Phúc Lộc sai phạm tại dự án BT ở Bình Định: Bài học cho Thái Nguyên

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm tại dự án BT do Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc làm chủ đầu tư như: chưa được bàn giao mặt bằng, chưa có thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công và Giấy phép xây dựng nhưng vẫn tổ chức triển khai thi công.

Động thổ khởi công Dự án Khu đô thị Du lịch – Văn hóa – Thể thao hồ Phú Hòa

Động thổ khởi công Dự án Khu đô thị Du lịch – Văn hóa – Thể thao hồ Phú Hòa

Hàng loạt vi phạm

Qua thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng (từ ngày 01/01/2013 - 31/12/2017), Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm tại 2 dự án BT ở tỉnh Bình Định do Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc làm chủ đầu tư.

Tại dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài, dự án cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa (thực hiện theo hình thức BT) và dự án thanh toán (Khu đô thị – Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa, thành phố Quy Nhơn), UBND tỉnh Bình Định tổ chức mời gọi đầu tư theo hình thức BT, kết quả chỉ duy nhất nhà đầu tư Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc tham gia.

Theo đó, ngày 01/7/2014, UBND tỉnh Bình Định có Văn bản số 2745/UBND-KTN giao cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc là nhà đầu tư thực hiện 02 dự án (đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa) theo hình thức BT và giao dự án khác để thanh toán cho Nhà đầu tư được xác định là dự án khai thác quỹ đất của Khu đô thị, Du lịch, Văn hóa, Thể thao hồ Phú Hòa, thành phố Quy Nhơn cho nhà đầu tư triển khai cùng lúc.

Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa đã được triển khai nhưng UBND tỉnh vẫn chưa làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án Khu Đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa, thành phố Quy Nhơn để có quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư.

Theo Thanh tra Chính phủ, dù Bình Định đã dùng ngân sách địa phương tạm ứng theo hợp đồng cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc 201 tỷ đồng, đến nay vẫn còn dư ứng hơn 137 tỷ đồng quá thời hạn hoàn thành khối lượng thanh toán chưa được thu hồi (ảnh Zing).

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, UBND thành phố Quy Nhơn, Sở Tài nguyên và Môi trường chậm hoàn tất giải phóng mặt bằng và làm các thủ tục trình UBND tỉnh bàn giao đất cho Nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án, cần phải chấn chỉnh kịp thời.

Mặc dù, chưa được bàn giao mặt bằng của dự án, nhưng Nhà đầu tư đã tổ chức triển khai thi công một số công trình, hạng mục thuộc dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa khi chưa có thiết kế, bản vẽ thi công (TKBVTC), biện pháp thi công và Giấy phép xây dựng được phê duyệt là vi phạm quy định về quản lý xây dựng.

Nhà đầu tư chậm lập các thủ tục điều chỉnh dự án và TKBVTC, dự toán công trình để trình cấp thẩm quyền thẩm tra, thẩm định và phê duyệt theo quy định; chậm ứng kinh phí để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án BT và Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa cũng như kinh phí rà phá bom mìn, vật nổ.

Doanh nghiệp đào lấy đất đèo Son để thông tuyến đường Ngô Mây đấu nối vào khu đô thị. Tuy nhiên, sau nhiều năm khởi công, tiến độ tuyến đường chậm kéo dài (ảnh Zing).

Chưa làm thủ tục chuyển mục đích rừng phòng hộ (7,6ha) thuộc hành lang an toàn lưới điện; chậm xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân, dẫn đến không có đất giao cho các hộ dân nên các hộ dân không đăng ký nhận tiền, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Ban Quản lý dự án chậm đàm phán, điều chỉnh và hoàn thiện Hợp đồng 02 dự án BT (đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa); thiếu quyết liệt trong việc xử lý vi phạm đối với Nhà đầu tư, để Nhà đầu tư tổ chức khởi công, thi công công trình khi chưa có TKBVTC, biện pháp thi công và Giấy phép xây dựng được cấp.

Hàng trăm tỷ đồng chưa được thu hồi

Đối với dự án Xây dựng cấp bách kè chống sạt lở và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ chống ngập úng sông Hà Thanh, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định phê duyệt và điều chỉnh, bổ sung dự án với tổng mức đầu tư 3.006 tỉ đồng (gồm 90% ngân sách Trung ương và 10% địa phương) chưa đầy đủ căn cứ, cơ sở nên không triển khai thực hiện dự án như đã phê duyệt.

Hạng mục công viên hồ Phú Hòa trong tình trạng thi công dở dang. Người dân địa phương thường gọi hồ nước này là "Ao cá Bác Hồ", từng rộng đến 120 ha và là nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, giờ đây doanh nghiệp san lấp hồ chỉ còn lại vài chục ha (ảnh Zing).

Mặc dù, đã dùng ngân sách địa phương tạm ứng theo hợp đồng cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc số tiền 201 tỉ đồng, đến nay vẫn còn dư ứng 137,123 tỉ đồng, đã quá thời hạn hoàn thành khối lượng thanh toán 6 tháng nhưng chưa được thu hồi.

Ngày 25/11/2016, UBND tỉnh Bình Định có thông báo 254/TB-UBND thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan đề xuất, trình UBND tỉnh các hạng mục cần ưu tiên triển khai để phê duyệt. Trước mặt chỉ triển khai trong phạm vi vốn hiện có của ngân sách với mức tối đa không quá 300 tỷ đồng.

