Phục hồi vườn cây ăn quả sau thu hoạch

Thời điểm hiện tại, những vườn bưởi đã bắt đầu đơm quả, trong khi đó, các vườn cam đang thu hoạch cuối vụ và ra lứa hoa mới. Đây là thời điểm người trồng cây ăn quả cần tập trung chăm sóc không chỉ để phục hồi mà còn giúp nâng cao tỷ lệ ra hoa đậu quả.

Bà Đỗ Thị Thoa, xã Định Hải, thị xã Nghi Sơn kiểm tra, chăm sóc vườn cây ăn quả sau thu hoạch.

Vườn trồng cam, bưởi có quy mô gần 1 ha của gia đình bà Đỗ Thị Thoa, thôn 8, xã Định Hải, thị xã Nghi Sơn đã trồng được hơn 6 năm, nhưng đây mới chỉ là năm thứ hai cho thu hoạch. Cách đây gần 1 tháng gia đình bà đã thu hoạch hết quả. Để vườn cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao vụ quả tiếp theo, thời gian này, gia đình bà đang tập trung cắt tỉa cành, tạo tán và vun xới đất xung quanh gốc.

Được biết, xã Định Hải hiện có hơn 60 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, bưởi, trong đó, có khoảng 40 ha đã cho thu hoạch. Thời điểm này, những diện tích cam, bưởi đã cho thu hoạch đang bước vào thời kỳ ra hoa, đậu quả. Vì vậy, các chủ vườn đang tập trung chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Định Hải, cho biết: Để giúp bà con nông dân chăm sóc diện tích trồng cây ăn quả theo đúng kỹ thuật, UBND xã đã phân công cán bộ trực tiếp xuống các hộ dân để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và các biện pháp phòng, trừ các loại sâu, bệnh gây hại. Với thời tiết thất thường như hiện nay, cây cam thường dễ bị một số sâu bệnh gây hại, như: đục thân, nhện, rệp... Do đó, xã đang khuyến cáo các chủ vườn thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sâu bệnh, áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp, sử dụng các biện pháp sinh học, khi cây xuất hiện sâu bệnh cần phun các loại thuốc chuyên dùng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật.

Tại xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân, thời điểm này, các hộ trồng cây ăn quả đang tập trung chăm sóc vườn bưởi Diễn. Giống bưởi Diễn được trồng ở xã Bắc Lương từ năm 1995, đến nay, toàn xã đã phát triển được 40 ha. Ngay sau khi thu hoạch xong, bà con nông dân đã tiến hành cắt tỉa các cành bị sâu bệnh, cành yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả. Đồng thời, tăng cường vun xới đất, bón phân cho cây để vườn bưởi khỏe mạnh, phát triển tốt. Ông Trần Văn Tuân, xã Bắc Lương cho biết: Gia đình ông có vườn bưởi gần 100 gốc đã cho thu hoạch. Năm nào, khi bưởi đã thu hoạch xong, ông cũng thực hiện đầy đủ các biện pháp bón phân, làm cỏ, xới gốc, tỉa cành, tạo tán. Theo ông, việc làm cỏ, xới đất là rất quan trọng giúp bộ rễ của cây phát triển. Việc xới đất cũng cần đúng kỹ thuật, ở gần gốc thì xới nông, giữa các hàng thì xới sâu hơn để cho rễ cây bưởi phát triển tốt và ra hoa rộ. Ngoài ra, các chủ vườn nên áp dụng biện pháp thụ phấn bổ sung để tăng khả năng đậu quả cho cây.

Tháng 4 là thời điểm các vườn trồng cây ăn quả, như cam, bưởi, ổi đã thu hoạch xong và đang bước vào mùa đơm hoa mới. Do vừa kết thúc một mùa quả, lại bước sau một mùa quả mới, nên cây cần được chăm sóc và có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Để những vườn cây ăn quả sau thu hoạch được phục hồi, chăm sóc đúng kỹ thuật, hướng tới những mùa vụ bội thu tiếp theo, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con nông dân áp dụng đầy đủ và đúng cách các bước chăm sóc, như: tỉa cành, tạo tán sau thu hoạch. Đây là biện pháp kỹ thuật không thể thiếu nếu muốn có năng suất và sản lượng vụ sau. Khi vườn cây hồi phục, nhú chồi mới cũng là lúc sâu bệnh tấn công vườn, bởi vậy sau khi nhú đọt non, bà con cần kiểm tra vườn thường xuyên, khi phát hiện ra sâu hại ban đêm thì có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để tiến hành phun vào lúc khoảng 15 đến 16 giờ.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phuc-hoi-vuon-cay-an-qua-sau-thu-hoach/135502.htm