Phước Tân bất khuất anh hùng

Đến các đồn Biên phòng dọc biên giới Tây Nam, chúng tôi thường gặp những nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, những dòng tên khắc đậm màu đỏ ghi tên cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong những năm tháng giữ đất, đánh trả quân Pol Pot xâm lược (1977-1978). Thời điểm ấy, có những đồn, trạm bị xóa phiên hiệu bởi hy sinh toàn bộ. Nhiều nơi, số quân hy sinh đều đều hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Cộng lại toàn tuyến, lên đến hàng nghìn liệt sĩ.

Nhà bia tưởng niệm Đồn Biên phòng Phước Tân nằm ngay trên trận địa chốt Gò Mô nơi ghi tên 36 cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh ngay tại nơi này. Cựu chiến binh Lê Xuân Kinh vẫn thường đến đây để thắp hương cho đồng đội của mình. Ảnh: Kim Nhượng

Cựu chiến binh Lê Xuân Kinh ra thăm bia tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ Đồn Biên phòng Phước Tân tại ấp Thành Trung, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Tay ông run run thắp từng nén hương cho đồng đội. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má ông. Niềm xúc động ấy làm cho chúng tôi, những thế hệ sau này cũng không khỏi cảm động. Ông chỉ lên từng dòng tên khắc trên tấm bia lớn và kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm đẹp bên đồng đội, kể cho chúng tôi nghe về trận đánh ác liệt năm nào.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, thanh niên Lê Xuân Kinh viết đơn xin nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Năm 1971 ông đi B, được biên chế vào sư đoàn 350 chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ. Đến năm 1973 ông được điều về Ban căn cứ bảo vệ Tỉnh ủy Tây Ninh (tiền thân của Công an nhân dân vũ trang tỉnh Tây Ninh). Tháng 5 năm 1975 khi thành lập Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) tỉnh Tây Ninh, ông được điều về Đồn CAVT 24 (nay là Đồn Biên phòng Phước Tân) giữ chức vụ Phó đồn trưởng phụ trách vũ trang. Cũng chính tại đây, ông và đồng đội của mình đã chiến đấu anh dũng chống trả lại quân Pol Pot xâm lược.

Rạng sáng ngày 17-11-1977, quân Pol Pot đưa Sư đoàn 290-Quân khu đông, tấn công ào ạt dọc biên giới tỉnh Tây Ninh. Trong đó, chúng đưa trung đoàn 22, chia làm 3 mũi tấn công trực diện vào Đồn CAVT 24, cuộc chiến diễn ra 7 ngày 7 đêm ác liệt giữa những người lính biên phòng Việt nam và quân xâm lược khát máu, hung hãn. Tuy chênh lệch hoàn toàn về vũ khí cũng như quân số, nhưng những người lính Đồn CAVT 24 vẫn kiên cường bám trận địa, với tinh thần “một tấc không đi một ly không rời”. Cựu chiến binh Lê Xuân Kinh nhớ lại: “Khoảng 1 giờ sáng ngày 17 tháng 11, quân Pol Pot bắt đầu triển khai lực lượng tấn công ào ạt vào đồn 24, chúng đào công sự, lập hàng chục vòng vây xung quanh đồn vừa la hét man rợ như thú dữ bằng tiếng Khơme và tiếng Việt: “Bắt sống Biên phòng Việt Nam, giết hết bọn “Duôn” Việt Nam”, (“Duôn” – tiếng Khơme có nghĩa là “mọi rợ”). Sau một hồi vây hãm quân Pol Pot chia làm 3 hướng tấn công, trong đó hướng chính diện là chốt Gò Mô, nơi tôi cùng đồn trưởng Dương Văn Nho (tức Năm Nho) chỉ huy, chúng dùng pháo, cối, B40, B41 bắn dồn dập, loạt đầu tiên làm 6 cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh tại chỗ, trong đó có đồn trưởng Năm Nho, bị trái B41 bắn chính diện”.

Đến 2 giờ sáng ngày 17 tháng 11, trận chiến trở nên ác liệt hơn, khói lửa, bụi đỏ bốc lên mù mịt, ngút trời… nhiều chiến sĩ bị đất đá vùi lấp, vẫn cố sức ngoi lên, tiếp tục nổ súng về phía địch. Thiếu úy Lương Xuân Kinh chỉ huy cán bộ, chiến sĩ còn lại chống trả quyết liệt không cho chúng xông lên chiếm trận địa, ông chạy lên ụ súng 12 ly 7, đưa khẩu Ak cho một chiến sĩ rồi bắn loạt dài khiến cho đám quân Pol Pót không thể xông lên chốt Gò Mô, để dập tắt khẩu 12 ly 7, chúng bắn một quả B41 lên ụ súng 12 ly 7, ông bị văng ra sau, khẩu 12, ly 7 cong mất nòng không thể xử dụng tiếp. Sau khi bò dậy, ông lại tiếp tục chiến đấu, cuộc chiến giáp lá cà bắt đầu từ đó, nằm trên chiến hào ông đã cùng đồng đội chiến đấu tới cùng. Ông kể: “Khi đó ta và địch chỉ cách nhau chưa đầy 10 mét, sau 4 tiếng đồng hồ chiến đấu chúng đã ào ạt vào lao lên chốt Gò Mô, tôi bị bắn xuyên bắp tay, viên đạn xuyên qua làm vỡ ốp tay dướng khẩu AK, chẳng kịp băng bó tôi vẫn chỉ huy anh em chiến đấu, tên địch thấy tôi chỉ cách 4 mét hắn dơ khẩu M79 bắt thẳng vào đầu tôi, trái M79 bay thẳng đầu, do có ngôi sao trên mũ cản lại, tôi bị văng xuống hào, trái M79 rơi xuống mép hào nổ tung làm một chiến sĩ hy sinh. (Đạn M79 bắn gần khi chưa đủ vòng quay sẽ không phải nổ, chiếc mũ có ngôi sau bị méo mó và khẩu súng AK bị vỡ ốp tay dưới của ông nay vẫn còn được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Tây Ninh).

