Phụng Hoàng Ban công diễn 'Châu báu và Tông đồ'

Nối tiếp chương trình Đêm hoa lệ, tác giả Trác Thúy Miêu tiếp tục chấp bút cho kịch bản mới 'Châu báu và Tông đồ' theo thể thức ca kịch trích lục.

Châu báu và Tông đồ sẽ là câu chuyện về văn hóa, văn nghệ Sài Gòn với những rạp hát vang bóng một thời và nhiều câu chuyện thú vị sau bức màn nhung.

Vở diễn sẽ dẫn dắt khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, cùng với sự tham gia của các nghệ sỹ hát bội, cải lương, tân nhạc cải cách và đặc biệt là sự ra mắt khán giả những diễn viên trẻ trong Ban ca diễn Phụng Hoàng.

Các diễn viên đang gấp rút tập luyện cho kịp công diễn

Các diễn viên đang gấp rút tập luyện cho kịp công diễn

Vở diễn do Nguyễn Công Minh Trí đạo diễn, sẽ mở màn vào 2 đêm, 14 và 24.11.2018 tại sân khấu Lê Hoàng (144, Đinh Tiên Hoàng, Q. Bình Thạnh, TP.HCM).

Tác giả Trác Thúy Miêu

Con đường đi của Phụng Hoàng Ban là việc chọn cho mình sứ mệnh khai thác trữ lượng kịch bản kinh điển của các soạn giả bậc thầy, trong đó, không ít vở chưa một lần công diễn; định dạng sẽ là diễn ca kịch trích lục của những câu chuyện về ký ức văn nghệ Nam Bộ, Sài Gòn.

Phụng Hoàng Ban hướng đến việc phục dựng tinh thần sân khấu truyền thống, nhưng cũng cùng lúc đủ bay bổng để đan xen hơi hướm thể nghiệm xuyên không.

Poster của vở "Châu báu và Tông đồ"

Châu báu và Tông đồ - tên của vở diễn với ý nghĩa: châu báu chính là những tinh hoa nghệ thuật cải lương tuồng cổ; tông đồ cũng là linh hồn của Phụng Hoàng Ban: những vị nhạc công cao tuổi, những nghệ nhân lão luyện, những người già tưởng như vòng xoáy cạnh tranh của ngành giải trí đã có thể đào thải họ. Họ là những người mà đào kép trẻ tíu tít gọi là tía, là má, là cậu là dì. Gần nửa thế kỷ từ khi lứa nghệ sĩ đầu tiên tốt nghiệp từ trường Điện ảnh Sân khấu Sài Gòn, nghiệp cổ ca đã không cho những nghệ nhân - nghệ sĩ này một lần được trọng vọng đúng tầm trên sân khấu chính thống.

Họa sĩ sân khấu đang chuẩn bị cho cảnh trí

Với Châu báu và Tông đồ, Phụng Hoàng Ban sẽ kể về 5 người đàn ông cùng nhau phục dựng cựu trào, làm nên cả một đại hí trường cổ nhạc giữa lòng thành phố, nay mảnh tàn dư sau cùng đã nằm sâu dưới nền một khách sạn 5 sao.

Khán giả sẽ cùng tìm tới một ngôi nhà hoang mà những mảng tường chưa đổ sập sau một trận hỏa hoạn còn giấu trong lòng nó bí ẩn của một tiếng hát tang chế thê lương, cùng nghe chuyện những vị tông đồ chân đất đầu trần biết giữ lại cho vỉa hè thành phố những nốt cổ nhạc thần sầu giữa lòng thị thành hào nhoáng, chuyện cái chết của người kỹ nữ đa tình và một chiếc bàn thờ ở cuối đường Tự Do...

Trâm Anh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/phung-hoang-ban-cong-dien-chau-bau-va-tong-do-16192.html