Đến nay, UBND tỉnh chưa có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án Xây dựng cấp bách kè chống sạt lở và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ chống ngập úng sông Hà Thanh để làm cơ sở quyết toán dự án.

Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chấn chỉnh việc quản lý hoạt động xây dựng; cấp giấy phép xây dựng không để xảy ra tình trạng chủ đầu tư tổ chức thi công các hạng mục, công trình khi chưa được bàn giao đất, chưa có quy hoạch chi tiết 1/500, thiết kế, bản vẽ thi công, giấy phép xây dựng, biện pháp thi công được phê duyệt…, có biện pháp kiên quyết xử lý những vi phạm trong hoạt động xây dựng.

Mặc dù, chưa được bàn giao mặt bằng của dự án, nhưng Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc đã tổ chức triển khai thi công một số công trình, hạng mục thuộc dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa khi chưa có thiết kế, bản vẽ thi công, biện pháp thi công và Giấy phép xây dựng được phê duyệt là vi phạm quy định về quản lý xây dựng.

Đây có phải hành vi xem thường pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc? Vi phạm này sẽ được UBND tỉnh Bình Định xử lý đến đâu hay sau kết luận của Thanh tra Chính phủ?

Bài học cho tỉnh Thái Nguyên

Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 và UBND tỉnh Thái Nguyên khởi công, thi công 2/9 dự án khi chưa đủ điều kiện.

Hậu quả của việc làm ẩu, dự án BT chậm tiến độ gần năm nay, hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào đây đang năm phơi sương, phơi nắng gây lãng phí.

Như Kinh tế nông thôn có loạt bài phản ánh, tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện Dự án xây dựng cấp bách hệ thống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu theo hình thức BT, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 làm chủ đầu tư.

Điều đáng nói, Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 là đơn vị lập đề xuất dự án cũng là đơn vị duy nhất dự và trúng thầu một loạt 9 dự án gần 10.000 tỷ đồng khiến dư luận lo ngại.

Ngày 25/12/2016, chủ đầu tư và UBND tỉnh Thái Nguyên đã khởi công 2/9 dự án khi báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt, chưa ký hợp đồng BT, Báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh) chưa được phê duyệt.

Đặc biệt, HĐND tỉnh Thái Nguyên chưa thông qua chủ trương chuyển từ Dự án thành Đề án, chưa có quyết định chủ trương đầu tư.

Trong khi đó, lại có nhiều ý kiến từ thị trường lo ngại khả năng tài chính của Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8. Bởi theo nhận định của các chuyên gia, trên thực tế, từng dự án độc lập có phương án tài chính riêng, nhà đầu tư phải đáp ứng về năng lực tài chính cho dự án. Trong trường hợp nhà đầu tư tham gia cùng lúc nhiều dự án PPP, trong hồ sơ dự thầu phải kê khai ra hết các dự án đang thực hiện, có kiểm toán, bút toán đến thời điểm dự thầu, nếu không còn đủ năng lực tài chính sẽ bị loại. Đối với nhà đầu tư, với mỗi dự án độc lập, thì phải có năng lực tài chính độc lập với tất cả các dự án khác.

Trường hợp nhà đầu tư tham gia đồng thời 2 hay nhiều dự án, cần đưa thêm điều kiện vào hồ sơ mời sơ tuyển và hồ sơ mời thầu là tại thời điểm lựa chọn nhà đầu tư, phải có xác nhận của kiểm toán, phải liệt kê ra những dự án đang đầu tư; nếu kê khai sai, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ngoài ra, tại thời điểm ký hợp đồng cần yêu cầu nhà đầu tư nộp lại năng lực tài chính.

Trong khi đó, trước khi “ôm” 9 dự án trên, liên danh nhà thầu này cũng đã trúng thầu hàng loạt gói thầu lớn với tổng giá trị trúng thầu của riêng Tập đoàn Phúc Lộc lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Mặt khác, nói là liên danh hai nhà thầu, nhưng trên thực tế, hai công ty này đều do ông Lương Minh Tường làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Như vậy, khi triển khai đầu tư 9 dự án BT tại Thái Nguyên, liên danh nhà đầu tư này sẽ phải san sẻ nguồn lực tài chính của mình cho rất nhiều dự án đang dở dang và sẽ thực hiện đồng thời trong thời gian tới, bởi theo kế hoạch, 9 dự án BT tại Thái Nguyên được thực hiện gần như đồng thời trong khoảng thời gian từ 2017 - 2021.

Được biết, các dự án hiện đang chậm so với tiến độ khoảng 1 năm. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã bỏ ra 110 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án khoảng 200 tỷ đồng. Dự án đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang nằm phơi sương, sắt thép bị hen gỉ và vô cùng lo lắng khi bức tường đê cũ bị phá, tường đê mới chưa làm xong khi mùa mưa đã đến.

Thanh tra Chính phủ đã kết luận nhiều sai phạm liên quan đến dự án BT do Tập đoàn Phúc Lộc làm chủ đầu tư tại Bình Định. Thiết nghĩ, đây là bài học cho Thái Nguyên khi triển khai Dự án xây dựng cấp bách hệ thống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu.

Hoàng Văn

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/phuc-loc-sai-pham-tai-du-an-bt-o-binh-dinh-bai-hoc-cho-thai-nguyen-post30189.html