Phục tráng giống lúa chiêm đá ở xã Tiền Phong

Giống lúa chiêm đá đã được gieo cấy ở xã Tiền Phong, TX Quảng Yên, từ lâu, tuy nhiên hiện nay đã bị phân ly thành nhiều dòng, năng suất không ổn định, đặc tính sinh vật học không đồng nhất. Từ vụ đông xuân năm 2018-2019, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thị xã đã thực hiện dự án phục tráng giống lúa này.

Một số hộ dân ở xã Tiền Phong, TX Quảng Yên vẫn duy trì gieo cấy lúa chiêm đá.

Một số hộ dân ở xã Tiền Phong, TX Quảng Yên vẫn duy trì gieo cấy lúa chiêm đá.

Đặc thù của đồng đất ở xã Tiền Phong trước kia đều bị nhiễm chua mặn, trũng thấp, chưa chủ động được nước tưới, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng chưa được đầu tư đồng bộ, rất khó khăn trong việc canh tác, đưa các giống lúa năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy đại trà. Để giải bài toán về lương thực, người dân địa phương đã chủ động đưa giống lúa chiêm đá về gieo cấy, bởi đây là giống lúa có khả năng chịu rét, chịu hạn và sinh trưởng tốt ngay cả trong môi trường khắc nghiệt nhất.

Theo những người cao niên ở xã Tiền Phong kể lại, giống lúa chiêm đá đã được người dân địa phương đưa vào canh tác từ lâu, ít nhất cũng phải hơn 80 năm. Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tiền Phong, cho biết: Khi còn bé, tôi đã thấy gia đình mình gieo cấy giống lúa chiêm đá, nhà ai cũng canh tác từ 2 đến 5 sào lúa này. Cơm gạo chiêm đá đã gắn liền với tuổi thơ của thế hệ chúng tôi. Giờ tôi đã tuổi cao, sức yếu, không cấy cày như trước, nhưng con cháu tôi cũng vẫn trồng giống lúa này. Những năm gần đây hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tận dụng những chân ruộng cao để gieo cấy giống lúa năng suất, chất lượng, vì vậy diện tích lúa chiêm đá ở xã Tiền Phong cũng ngày bị thu hẹp.

Nếu như vụ xuân năm 2018, gia đình bà Nguyễn Thị Lưu (thôn 2, xã Tiền Phong) gieo cấy gần 5 sào lúa chiêm đá, thì vụ xuân năm 2019, gia đình bà chỉ còn gieo cấy hơn 1 sào lúa này. Một phần do gia đình không có người làm, một phần do giống lúa chiêm đá cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế lại không cao, trung bình giá bán một tạ thóc chỉ được 700.000 đồng, trong khi năng suất lúa chỉ đạt từ 1,2 đến 1,8 tạ/ sào. Bà Lưu chia sẻ: Tôi không biết giống lúa chiêm đá có từ bao giờ, nhưng năm nay tôi đã ngoài 55 tuổi rồi, từ nhỏ đến giờ tôi vẫn được ăn gạo chiêm đá. Giống lúa này năng suất cũng trung bình, tùy thuộc vào chân ruộng, tuy nhiên, gieo cấy giống lúa này tiết kiệm được kinh phí, không mất nhiều công chăm sóc, khả năng kháng sâu bệnh rất tốt nên không phải phun thuốc, vãi lân, đạm. Ăn gạo chiêm đá rất thơm, đặc biệt nấu cháo rất dẻo, ngon. Ở xã Tiền Phong đồng chua nước mặn, vì vậy chúng tôi vẫn lưu giữ, canh tác giống lúa này.

Xã Tiền Phong có 116ha đất nông nghiệp gieo cấy lúa, những năm gần đây, tỷ lệ giống lúa năng suất cao ở xã chiếm trên 93%, diện tích gieo cấy lúa chiêm đá ngày càng bị thu hẹp, vụ xuân năm 2019 toàn xã chỉ còn trên 5ha, cấy rải rác ở những vùng sâu trũng. Dự án phục tráng giống lúa chiêm đá trên địa bàn TX Quảng Yên được thực hiện tại xã Tiền Phong, nhằm mục đích chọn ra giống lúa đầu tư thấp, có sự ổn định về chiều cao, số lá, chiều dài lá đòng, chiều dài bông, số hạt/bông, trọng lượng 1.000 hạt ổn định, chất lượng gạo ngon, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng...

Hoàn thiện được quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương, đưa năng suất của giống lúa chiêm đá tăng từ 10-15% so với điều kiện canh tác hiện nay. Chất lượng hạt giống đồng đều, giữ được màu sắc đặc trưng. Sản phẩm gạo chiêm đá được đưa vào là sản phẩm OCOP của thị xã. Vụ xuân năm 2019, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thị xã đã thuê 6 sào đất ruộng, với 2.160m2 đất nông nghiệp ven đê của xã Tiền Phong để thực hiện dự án.

Cán bộ khuyến nông địa phương thực hiện phân chia các dòng lúa chiêm đá sau khi thu hoạch.

Ông Nguyễn Công Khương, Chủ nhiệm dự án, cho biết: Nội dung triển khai phục tráng giống lúa chiêm đá tại xã Tiền Phong được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, chúng tôi đã điều tra cơ bản về tình hình gieo cấy lúa tại xã Tiền Phong, chọn ra các dòng, sơ lược đánh giá các chỉ tiêu của từng dòng, thu hoạch giống đầu dòng để làm giống cho vụ thứ nhất giai đoạn 2. Giống lúa chiêm đá có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn hẳn các giống cấy hiện nay trên địa bàn thị xã, thể hiện ở màu sắc, chất lượng gạo (gạo đỏ, ăn có vị bùi, ngậy, béo, dẻo...). Căn cứ vào đặc điểm khác nhau về chiều cao, chiều dài lá đòng, chiều dài bông, số hạt trên bông, trong giai đoạn 1 triển khai dự án, chúng tôi đã lựa chọn được 3 dòng lúa chiêm đá là G1, G2, G3. Giai đoạn 2 triển khai đề tài trong 4 năm tiếp theo. Từ vụ xuân 2020, chúng tôi sẽ tiến hành gieo cấy các dòng đã được chọn lọc cùng với dòng đối chứng G0. Quá trình tiến hành dự án để bổ sung cho đề tài, chúng tôi cũng nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh giống lúa chiêm đá.

Việc triển khai Dự án phục tráng giống lúa chiêm đá sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm giống lúa đặc sản của xã Tiền Phong, giữ gìn những bộ giống ưu thế riêng, sản phẩm đặc trưng nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng thương hiệu gạo Quảng Yên theo chương trình OCOP.

Phạm Tuyết (Trung tâm TT-VH Quảng Yên)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201906/phuc-trang-giong-lua-chiem-da-o-xa-tien-phong-2443077/