Phúc thẩm kỳ án gỗ trắc: VKS đề nghị bác kháng cáo của các bị cáo

Ngày 9/7, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án buôn lậu gỗ trắc của Công ty TNHH Ngọc Hưng (Quảng Trị). Nêu quan điểm trong phần tranh luận, đại diện VKS yêu cầu HĐXX chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng và bác kháng cáo kêu oan của các bị cáo.

Trong phần tranh luận, đại diện VKS giữ nguyên quyết định kháng nghị 1 phần bản án đối với tội Buôn lậu của bị cáo Trần Thị Dung và Trương Huy Liệu ảnh: G.T

Trong phần tranh luận, đại diện VKS giữ nguyên quyết định kháng nghị 1 phần bản án đối với tội Buôn lậu của bị cáo Trần Thị Dung và Trương Huy Liệu ảnh: G.T

Trong phần tranh luận, đại diện VKSND cấp cao tại Đà Nẵng giữ nguyên quyết định kháng nghị đã gửi cho TAND cấp cao tại Đà Nẵng đối với bị cáo Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung. Theo đó, VKS kháng nghị một phần bản án sơ thẩm về tội “Buôn lậu”, đề nghị sửa bản án sơ thẩm, tăng nặng hình phạt đối với hai bị cáo.

Đại diện VKS cho rằng, hai bị cáo có dấu hiệu làm giả hồ sơ nhập khẩu và xuất khẩu lô gỗ bằng việc in hợp đồng, tờ khai hàng hóa... trên các giấy khống chỉ có con dấu và chữ ký sẵn. Các kết quả giám định cho thấy chữ ký và con dấu trên hồ sơ của Công ty Ngọc Hưng không trùng với chữ ký của người đại diện và con dấu của Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào. Các giấy kiểm dịch thực vật được cấp sai quy định, không đúng tên gỗ, đơn vị xuất - nhập, không có tên Công ty Ngọc Hưng...

Kết quả xác minh qua Văn phòng Interpol tại Công văn 5054 ngày 4/8/2015 của Cục đối ngoại Bộ Công an, Công ty East Well (đối tác xuất khẩu gỗ của Công ty Ngọc Hưng) chỉ kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường biển và mua bán động cơ, không kinh doanh gỗ. Công ty không có giám đốc nào tên Zang Chung Hai (người ông Liệu cho rằng đàm phán mua gỗ với mình) và cũng không có hồ sơ thể hiện ông này nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đại diện VKS, mục đích của hai bị cáo là hợp thức hóa nguồn gốc gỗ bất hợp pháp, không phải nộp thuế xuất nhập khẩu với số tiền hàng tỷ đồng.

VKS đề nghị sử dụng Kết luận 783 để định tội các bị cáo vì Kết luận 151 chưa đảm bảo tính pháp lý. Vị này lý giải Công văn 57 của Cục điều tra chống buôn lậu yêu cầu Viện ST&TNSV hỗ trợ giám định không được coi là văn bản trưng cầu giám định theo quy định của luật tố tụng hình sự. VKS cũng cho rằng Kết luận 783 sử dụng Thông tư 01 ngày 4/1/2012 của Bộ NN&PTNT áp dụng việc cân gỗ quy đổi ra thể tích là phù hợp vì thời điểm này thông tư đã có hiệu lực.

Xét thấy kháng nghị của Tổng cục Hải quan là có cơ sở, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị HĐXX sửa bản án sơ thẩm, hủy bỏ kiến nghị của TAND TP Đà Nẵng ở phiên sơ thẩm về việc yêu cầu Tổng cục Hải quan làm rõ việc bắt giữ tang vật là lô gỗ trắc nhưng không lập biên bản thu giữ ngay làm ảnh hưởng quá trình điều tra. VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của phó trạm trưởng Trạm KDTV Lao Bảo Hoàng Hữu Dũng về việc cấp giấy kiểm dịch thực vật cho lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng.

Giang Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/phuc-tham-ky-an-go-trac-vks-de-nghi-bac-khang-cao-cua-cac-bi-cao-1438438.tpo