Phụng Dương công chúa: Vợ ngoan làm quan cho chồng

Tuy không được sử sách nhắc đến nhiều, nhưng Phụng Dương công chúa quả xứng là người phụ nữ Việt Nam điển hình: suốt đời hết lòng vì chồng, con, gia đình.

Cái nghĩa lớn phải theo chồng

Công chúa sinh năm Giáp Thìn (1244), là con của tướng quốc Thái sư Trần Thủ Độ và mẹ là bà phu nhân Bảo Châu. Từ nhỏ, công chúa đã nổi tiếng là thông minh và rất mực hiền hậu. Công chúa được người anh con nhà bác là vua Trần Thái Tông yêu mến đưa về cung nuôi dưỡng, nhận làm nghĩa nữ, phong hiệu là Phụng Dương. Từ đó, nàng Phụng Dương trưởng thành trong Hoàng cung như nàng công chúa đích thực.

Lớn lên, nàng được gả cho Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, con thứ hai của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh), em vua Trần Thánh Tông (Trần Hoảng), tức là cô lấy cháu. Nghi lễ được tổ chức đúng tục lệ như con gái vua đi lấy chồng.

Tấm bia đá thời Trần cung cấp nhiều tư liệu về công chúa Phụng Dương tại đình Cao Đài.

Tấm bia đá thời Trần cung cấp nhiều tư liệu về công chúa Phụng Dương tại đình Cao Đài.

Nhưng thật không may với nàng, bởi lúc ấy Thái sư Trần Quang Khải đang say mê sắc đẹp của một người thiếp nên tỏ ra lạnh nhạt với vợ mới cưới. Chuyện đến tai Trần Thủ Độ khiến ông cả giận cho gọi con gái về hỏi han cặn kẽ rồi quyết định không cho phép Quang Khải được làm như thế.

Song công chúa vẫn luôn một mực can gián cha đừng nóng nảy giận trách Quang Khải. Nàng nói: "Con về làm vợ Thái sư có hòa hợp được không là do mệnh ý của cha mẹ, con cái cố nhiên không được cưỡng lại. Nhưng còn "cái nghĩa lớn phải theo chồng" thì làm thế nào?".

Vợ ngoan làm quan cho chồng

Nghe biết việc này, Trần Quang Khải tỉnh ngộ, yêu quý nàng hơn. Ở phủ Tể tướng, Quang Khải có nhiều thê thiếp, nhưng về danh nghĩa thì công chúa Phụng Dương là Chánh phi phu nhân. Tuy thế, công chúa lúc nào cũng bao dung, ân cần đối xử tốt đối với các thứ thiếp.

Công chúa luôn quan tâm chăm sóc, chỉ bảo cho họ cách tề gia, cư xử và cách làm ăn. Mỗi khi họ lầm lỡ điều gì khiến Quang Khải la mắng thì Phụng Dương lại nhẹ nhàng khuyên giải để họ biết lỗi mà sửa. Hoặc khuyên can Quang Khải bớt nóng giận đối với họ. Trần Quang Khải bận việc nước, công chúa lo quán xuyến việc nhà, cư xử với người già, người trẻ đều có khuôn phép, công việc được sắp xếp đâu ra đấy, việc chi tiêu đúng lúc, đúng chỗ, không xài phí nên tiền tài không hao phí mà còn sinh lợi khiến chồng rất hài lòng.

Mặc dầu xuất giá, nhưng Phụng Dương lúc nào cũng quan tâm săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ rất mực chu đáo. Khi cha qua đời (tháng giêng 1264), bà đích thân lo cơm nước hầu hạ mẹ hệt như cô gái con nhà thường dân nết na hiếu thảo.

Chung sống với Quang Khải, nàng đã sinh được bảy người con. Con trưởng mất sớm, vợ chồng thương xót không nguôi nên nuôi quan Nội hầu Quốc Công thay con. Người con thứ hai là Văn Túc vương Trần Đạo Tái, con thứ ba là Vũ Túc vương Đạo, kế tiếp là các công chúa Quỳnh Huy, Quỳnh Tu, Quỳnh Bảo và Quỳnh Thái.

Cuối năm Giáp Thân (1284), đại quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Thái sư Quang Khải và bà Phụng Dương xuôi thuyền cùng triều đình về Thiên Trường. Thình lình nửa đêm có chiếc thuyền bốc cháy. Nghe tiếng hoảng loạn, ai nấy thảy đều tưởng giặc đã đến nơi rồi. Bà bình tĩnh đánh thức chồng dậy, tự tay đưa lá mộc chắn cho chồng và còn lấy thân che chở cho chồng. Việc làm của bà luôn thể hiện: "Vợ ngoan làm quan cho chồng", thực sự được Thái sư yêu quý cảm phục: Người đương thời bình luận: "Lòng dũng cảm như vậy, Phùng Phụ đời xưa cũng không hơn được. Đó là công chúa biết việc nghĩa và chí dũng cảm".

Theo Trần Hồng Đức/Kiến thức

Theo Trần Hồng Đức/Kiến thức

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/phung-duong-cong-chua-vo-ngoan-lam-quan-cho-chong/20190927092321224