Phun thuốc cỏ tùy tiện, vấn nạn ở Phú Yên

Mùa mưa đến, vùng gò đồi trồng sắn, mía, cỏ lên xanh, nông dân Phú Yên phun thuốc ngăn ngừa cỏ dại nhưng tùy tiện, thiếu sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

 Thuốc cỏ “đốt cháy” gò đồi.

Thuốc cỏ “đốt cháy” gò đồi.

Thuốc cỏ “đốt cháy” gò đồi

Sáng, ông Hồ Văn Sơn, ở ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) mang bình vào đám đất gò trồng sắn sau nhà phun thuốc cỏ. Ông Sơn nói: Trời mưa xuống, vùng gò đồi cỏ chân vịt, cỏ gấu, cỏ chỉ mọc dày nên tôi phun thuốc cho cỏ chết, để người nuôi bò không lội vô cắt cỏ đạp gãy sắn, mía.

Nhiều người cũng phun thuốc diệt cỏ như ông Sơn nên cả vùng gò đồi cỏ dại khô cháy sạch.

Không chỉ nông dân ở miền núi lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật mà nông dân nhiều xã ven biển cũng phun các loại thuốc cỏ cháy, thuốc lưu dẫn có độ độc cao. Ông Nguyễn Văn Trung, thôn Hảo Danh, xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu), cho hay: Trên đám đất nhà tôi, cây mắc cỡ và các loại cỏ dại mọc tràn lan. Trước khi cày đất rắc đậu phộng, tôi phun thuốc lưu dẫn diệt cỏ. Khi cỏ chết cày cho dễ và khỏi làm cỏ. Loại thuốc này có cây chòi cao gần 1m phun xong là chết rục.

Bà Bùi Thị Luyến, cũng ở xã Xuân Thọ 2 than rằng, trời mưa, tôi trồng đám rau lang trong gò ra đọt non, kề bên có người phun thuốc diệt cỏ loại thuốc rục (lưu dẫn), gió tạt qua, đám lang nhà tôi thời gian sau chết héo.

Theo ngành chức năng, thuốc lưu dẫn thời gian “lưu” trên lá rồi “dẫn” xuống đất thấm vào rễ mất trên 10 ngày. Có người phun xong ảnh hưởng hoa màu bên cạnh, ăn vào gặp phải tàn dư thuốc lưu dẫn rất độc hại.

Dọc các khu gò đồi rộng hàng trăm héc ta từ xã Sơn Định qua xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) và vùng gò đồi xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), nông dân phun thuốc cỏ cháy ào ạt, có đám đất sau khi phun, cỏ dại “cháy” như vừa bị đốt. Ông Phan Văn Tính ở xã Đức Bình Tây, giãi bày: Đám sắn nhà tôi mới trồng cao khoảng một gang tay, xung quanh bờ cỏ dại phủ kín nên tôi phun thuốc cỏ cháy. Thuốc này phun ngày trước, ngày sau cỏ quanh bờ cháy rụi, không phải bỏ công cuốc.

Mặc dù các loại thuốc cỏ cháy, thuốc lưu dẫn có độ độc cao nhưng nông dân lại sử dụng không đúng, không kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng. Mới đây, ông So Minh Lố ở xã Sơn Định, sau khi trồng keo về, tranh thủ buổi trưa đi phun thuốc cháy, về đến nhà say thuốc nằm bệt.

Nguy hiểm tính mạng

Phun thuốc trừ cỏ tràn lan, vỏ chai quăng xuống sông, suối, nơi đầu nguồn. Các loại thuốc này không chỉ mùi hôi nồng nặc, mà còn tính độc cao, nếu không quản lý vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng cách dễ khiến người và gia súc bị ngộ độc, ô nhiễm môi trường. Ông Võ Văn Hồng ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) cho hay: Tôi đi lột vỏ keo ngang qua đám đất thì nghe mùi thuốc trừ sâu nồng nặc, nhiều lần hít mùi thuốc trừ sâu về nhà đau đầu không chịu được.

Vùng gò đồi giáp ranh xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) và xã An Định (huyện Sơn Hòa), nước suối cũng bị nhiễm độc do người dân phun thuốc bảo vệ thực vật xong bỏ xuống suối. Điều này đồng nghĩa với hòa tan thuốc từ vỏ bao bì vào dòng nước. Ông Nguyễn Long ở xã Sơn Định chia sẻ: Tôi đi rừng tìm lan về trồng cảnh, khát nước đi ngang qua suối không dám uống vì thấy vỏ bao thuốc cỏ bỏ ngổn ngang. Không chỉ thuốc diệt cỏ mà thuốc trừ rầy cũng “tấn công” vùng gò đồi, vỏ bao thuốc vứt tứ tung.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường cộng với vấn đề thâm canh đã khiến tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng diễn biến phức tạp, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tăng lên. Trong đó, thuốc cỏ cháy có độ độc thuộc nhóm 2, còn thuốc lưu dẫn (Glyphosate) thuộc nhóm 3. Việc nông dân lạm dụng những loại thuốc này không chỉ khiến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư, gây ô nhiễm môi trường, tăng chi phí sản xuất, mà còn gây ngộ độc cho nông dân khi phun thuốc. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dùng thuốc diệt cỏ cần lưu ý 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và liều lượng và đúng cách nhưng việc thực hiện còn hạn chế.

Mạnh Hoài Nam

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/phun-thuoc-co-tuy-tien-van-nan-o-phu-yen-d274591.html