Phục tài bác sĩ quân y

Cách đây chưa lâu, cụ Phù Thị Trược (109 tuổi, ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị trượt chân ngã xuống nền nhà, không thể đi lại được.

Gia đình đưa cụ đi điều trị nhiều nơi nhưng các bác sĩ đều khuyên: "Cụ bị gãy cổ xương đùi trái, nếu phẫu thuật điều trị sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Gia đình nên bồi bổ, động viên tinh thần và hạn chế để cụ vận động mạnh rồi vết thương sẽ ổn dần". Không đành lòng nhìn mẹ đau yếu nằm một chỗ, cuối tháng 5 vừa qua, các con cụ Trược đã đưa mẹ đến Bệnh viện Quân y 17 (Cục Hậu cần, Quân khu 5) với hy vọng mong manh “còn nước còn tát”.

Sau khi kiểm tra, chụp X-quang, các bác sĩ tiên lượng vết thương của cụ Trược sẽ không thể tự liền được. Với các tổn thương loại này, trước đây có nhiều phương pháp điều trị như bảo tồn, kết hợp xương nẹp vít nhưng thường để lại di chứng, biến chứng như loét mục, nhiễm trùng hô hấp, tiết niệu, khớp giả, có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay, kỹ thuật mổ thay khớp háng bán phần bằng chỏm lưỡng cực (Bipolar) đã khắc phục rất hiệu quả các vấn đề trên, song đây là phẫu thuật đòi hỏi kỹ thuật cao, rất ít bệnh viện có thể thực hiện. Sáng 5-6-2018, ca mổ do Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa (BSCK) II Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc bệnh viện trực tiếp làm phẫu thuật viên chính, cùng hai trợ thủ là Đại úy, bác sĩ Phan Anh Nghĩa và Đại úy, bác sĩ Nguyễn Quý Cường (Khoa Chấn thương chỉnh hình) thực hiện đã thành công ngoài mong đợi. Sau 3 ngày, cụ Trược đã có thể tự ngồi dậy và luyện tập nhẹ trên khung; hiện nay cụ đã được xuất viện.

Các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 17 hướng dẫn cụ Trược luyện tập trên khung tập.

Cùng ngày 5-6, Bệnh viện Quân y 17 tiếp nhận bệnh nhân Phan Văn Thành (55 tuổi, trú tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bị lưỡi cưa máy cắt vào bàn tay trái khiến ngón cái bị đứt gần lìa, các ngón khác bị tổn thương nặng, mất nhiều máu. Khoảng một giờ sau khi nhập viện, anh Thành được đưa vào phòng mổ. Đại úy, bác sĩ Nguyễn Quý Cường và cộng sự là Trung tá, BSCK II Lê Hoài Nam phải dùng kính hiển vi điện tử phóng đại để khâu nối từng đoạn gân gấp, gân duỗi, động mạch, tĩnh mạch, dây thần kinh... trên bàn tay của bệnh nhân. Hiện tại, anh Thành tiếp tục được theo dõi, điều trị chống đông kết hợp làm ấm bàn tay, bảo đảm đốt 1 ngón tay cái bị đứt sống được. Mới đây, khi chúng tôi vào thăm, anh Thành cảm động nói: “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, thấy các ngón tay vẫn cử động được, tôi mừng muốn rơi nước mắt. Tôi cảm phục và biết ơn Bệnh viện Quân y 17 rất nhiều”.

Là người tham gia cả hai ca mổ, Đại úy, bác sĩ Nguyễn Quý Cường chia sẻ: “Việc nối các ngón tay tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra lại khó gấp nhiều lần so với nối cả cánh tay. Ca mổ đã thành công tốt đẹp, chỉ vài hôm nữa anh Thành sẽ được xuất viện. Nếu tích cực luyện tập, sau 3 tháng, bệnh nhân có thể lao động như trước. Nếu ai không may bị tai nạn đứt lìa tay, chân, cần nhanh chóng lấy các bộ phận đã bị đứt lìa mang rửa sạch, bỏ vào túi ni-lông rồi thổi phồng lên, buộc lại, cho vào thùng đá và chuyển ngay đến bệnh viện để các bác sĩ ghép nối”.

Đại tá, bác sĩ Phạm Thị Vệ Hà, Chính ủy Bệnh viện Quân y 17, cho biết: Những năm gần đây, ngoài việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang, hiện đại, bệnh viện luôn quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, y đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Mỗi năm, bệnh viện xử trí, phẫu thuật thành công hàng trăm ca mổ phức tạp, nguy hiểm, tạo được niềm tin và uy tín với đông đảo cán bộ, nhân dân trên địa bàn.

Bài và ảnh: THUẬN AN - VĨNH LỘC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/phuc-tai-bac-si-quan-y-544840