Phương án nào ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam?

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao đổi với báo chí về những giải pháp cùng với các kịch bản, tình huống đã được Cục Thú y đặt ra để có phương án chủ động ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Ông Đàm Xuân Thành

Vừa qua nhiều nước đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ Trung Quốc, vậy Việt Nam có nhập khẩu thịt lợn từ Trung Quốc hay không, thưa ông?

- Hiện nay Việt Nam đang nhập khẩu thịt lợn từ rất nhiều nước ở châu Mỹ, châu Âu…, nhưng chưa cho phép nhập khẩu chính ngạch thịt lợn và các sản phẩm từ lợn từ Trung Quốc. Tất cả các sản phẩm nhập về đều là nhập lậu qua đường tiểu ngạch. Do đó, cần có biện pháp ngăn chặn việc nhập lậu này để không cho virus dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam.

Cụ thể, tất cả trường hợp lợn, sản phẩm lợn, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín nhập lậu, nghi nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc, thậm chí kể cả hình thức quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới đều phải bắt giữ, xử lý, tiêu hủy. Đồng thời lấy mẫu gửi về 1 trong số 8 phòng thí nghiệm trực thuộc Cục Thú y để xét nghiệm virus dịch tả châu Phi.

Virus ASF có cấu trúc phức tạp, có sức đề kháng tốt ở ngoài môi trường và chỉ bị tiêu diệt khi được đun sôi trong thời gian khoảng 30 phút, còn ở điều kiện nhiệt độ thấp, ví dụ như thịt đông lạnh hoặc ngoài môi trường, thì có thể tồn tại rất lâu, có thể lên đến vài năm. Do đó, nhiều sản phẩm dù đã qua chế biến chín nhưng vẫn có thể mang mầm bệnh do quá trình chế biến chưa đạt đủ nhiệt độ hoặc thời gian cần thiết.

Như vậy, tất cả khách du lịch đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch tả lợn châu Phi phải được kiểm soát chặt chẽ, những sản phẩm xách theo người mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch phải bị tịch thu và tiêu hủy.

Hiện việc kiểm soát lợn nhập khẩu đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?

-Bằng con đường chính ngạch, theo quy định của Luật Thú y và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, động vật và các sản phẩm động vật nói chung trong đó có lợn và các sản phẩm từ lợn được kiểm tra theo quy trình chặt chẽ.

Theo đó, sản phẩm phải đến từ những vùng lãnh thổ an toàn dịch bệnh, nhà máy phải đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Khi nhập khẩu về Việt Nam, các sản phẩm này cũng được kiểm tra và lấy mẫu từng lô, tức là kiểm tra 100%.

Như vậy, vấn đề nhập khẩu chính ngạch là không đáng ngại, lo ngại nhất là con đường nhập lậu.

Virus ASF không lan truyền nhanh như virus lở mồm long móng hay lợn tai xanh, nhưng qua các ổ dịch xảy ra trên thế giới, sự lây lan chủ yếu do yếu tố con người thông qua hoạt động vận chuyển.

Tại Trung Quốc, bệnh dịch tả lợn châu Phi mới được phát hiện dịch từ ngày 1/8, nhưng chỉ sau hơn 1 tháng đã có tới 6 tỉnh có dịch, mặc dù các tỉnh có khoảng cách rất xa, có những tỉnh cách nhau hàng ngàn cây số.

Như vậy, ngăn chặn thịt nhập lậu là giải pháp quan trọng nhất để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam.

Trước tình hình đó, ngày 30/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công điện khẩn số 6741 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành liên quan về việc chủ động ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Chính phủ ra công điện.

Bên cạnh việc phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát thịt nhập lậu, ngành Thú y đang triển khai các hoạt động gì để chủ động phòng chống dịch?

-Cục Thú y đã và đang thực hiện xét nghiệm bổ sung để xác định bằng chứng của virus dịch tả lợn châu Phi ở tất cả các mẫu bệnh phẩm của lợn được các tổ chức, cá nhân gửi đến phòng thí nghiệm của Cục từ đầu năm đến nay.

Cục cũng yêu cầu các địa phương phối hợp tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập khẩu lậu, nghi nhập lậu vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ngoài ra, Cục cũng đã chủ động đặt ra các tình huống, các kịch bản để có phương án xử lý trong trường hợp dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Ví dụ như, khi kiểm tra phát hiện có dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi thì phải khoanh vùng trong phạm vi bán kính 3 km. Trong đó, tại vùng phát hiện có dương tính với dịch tả lợn châu Phi thì phải tiêu hủy toàn bộ, kể cả lợn sống, lợn lành bệnh và cả các sản phẩm chế biến chín từ lợn và tiến hành khử trùng, tiêu độc.

Cùng với đó, tiếp tục lấy mẫu để kiểm tra ở vòng đệm bên ngoài khu vực dịch. Theo đó, chỉ cần 1 mẫu dương tính với dịch tả lợn châu Phi thì toàn bộ cá thể lợn và sản phẩm lợn sống trong vòng bán kính đó cũng phải tiêu hủy hết.

Tuyệt đối không vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra khỏi vùng dịch.

Việc Trung Quốc bị dịch sẽ dẫn tới khan hiếm nguồn cung thịt lợn, liệu đây có phải là cơ hội cho thịt lợn Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc?

Hiện tại phía Trung Quốc cũng chưa cho phép Việt Nam xuất khẩu chính ngạch lợn sống và thịt lợn vào Trung Quốc, mà chỉ xuất qua đường tiểu ngạch.

Tuy nhiên, hiện Trung Quốc cũng đang siết chặt đường tiểu ngạch, bằng việc kiểm tra chặt hàng hóa, đặc biệt là đối với động vật và sản phẩm động vật trên cạn, trong đó có thịt lợn.

Nguồn cung thịt heo của Trung Quốc bị thiếu hụt như vậy, việc xuất khẩu thịt heo theo đường tiểu ngạch cũng có cơ hội nhất định nhưng không phải nhiều.

Vậy, ông có khuyến cáo như thế nào đối với người chăn nuôi nói riêng cũng như người dân nói chung để ngăn chặn dịch bệnh này xâm nhiễm vào Việt Nam?

Trước tiên, người dân ở vùng biên giới cần nhận thức được sự nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi, không tiếp tay cho việc vận chuyển, buôn lậu lợn và sản phẩm lợn. Còn người dân khi đi du lịch, nếu muốn mang lợn hoặc các sản phẩm lợn từ nước ngoài về Việt Nam thì phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của nước sở tại, khi về nước thì phải có sự khai báo. Không nên chỉ vì vài kg thịt lợn mà mang mầm bệnh nguy hiểm vào trong nước.

Đối với người chăn nuôi, cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, nghĩa là khu vực chăn nuôi phải cách ly, ra vào phải có khử trùng, tiêu độc, định kỳ phải khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển…

Xin cám ơn ông!

Khải Kỳ (ghi)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phuong-an-nao-ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi-xam-nhiem-vao-viet-nam.aspx