Phương án kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và những năm tới: Sẽ thay đổi những gì?

6 năm đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT (trước là kỳ thi THPT quốc gia) đã đem đến những hiệu quả có thể thấy ngay là: Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, giảm áp lực cho TP lớn, vừa hoàn thành mục tiêu xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ tin cậy để các trường ĐH căn cứ tuyển sinh. Năm 2020, kỳ thi còn vô cùng đặc biệt khi cả nước vừa thi vừa phòng dịch. Với kinh nghiệm đổi mới và nền nếp thi đã ổn định, với kinh nghiệm ứng phó diễn biến bất thường, liệu rằng, những năm tới kỳ thi có gì thay đổi?

Có học sẽ có thi

Tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vừa được tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - chủ trì cuộc họp, đặt ra ngay mở đầu cuộc họp là với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 98-99% mỗi năm, có cần duy trì kỳ thi tốt nghiệp hay không?

Nhìn lại 6 năm đổi mới kỳ thi, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết, năm 2016 kỳ thi được tổ chức ngay tại nơi học tập của học sinh, đây là sự thay đổi đúng đắn, tạo sự công bằng cho học sinh. Đề thi mấy năm nay cũng được cải thiện nên rất yên tâm cho tuyển sinh. “Tôi rất ủng hộ phương án thi hiện nay, dần dần chuyển sang thi máy tính, nhẹ nhàng hơn. Vì người dân nghèo, vì sự công bằng nên tổ chức kỳ thi”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.

Phân tích trên 3 nguyên lý giáo dục cơ bản: Học và thi; phi tập trung hóa, phân cấp, bảo đảm độc lập giữa người tổ chức thi và người sử dụng kết quả thi; tính liên ngành và ứng dụng công nghệ 4.0, theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên PGĐ ĐHQGHN, giữ ổn định và hiện đại hóa, chuẩn hóa phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là hướng đúng, khả thi.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được quy định trong Luật Giáo dục 2019 nhằm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên cả nước.

Nhìn lại kỳ thi THPT năm nay dù tỷ lệ đỗ trên 90% nhưng theo ông Phạm Tất Thắng, ở từng môn học cụ thể kết quả vẫn đặt ra những vấn đề cần tiếp tục xử lý. Như vậy, không chỉ học sinh bị ảnh hưởng nếu không tổ chức kỳ thi mà bản thân các thầy cô giáo cũng không có được động lực đổi mới hoạt động giảng dạy.

“Cần thi và tiếp tục những thành tựu Bộ GD&ĐT đã đạt thời gian qua” là khẳng định của GS Nguyễn Lân Dũng. Làm rõ thêm quan điểm của mình, GS Nguyễn Lân Dũng cho hay, nếu hỏi các nước trên thế giới có thi không, “câu trả lời là có”. Việc thi là cần thiết, vì không thi học sinh sẽ không học, thi trên một diện rộng còn để đánh giá được môn nào đang dạy và học tốt, môn nào chưa tốt để rút kinh nghiệm.

Còn TS Lê Đông Phương nhìn nhận: “Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra so sánh giữa điểm thi và điểm học bạ, kết quả so sánh cho thấy, học bạ không "đơn giản" nên phải duy trì kỳ thi”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và các năm tới về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020. Ảnh: Khánh Huy

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và các năm tới về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020. Ảnh: Khánh Huy

Kỳ thi năm tới sẽ thay đổi ra sao?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua 6 năm đổi mới thi, đánh giá, kỳ thi được hoàn thiện theo hướng năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2020, mặc dù khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng tiến trình đổi mới kỳ thi vẫn theo xu hướng tốt, kiên định, kỳ thi đã được tổ chức thành công.

“Qua ý kiến của các thành viên Hội đồng, Bộ GD&ĐT tiếp thu và cho rằng phương thức thi tốt nghiệp THPT cần giữ ổn định”, Bộ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh: “Kỳ thi năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020, vì vậy, các em học sinh, giáo viên và phụ huynh có thể yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi”.

Những năm tiếp sau, theo Bộ trưởng, tinh thần là ổn định, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ vào kiểm tra, đánh giá cho phù hợp; thí điểm, tiến tới mở rộng hình thức thi trên máy tính. Đồng thời, chú trọng phát triển ngân hàng câu hỏi phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Thực tế là qua các năm, kỳ thi vẫn cơ bản ổn định, nếu có điều chỉnh, đa phần là các giải pháp kỹ thuật để chặt chẽ, hạn chế sự can thiệp từ bên ngoài vào quá trình bảo quản bài thi, chấm thi, các dữ liệu điểm thi…

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Giai đoạn tới đây (2021-2025), khi chúng ta tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, thì Kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Đặc biệt, ở năm 2021 tới, Kỳ thi sẽ được tổ chức như năm 2020 cả về phương thức tổ chức thi, công tác đề thi, chấm thi và công bố kết quả thi. Do đó, các nhà trường yên tâm tổ chức dạy học.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì để tiếp tục phát triển ngân hàng câu hỏi cũng như từng bước tính toán để ứng dụng sử dụng máy tính trong Kỳ thi này. Việc sử dụng máy tính cho Kỳ thi không làm sốc, không làm ảnh hưởng lớn đến công tác dạy học, thi cử của thí sinh trong những năm tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Qua 6 năm thực hiện lộ trình đổi mới thi đến nay cơ bản đã hoàn thành. Năm nay dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng chúng ta đã tổ chức tốt kỳ thi và các trường đại học đang thực hiện xét tuyển theo tiến độ. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có báo cáo Chính phủ về 6 năm thực hiện đổi mới thi.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phuong-an-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2021-va-nhung-nam-toi-se-thay-doi-nhung-gi-211346.html