Thấy tôi bị ngã xuống hào bởi trái M79, hạ sĩ Lê Văn Tí chạy lại định băng bó vết thương ở tay cho tôi, nhìn lên đầu đồng chí Tí tôi thấy đã vỡ một mảng đầu, óc còn phập phồng, tôi hét lên, “Tí ơi óc mày sắp văng ra rồi đấy” đồng chí Tí cũng hét lên “Anh em hy sinh hết rồi anh rút đi, chúng đông lắm đằng nào em cũng chết” nói xong hạ sĩ Nguyễn Văn Tí lao ra khỏi hào chiến đấu tiếp.

Trong trận chiến đấu ác liệt đó, đã có biết bao nhiêu tấm gương chiến đấu anh dũng, quả cảm, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ, như binh nhất Lò Hải Quỳnh mặc dù bị thương, nhưng vẫn kiên quyết bám trụ lại, không chịu lùi về tuyến sau, một mình bắn 82 quả lựu đạn ĐKZ chảy cả máu tai, bị ngất đi mới chịu để đồng đội dìu vào hầm trú ẩn. Hay như trung sĩ Phùng Bá Sinh căm phẫn khi thấy đồng chí, đồng đội mình hy sinh dù bị thương nặng ở chân vẫn cố lết để kéo khẩu đại liên lên nóc hầm, bắn hàng loạt đạn ghìm đầu địch xuống.

Lần dò tên từng đồng đội của mình trên tấm bia, cựu chiến binh Lê Xuân Kinh chỉ tay lên dòng tên liệt sĩ Phạm Văn Liêm, sinh năm 1958, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, liệt sĩ Nguyễn Mạnh Phơn, quê Văn Hải, Kim Sơn, Ninh Bình rồi bật khóc, ông nói : “Nhẽ ra hai đứa không chết, chậm 1 ngày nữa thôi có lẽ hai đứa còn sống”. Liệt sĩ Phạm Văn Liêm và Nguyễn Mạnh Phơn được bố mẹ đến thăm, sau đó hai đồng chí được đơn vị cho nghỉ phép tranh thủ đưa bố mẹ ra ga TP Hồ Chí Minh lên tàu về miền Bắc, khi quay trở lại đơn vị thì trận đánh nổ ra, đó cũng là lần cuối cùng hai liệt sĩ được gặp bố mẹ mình….

Cựu chiến binh Lê Xuân Kinh đứng trên chốt Gồ Mô kể cho chúng tôi nghe về trận đánh ác liệt năm 1977, chống quân Pol Pot xâm lược. Ảnh: Kim Nhượng

Trong trận chiến đấu ác liệt kéo dài 7 ngày 7 đêm, cán bộ, chiến sĩ Đồn 24 Công an vũ trang đã đẩy lùi 38 đợt tấn công của địch, tiêu diệt 246 tên, thu nhiều vũ khí. Tại trận địa chốt Gò Mồ, 40 cán bộ, chiến sĩ Đồn 24 đã anh dũng chiến đấu, trong đó 36 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh ngay trong trận đánh. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Đồn 24 CANDVT Tây Ninh đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhất, liên tục đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến, đơn vị quyết thắng. Ngày 31 tháng 10 năm 1978 đơn vị đã vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Khi chúng tôi đang viết những dòng này, cựu chiến binh Lê Văn Tí gọi điện cho chúng tôi, ông cho biết: “Hôm nay ngày 26 tháng 7, ông cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Tân, BĐBP Tây Ninh đang dâng hương, tưởng niệm cho 36 cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng và hy sinh tại chốt Gồ Mô. Trong đó có một “nhân vật đặc biệt”, thiếu tá Dương Phước Tân, hiện đang công tác tại (Đơn vị Thường trực phía Nam-Bộ công an), người con trai duy nhất của liệt sĩ Dương Văn Nho, Đồn trưởng đồn 24 CANDVT năm nào. Khi liệt sĩ Dương Văn Nho hy sinh cậu con trai vẫn chưa chào đời. Chị Năm ( Vợ liệt sĩ Dương Năm Nho) đã đặt tên cậu con trai đầu lòng mang tên Phước Tân, tên của Đồn Biên phòng hiện tại, để nhắc nhở con, cháu về sau mãi không được quên sự hy sinh anh dũng của cha mình cũng như bao đồng đội nằm lại nơi này….

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phuoc-tan-bat-khuat-anh-hung/