Phúc thẩm 'đại án VNCB': Tranh cãi 4500 tỷ của Phạm Công Danh đi về đâu?

Nội dung kháng cáo bản án sơ thẩm của Ngân hàng Xây dựng (CB) có nói 4.500 tỷ đồng là tiền ông Danh sử dụng cho các sai phạm và trục lợi cá nhân, luật sư của ông Danh hỏi đại diện CB rằng, ngân hàng căn cứ vào đâu để đưa ra nội dung này?

Ngày 14/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xử phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam – VNCB, tiền thân là Ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank và nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam – CB) cùng 17 đồng phạm.

Trong phiên xử này, hội đồng xét xử (HĐXX) tập trung xét hỏi các bên về khoản tiền 4.500 tỷ đồng mà bản án sơ thẩm tuyên buộc CB phải trả lại cho bị cáo Phạm Công Danh.

Đại diện CB cho hay, các bên góp vốn vào ngân hàng VNCB nhưng việc tăng vốn điều lệ tại ngân hàng này bất thành thì đây chỉ là quan hệ giao dịch dân sự.

Thời điểm Ngân hàng Nhà nước mua lại VNCB giá 0 đồng thì ngân hàng đang có vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng. Tiền ông Danh góp tiền vào đã sử dụng hết và ngân hàng không dùng số tiền này vào mục đích riêng.

Nội dung kháng cáo bản án sơ thẩm của CB có nói 4.500 tỷ đồng là tiền ông Danh sử dụng cho các sai phạm và trục lợi cá nhân, luật sư của ông Danh hỏi đại diện CB rằng, ngân hàng căn cứ vào đâu để đưa ra nội dung này?

Đại diện CB cho hay, căn cứ để đưa ra nội dung kháng cáo sẽ được trình bày rõ trong phần tranh luận. Còn 4.500 tỷ đồng đã hòa chung vào dòng tiền của ngân hàng nên không xác định được cụ thể nhưng tất cả các khoản rút khỏi ngân hàng đều có chứng từ rõ ràng.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Trước câu hỏi đại diện CB có ý kiến gì về nhận định thiệt hại của ngân hàng là do bà Hứa Thị Phấn (cựu cố vấn cao cấp của Trustbank) gây ra, trong khi ông Danh phải vay tiền bên ngoài để cứu ngân hàng khỏi đổ vỡ? Đại diện CB không đưa ra câu trả lời.

Về khoản tiền 4.500 tỷ đồng, bị cáo Mai Hữu Khương (cựu Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) cho rằng, CB nói số tiền này đã hòa chung vào dòng tiền của ngân hàng là không thỏa đáng. Trong khi bản án sơ thẩm xác định khi tái cơ cấu VNCB đã âm vốn 18.000 tỷ đồng, tuy nhiên HĐXX chưa xác định số tiền âm này là do ông Danh hay bà Phấn gây ra.

Theo bị cáo Khương, việc xét xử vụ án bà Hứa Thị Phấn gây thiệt hại gần 16.000 tỷ đồng tại Trustbank sau vụ án ông Phạm Công Danh gây bất lợi cho các bị cáo. HĐXX cần xem xét cấn trừ số tiền gần 16.000 tỷ đồng vào tổng số tiền âm vốn của VNCB.

Về phần mình, bị cáo Phạm Công Danh chia sẻ, khi bước vào lĩnh vực ngân hàng bị cáo muốn xây dựng một ngân hàng vững mạnh và khi ấy đã mua lại Trustbank. Tuy nhiên, do áp lực tăng vốn để đưa ngân hàng phát triển và một phần vì hạn chế về năng lực điều hành ngân hàng nên mới có những hành vi sai phạm.

Bị cáo Danh mong HĐXX xem xét đề nghị thu hồi thêm các khoản tiền mà bị cáo cho là vật chứng của vụ án nhưng chưa được thu hồi để khắc phục hậu quả ở giai đoạn 1 lẫn giai đoạn 2 của vụ án, bởi đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Với số tiền hơn 1.600 tỷ đồng tòa sơ thẩm buộc hai chi nhánh của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phải trả lại cho VNCB, bị cáo Danh cho hay, ông tôn trọng phán quyết của tòa.

Phạm Công Danh thông tin thêm, luật sư của mình đã đề nghị làm việc với BIDV để giải quyết các khoản nợ và khi thu hồi được tiền thì sẽ có căn cứ làm việc với BIDV, không để ngân hàng này bị thiệt hại.

Phiên tòa sẽ tiếp tục vào sáng 17/12 với phần tranh luận.

Phương Nam

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/phuc-tham-dai-an-vncb-tranh-cai-4500-ty-cua-pham-cong-danh-di-ve-dau-post285053.info