Phúc khảo tăng 22,5 điểm cho học sinh giỏi tô sai mã đề liệu có tin được không?

GDVN- Tô đúng mã đề thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm là thể hiện kỹ năng làm bài thi quan trọng nhất, đơn giản nhất của một thí sinh.

Dư luận chưa hết xôn xao chuyện có một thí sinh ở Trường Trung học cơ sở Tích Lương trong kỳ thi tuyển sinh 10 ở Thái Nguyên chỉ được 0,5 điểm Toán, nhưng sau khi phúc khảo thì số điểm của thí sinh này đã thành 9,75 điểm - tăng thêm 9,25 điểm nữa so với điểm công bố trước đó.[1]

Nay lại “mắt tròn mắt dẹt” khi Phòng Quản lý chất lượng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã công bố kết quả phúc khảo bài thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 đối với các học sinh trường trung học phổ thông.

Trong đó có kết quả phúc khảo của em Nguyễn Thị Phương Thảo, học sinh lớp 12A2 - Trường Trung học phổ thông Cù Huy Cận rất bất ngờ khi tăng thêm 22,5 điểm.

Cụ thể, Ngữ văn: từ 8,25 tăng lên 8,5; Lịch sử: từ 1,75 tăng lên 9,5; Địa lý: từ 2,25 tăng lên 9,25; Giáo dục công dân: từ 2,0 tăng lên 10. Tổng điểm xét tuyển đại học 28,25.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: Thùy Linh

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: Thùy Linh

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết, tỉnh có nhiều thí sinh làm đơn phúc khảo lại bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Riêng trường hợp em Nguyễn Thị Phương Thảo tăng 22,5 điểm ông Anh cho rằng: "Kết quả phúc khảo điểm tăng cao đối với trường hợp em Thảo là do nữ sinh đánh sai mã đề. Ví dụ như mã đề phía trên là 123, nhưng phía dưới lại tô mã 012”.[2]

Như vậy, em Nguyễn Thị Phương Thảo học sinh lớp 12A2 - Trường trung học phổ thông Cù Huy Cận tô sai mã đề của 3 bài thi môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân!

Chuyện sai sót như trên quả là hy hữu, khó tin được khi em Nguyễn Thị Phương Thảo là học sinh giỏi!

Dư luận có quyền đặt câu hỏi:

Thứ nhất, công tác hướng dẫn học sinh làm bài thi trắc nghiệm ở Hà Tĩnh nói chung và Trường trung học phổ thông Cù Huy Cận đạt yêu cầu chưa?

Thứ hai, công tác coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Hà Tĩnh đã thực hiện đúng quy chế?

Thái Nguyên chấm thi kiểu gì mà nhầm 9,5 thành 0,5?

Khoản 3 Điều 22. Quy trình tố chức coi thi và trách nhiệm thực hiện đã hướng dẫn rất rõ:

“3. Khi coi thi các bài thi trắc nghiệm, ngoài trách nhiệm được quy định tại các khoản 1, khoản 2 Điều này, CBCT thực hiện các công việc sau:

c) Phát đề thi cho thí sinh; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; các môn thi thành phần trong mỗi bài thi tổ hợp KHTN, KHXH có cùng một mã đề thi; khi phát đề thi, yêu cầu thí sinh kiểm tra mã đề thi bảo đảm chính xác, để đề thi dưới Phiếu TLTN và không được xem nội dung đề thi; khi thí sinh cuối cùng đã nhận được đề thi thì cho phép thí sinh lật đề thi lên và ghi, tô mã đề thi vào Phiếu TLTN, ghi mã đề thi vào hai Phiếu thu bài thi;

e) Không thu Phiếu TLTN trước khi hết giờ làm bài; khi thu Phiếu TLTN phải kiểm tra việc ghi và tô mã đề thi vào Phiếu TLTN của thí sinh (mã đề thi đã ghi, tô trên Phiếu TLTN và ghi trên Phiếu thu bài thi phải giống với mã đề thi ghi trên tờ đề thi của thí sinh)”.[4]

Nếu cán bộ coi thi làm đúng chức trách, nhiệm vụ, nghiệp vụ khó mà xảy ra tình trạng tô sai mã đề thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm.

Nếu để xảy ra tô sai mã đề, cần kỷ luật cán bộ coi thi vì chưa làm tròn chức trách của mình.

Liệu “tô sai mã đề” có phải là chiêu trò để nâng điểm cho thí sinh?

Chuyện tô sai mã đề bài thi trắc nghiệm được nâng điểm khi chấm phúc khảo không mới. Năm 2019 từng xảy ra ở Nam Định, Thanh Hóa … khi có hàng chục thí sinh được nâng điểm nhờ tô sai mã đề thi! [3]

Thế nhưng chuyện sai sót xảy ra trên khi đó thí sinh là “học sinh giỏi”, tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi, càng khiến dư luận nghi ngờ vào công tác tổ chức thi của Hà Tĩnh.

Đã đến lúc nói không với phúc khảo bài thi dạng “tô sai mã đề”.

Tô đúng mã đề thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm là thể hiện kỹ năng làm bài thi quan trọng nhất, đơn giản nhất của một thí sinh.

Nếu không tô đúng mã đề thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh đó “khiếm khuyết” về mặt kỹ năng làm bài. Dù kiến thức có tốt đến đâu mà không có kỹ năng thì kiến thức chỉ là hàn lâm, sách vở.

Vì vậy cần nói không với việc phúc khảo bài thi dạng “tô sai mã đề”, có như thế mới tăng cường kỹ năng cho học sinh, chịu trách nhiệm với chính mình khi bước vào đời.

Nói không với việc phúc khảo bài thi dạng “tô sai mã đề” cũng là cách phòng ngừa tiêu cực thi cử xảy ra nếu còn áp dụng hình thức thi trắc nghiệm.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thai-nguyen-cham-thi-kieu-gi-ma-nham-9-5-thanh-0-5-post211946.gd

[2]https://www.tienphong.vn/giao-duc/nu-sinh-ha-tinh-tang-them-225-diem-sau-phuc-khao-1721433.tpo

[3]https://kenh14.vn/bai-thi-2-diem-len-thanh-825-diem-do-to-sai-ma-de-o-nam-dinh-20190731223335609.chn

[4] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-15-2020-tt-bgddt-quy-che-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-184251-d1.html

Lê Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phuc-khao-tang-22-5-diem-cho-hoc-sinh-gioi-to-sai-ma-de-lieu-co-tin-duoc-khong-post212371.gd