Phúc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỉ: Có cơ hội giảm án cho ông trùm Nam, Dương?

Hôm nay (5/3), Tòa án nhân dân cấp cao dự kiến sẽ xử phúc thẩm vụ đánh bạc online nghìn tỉ liên quan đến 2 cựu tướng công an. Số phận các bị cáo cộm cán này sẽ ra sao sau phiên tòa?

Phiên phúc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỉ được mở theo kháng nghị của Viện Kiểm sát Phú Thọ và kháng cáo của các bị cáo trong vụ án. HĐXX dự kiến có 3 người do thẩm phán Nguyễn Vinh Quang làm chủ tọa, dự kiến phiên tòa sẽ kết thúc vào 12/3.

Tổng cộng, có 83 trong số 92 bị cáo chịu xét xử phúc thẩm về các tội “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc” và “Rửa tiền” gồm 36 người kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương đều không có đơn kháng cáo.

Các bị cáo tại phiên sơ thẩm đã tuyên. (ảnh HC)

Các bị cáo tại phiên sơ thẩm đã tuyên. (ảnh HC)

Tuy nhiên, liên quan kháng nghị của VKSND tỉnh Phú Thọ thì 2 bị cáo đầu vụ là Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam phải hầu tòa.

Riêng các bị cáo Phan Văn Vĩnh - nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) chưa được triệu tập do không có kháng cáo hoặc kháng nghị liên quan.

Một thẩm phán cho biết, tòa án vẫn có thể triệu tập các ông Vĩnh, Hóa hoặc nhân chứng, người liên quan… nếu thấy cần thiết hoặc có tình tiết phát sinh trong quá trình xét xử.

Chiều 4/3, trao đổi với phóng viên, các chuyên gia pháp luật cho biết: Một vụ án được đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm khi bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định.

Những người có quyền kháng cáo gồm bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan… “Còn nếu bị cáo thấy mức án tòa án tuyên phạt là hợp lý nên không kháng cáo nữa hoặc cho rằng mức án cao nhưng bị cáo chấp nhận, không muốn kháng cáo thì đó là quyền của bị cáo”, luật sư Ngà nói.

Trong trường hợp những người có quyền kháng cáo không kháng cáo thì VKS cùng cấp, VKS cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

Bị cáo Phan Văn Vĩnh tại phiên sơ thẩm. (ảnh HC)

Cụ thể, trong vụ án này, bản kháng nghị của Viện Kiểm sát tập trung chủ yếu vào nhóm bị cáo là đại lý cấp 1 trong đường dây tổ chức đánh bạc và các bị cáo thuộc nhóm phạm tội đánh bạc.

Lý do kháng nghị vì VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng HĐXX đã không xem xét toàn diện các tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo này.

Cụ thể, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKS giữ quyền công tố đã đề nghị một số tình tiết có lợi cho một số bị cáo như thành khẩn khai báo, chủ động hợp tác với cơ quan tố tụng, khắc phục hậu quả từ hành vi phạm tội của mình... nhưng đã không được áp dụng.

“Theo kháng nghị này thì có cơ hội cho các bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra, khắc phục hậu quả. Đơn cử như bị cáo Phan Sào Nam chẳng hạn. Tuy nhiên, có chấp nhận kháng cáo, kháng nghị hay không là quyền quyết định của HĐXX cấp phúc thẩm”- các chuyên gia pháp lý nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên.

Trước đó, ngày 30/11/2018, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên án sơ thẩm khẳng định hệ thống cổng game trong vụ án được các Cty CNC; VTC online xây dựng và hoạt động trong 28 tháng đã thu hút gần 43 triệu tài khoản đánh bạc, thu gần 10.000 tỷ đồng. Hệ thống này hoạt động dưới sự bảo kê của bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa. Từ đó, HĐXX tuyên phạt ông Vĩnh 9 năm tù; ông Hóa 10 năm tù cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; cả 2 phải nộp phạt 100 triệu đồng/người.

Tiếp đến, bị cáo Nguyễn Văn Dương được xác định lợi dụng danh nghĩa CNC là Cty bình phong của C50 để hợp tác với Phan Sào Nam phát hành game bài trái phép. Qua đây, Dương hưởng lợi hơn 1.655 tỷ đồng, Nam hưởng lợi hơn 1.400 tỷ đồng. Vì vậy, tòa phạt Nguyễn Văn Dương án 10 năm tù; Nam 5 năm tù về các tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”. Còn lại, 88 bị cáo khác nhận mức án tương ứng hành vi phạm tội.

Hà Châu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/phuc-tham-vu-danh-bac-nghin-ti-co-co-hoi-giam-an-cho-ong-trum-nam-duong-20190304165052399.htm