

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 110 điều kiện kinh doanh, chiếm gần 52% số các điều kiện kinh doanh về giáo dục. Trước đề xuất này của Bộ GD&ĐT, bà Nguyễn Thị Kim Dung, đại diện Nhóm công tác giáo dục và đào tạo của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, một số thủ tục điều kiện kinh doanh cần tiếp tục được xem xét để tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các cơ sở giáo dục phát triển. Bên cạnh việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cần xem xét đơn giản hóa thủ tục cấp phép. “Cắt giảm điều kiện kinh doanh mà không cắt giảm thủ tục hành chính song hành thì hiệu quả sẽ không cao. Thậm chí đôi lúc vì thủ tục quy định trong luật và văn bản dưới luật dẫn tới ý định tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư không còn hiệu quả”, bà Dung cho biết.

Ông Hoàng Anh Đức, đại diện Công ty Cổ phần giáo dục Edufit cho rằng, những gì luật không cấm thì Bộ GD&ĐT nên tạo cơ chế mở cho trường làm, thay vì việc chỉ được làm theo những gì luật cho phép. “Ví dụ, việc bổ nhiệm người nước ngoài làm hiệu trưởng. Hiện tại không có văn bản quy phạm pháp luật nào cấm điều này, nhưng vì chưa có thông tư hướng dẫn nên các trường hoàn toàn bị bó chân, có hiệu trưởng nước ngoài để vận hành nhưng vẫn phải duy trì hiệu trưởng người Việt Nam để đảm bảo không bị làm khó dễ. Hiện chúng tôi vẫn phải duy trì cả 2 hệ thống hiệu trưởng dẫn tới sự cồng kềnh trong bộ máy và hoạt động không hề hiệu quả”, ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, hiện các trường tư thục hoạt động hoàn toàn tự chủ về tài chính, không hưởng ngân sách nhà nước và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của mình, nhưng tiêu chuẩn yêu cầu đối với đội ngũ quản lý vẫn phải tuân thủ theo tiêu chuẩn nhà nước đề ra. Nhiều khi các tiêu chuẩn không khớp với nhau nhưng không thể linh hoạt theo tình hình nhà trường.

Theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT, việc Bộ GD&ĐT thay đổi điều kiện kinh doanh cần đưa vào hành lang pháp lý, hành lang chất lượng và kiểm tra trong quá trình hoạt động và có sự hậu kiểm. Ông Tùng cũng chia sẻ: “Hiện các thủ tục càng ngày càng nhiều gây cản trở cho các nhà đầu tư vào giáo dục. Nếu như cách đây hơn 10 năm, từ thời điểm nhận giấy phép đồng ý về mặt chủ trương thành lập trường Đại học FPT cho đến khi khai giảng khóa đầu tiên, chúng tôi chỉ mất khoảng 9 tháng, thì bây giờ chỉ thủ tục để thành lập một phân hiệu thôi ít nhất cũng phải mất 3 năm”.

Có thể cắt giảm hơn nữa

Trước những đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD&ĐT, ông Đặng Quang Vinh, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu kinh tế quản lý Trung ương nhận định, Bộ GD&ĐT vẫn còn nhiều điều cần tiếp tục sửa đổi và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhằm tạo ra khung khổ khổ pháp lý trong kinh doanh giáo dục cho nhà đầu tư.

“Tôi đánh giá những phương án sửa đổi điều kiện kinh doanh của Bộ GD&ĐT vẫn chưa thể hiện tinh thần kiến tạo mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Tức là vẫn còn những quy định tạo ra chi phí không cần thiết, không hợp lý cho doanh nghiệp và tạo ra những gánh nặng xã hội. Từ những chia sẻ của các cơ sở giáo dục cho thấy, nhiều quy định không có tính thực tiễn khiến cho các trường phải đối phó. Tôi cho rằng, nếu có điều kiện Bộ GD&ĐT nên rà soát lại, xây dựng lại về điều kiện kinh doanh với tinh thần khác. Hiện phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD&ĐT vẫn còn nặng về tiền kiểm chưa chuyển sang hậu kiểm. Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT nên chuyển hướng quy định tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, chất lượng an toàn cho trẻ sau đó chuyển sang hậu kiểm”, ông Vinh cho biết

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp bà Mai Thị Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, Bộ cũng tiếp thu, nghiên cứu những ý kiến để đảm bảo việc cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính ở mức tối thiểu nhất, không gây ảnh hưởng tới các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Đồng thời vẫn phải đảm bảo mục tiêu về quản lý nhà nước. Bà Mai Thị Anh cho rằng, nếu quy định quá mở, không có những quy định cụ thể về mặt đảm bảo chất lượng thì rất khó trong việc kiểm soát nếu các đơn vị làm thiếu trách nhiệm hay khi có vấn đề phát sinh. Do đó trong quá trình cắt giảm các thủ tục hành chính phải đảm bảo cân bằng chất lượng và hành lang pháp lý, tức song hành cùng nhau.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phuong-an-sua-doi-dieu-kien-kinh-doanh-cua-bo-gd-dt-chua-the-hien-tinh-than-kien-tao.aspx