Đưa công nghiệp chế biến nông lâm sản thành kinh tế mũi nhọn của Bắc Kạn

Bắc Kạn được đánh giá là địa phương nhiều tiềm năng về lĩnh vực nông lâm sản với hơn 100.000 ha rừng trồng, 107 sản phẩm nông lân sản gắn thương hiệu OCOP.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, chế biến công nghiệp, trong đó trọng tâm là chế biến nông lâm sản sẽ trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế địa phương trong thời gian tới. Đây được xem là bước đi mang tính bền vững nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Năm 2019, Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam đã quyết định chọn Bắc Kạn làm nơi đặt nhà máy chế biến ván ép từ gỗ rừng trồng. Trong bối cảnh nhiều cơ sở chế biến gỗ phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn vị vẫn duy trì sản lượng xuất bán trên 2.500m3 sản phẩm. Công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu các loại ván dán sang thị trường Mỹ. Không chỉ góp phần nâng giá trị gỗ rừng trồng, công ty còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Tuy vậy, hiện đơn vị mới có khoảng 20% nguyên liệu từ trong tỉnh, còn lại vẫn phải nhập từ bên ngoài.

Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam vẫn duy trì hoạt động nhờ những đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ.

Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam vẫn duy trì hoạt động nhờ những đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ.

Bà Nông Thị Kiểm, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Lechenwood Việt Nam cho hay: "Nguồn nguyên liệu tại địa phương thì rất phong phú, tiềm năng lớn, tuy nhiên giữa người trồng rừng và nhà máy sản xuất vẫn chưa có được sự liên kết chặt chẽ. Để giải quyết vấn đề này thì giữa người trồng rừng, chính quyền và doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ, sao cho gỗ từ rừng có thể về ngay nơi chế biến trong tỉnh thì sẽ nâng cao hiệu quả lâm sản địa phương".

Băn khoăn của doanh nghiệp này cũng là tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư khi đến với Bắc Kạn. Được đánh giá là địa phương nhiều tiềm năng về lĩnh vực nông lâm sản với hơn 100.000 ha rừng trồng, 107 sản phẩm nông lân sản gắn thương hiệu OCOP.

Có tiềm năng về rừng trồng, nhưng hiện tại sản phẩm gỗ chủ yếu bán cho các cơ sở chế biến thủ công nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, với gỗ rừng trồng hiện người dân chủ yếu bán cho các cơ sở băm, bóc thủ công, giá trị thấp và chỉ dừng ở mức sơ chế nguyên liệu. Còn với sản phẩm nông nghiệp, mặc dù đã có những chuỗi liên kết từ trồng, chế biến, tuy nhiên quy mô còn nhỏ và diện tích manh mún, tập trung ở một số lĩnh vực như miến dong, tinh bột nghệ...

Trong khi đó, 2 lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng nhất là rừng trồng và cây dược liệu vẫn chưa có được những sự đầu tư xứng tầm. Cũng đã có không ít doanh nghiệp tìm đến nhưng buộc phải quay về vì nhiều lý do khác nhau.

Những sản phẩm OCOP hứa hẹn sẽ mang lại tiềm năng cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản Bắc Kạn.

Ông Nông Đình Huân, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Kạn cho biết: "Trong khu công nghiệp Thanh Bình, một số doanh nghiệp đã đến đây khảo sát, mong muốn được đầu tư nhưng khu công nghiệp đã hết quỹ đất. Hơn nữa, hiện doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất, thu hút thêm lực lượng lao động nhưng thực sự là lực lượng lao động tại địa bàn cũng ít".

Xác định rõ vai trò cũng như thế mạnh về nông, lâm nghiệp, Bắc Kạn xác định cần sớm hoàn thiện khu công nghiệp, đầu tư thêm các cụm công nghiệp, đồng thời xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Bắc Kạn cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp sẽ tăng từ 12-13%/năm. Hiện nay, tỉnh đang gấp rút hoàn thiện hạ tầng giai đoạn II của Khu công nghiệp Thanh Bình, khu công nghiệp duy nhất của Bắc Kạn cho tới thời điểm này nhằm bổ sung thêm quỹ đất sạch chờ doanh nghiệp đến đầu tư. Bắc Kạn cũng lên phương án tháo gỡ điểm nghẽn giao thông bằng việc mở 2 tuyến đường từ Khu công nghiệp Thanh Bình lên thành phố Bắc Kạn và từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể.

Tỉnh Bắc Kạn trao chứng nhận đầu tư cho 2 doanh nghiệp tham gia xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp (tháng 10/2020).

Ông Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ rõ: "Bắc Kạn khuyến khích thu hút đầu tư trong công nghiệp nhưng sẽ chủ yếu là công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Một trong những giải pháp thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đó là làm tốt công tác cải cách hành chính. Tiếp đó là sẽ có cơ chế, chính sách tùy từng lĩnh vực để hỗ trợ các nhà đầu tư. Thứ hai đó là tạo chuỗi giá trị sản xuất và tính liên kết trong tiêu thụ sản phẩm".

Vừa qua, Bắc Kạn đã chào đón 2 nhà đầu tư với số vốn khoảng 2.400 tỷ đồng xây dựng 2 cụm công nghiệp tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới và xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông. Đây là 2 dự án hạ tầng cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư đầu tiên của Bắc Kạn với nhiều lĩnh vực, bao gồm chế biến nông, lâm sản.

Cũng trong năm 2020, sản phẩm Miến dong của Bắc Kạn đã xuất khẩu sang châu Âu và nhiều sản phẩm đã được bao tiêu tại các siêu thị lớn trong nước. Có thể xem đây cũng là những tín hiệu tích cực đầu tiên trong nỗ lực đưa công nghiệp chế biến nông lâm sản trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương này./.

Công Luận/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dua-cong-nghiep-che-bien-nong-lam-san-thanh-kinh-te-mui-nhon-cua-bac-kan-823327.vov