Phúc thẩm vụ gian lận điểm ở Sơn La

Cựu thượng tá công an cùng 2/3 bị cáo trong vụ gian lận điểm thi ở Sơn La cho rằng chưa đủ căn cứ kết tội, đề nghị tòa hủy án.

Ngày 19-11, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên xét xử phúc thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 xảy ra ở tỉnh Sơn La. Cách đây một tháng, phiên tòa từng phải hoãn do vắng mặt nhiều luật sư bào chữa.

Phiên tòa phúc thẩm diễn ra tại trụ sở TAND tỉnh Sơn La, được mở do có kháng cáo của bốn bị cáo gồm: Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Lò Văn Huynh (cựu trưởng Phòng khảo thí), Nguyễn Minh Khoa (cựu thượng tá, phó trưởng Phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) và Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng Phòng khảo thí).

Bị cáo Yến cho rằng mình không phạm tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tương tự, bị cáo Nhàn nêu quan điểm chỉ giữ vai trò giúp sức nhưng vai trò này là không đáng kể, bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn, không phải là người thực hành.

Đáng chú ý, ông Huynh kháng án vì khẳng định không nhận hối lộ 1 tỉ đồng từ ông Khoa để nâng điểm thi cho hai thí sinh. Ông Khoa cũng phủ nhận việc đưa hối lộ số tiền trên cho ông Huynh, cho rằng tòa sơ thẩm không có chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của mình, đề nghị tòa phúc thẩm hủy án để điều tra lại.

Ngoài bốn bị cáo, bà Lê Thị Thanh Yến (vợ ông Huynh) và ông Lê Thanh Sơn (em vợ ông Huynh) với tư cách là người liên quan cũng có đơn kháng cáo. Họ đề nghị xem xét lại phán quyết của tòa sơ thẩm buộc họ liên đới chịu án phí dân sự liên quan đến số tiền 1 tỉ đồng.

Cựu thượng tá công an Nguyễn Minh Khoa tại tòa. Ảnh: U.TRANG

Tại tòa, bị cáo Yến giữ nguyên nội dung kháng cáo. Theo cáo buộc, tại kỳ thi năm 2018, cựu phó giám đốc nhận thông tin của 13 thí sinh, trong đó tám người do ông Hoàng Tiến Đức (cựu giám đốc Sở GD&ĐT) cung cấp. Các tờ danh sách thí sinh gồm thông tin về họ tên, môn thi, số báo danh, phòng thi, địa điểm thi, số điểm.

Trả lời về các con số trong tờ danh sách, cũng giống phiên sơ thẩm, bị cáo cho rằng đây là số điểm các thí sinh và gia đình tự chấm chứ không phải điểm số cần nâng theo yêu cầu. Về đánh máy lại danh sách các thí sinh, bị cáo khai do tờ danh sách mà ông Đức đưa cho mình bị bẩn nên phải đánh lại…

Tương tự, bị cáo Khoa thừa nhận có chuyển thông tin hai thí sinh để nhờ Lò Văn Huynh xem điểm giúp; đây đều là con em của bạn bè, đồng nghiệp ở cơ quan mà bị cáo công tác. Đến nay, bị cáo nhận thấy việc nhờ xem điểm giúp là sai.

Tuy nhiên, theo lời cựu thượng tá công an, việc làm trên xuất phát từ tình cảm, ông không nhận bất cứ vật chất gì từ phía hai gia đình, càng không có chuyện đưa 1 tỉ đồng cho bị cáo Huynh như cáo buộc. Bị cáo cho rằng những quy kết, cáo buộc xuất phát từ lời khai của ông Huynh là không đủ căn cứ.

Riêng bị cáo Nhàn thì trình bày nhiều tình tiết với mong muốn HĐXX cho được giảm nhẹ hình phạt, hưởng án treo. Theo bà Nhàn, quá trình điều tra bà đã tích cực hợp tác với cơ quan công an, đồng thời được cơ quan chủ quản là Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cùng chính quyền địa phương nơi cư trú làm đơn đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Hôm nay phiên tòa tiếp tục.

Án sơ thẩm cao nhất 21 năm tù
Trước đó, hồi tháng 5-2020, TAND tỉnh Sơn La tuyên phạt bị cáo Lò Văn Huynh 21 năm tù về hai tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và nhận hối lộ. Bị cáo Trần Xuân Yến, Nguyễn Thanh Nhàn lần lượt bị tuyên chín năm và 30 tháng tù cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Riêng cựu thượng tá công an Nguyễn Minh Khoa bị tuyên tám năm tù về tội đưa hối lộ.

T.PHAN - U.TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/phuc-tham-vu-gian-lan-diem-o-son-la-951022.html