Phục hồi sinh cảnh Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa phối hợp với Vườn Quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) tổ chức hội thảo nghiên cứu phục hồi sinh cảnh Sếu đầu đỏ và kết quả đốt cỏ chủ động tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Đánh giá nghiên cứu, khảo sát tại Vườn Quốc gia Tràm Chim cho thấy: Chưa phát hiện thuốc trừ sâu trong mẫu đất và nước; lớp thực bì dày, đất khô cứng, độ ẩm thấp; cây tràm hoặc các cây ngoại lai xâm nhập vào bãi năng; việc chăn thả gia súc vào còn xảy ra và hàng ngày vẫn có nhiều người dân xâm nhập trái phép vào Vườn Quốc gia;… Đáng chú ý, ở các bãi ăn của Sếu, khảo sát cho thấy mực nước không phù hợp dẫn đến tình trạng đàn Sếu đầu đỏ về Vườn Quốc gia Tràm Chim giảm, nhất là trong 3 năm gần đây, lượng Sếu về kiếm ăn rất ít.

Sếu đầu đỏ, loài chim linh thiêng và quý hiếm. Ảnh: Nhà báo Trương Thanh Nhã

Từ đó, các đại biểu, chuyên gia cho rằng cần thực hiện phương án cải tạo sinh cảnh như: Dọn lớp thực bì; điều tiết mực nước phù hợp ở các phân khu và đốt cỏ chủ động, trục xung tạo băng trắng quanh bãi năng; tiêu diệt các cây ngoại lai xâm nhập - nhất là cây mai dương; phục hồi và phát triển bãi năng kim,… nhằm thu hút Sếu đầu đỏ trở lại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Theo các chuyên gia, Sếu đầu đỏ là loài chim quý hiếm đang được thế giới bảo vệ nghiêm ngặt. Chúng sinh sống chủ yếu ở vùng đất ngập nước, vùng ao hồ hoặc các cửa sông thuộc khu vực thuộc Tiểu lục địa Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và Australia. Sếu đầu đỏ ăn cả rễ, củ cây, côn trùng..., nhưng thức ăn mà chúng ưa thích nhất vẫn là củ năng kim mọc nhiều trên các đồng cỏ bàng ở các tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang của Việt Nam.

Cũng như Đồng Tháp, số lượng Sếu đầu đỏ trở về địa bàn tỉnh Kiên Giang những năm gần đây rất thất thường, có xu hướng giảm khiến nhiều người quan tâm lo lắng.

Trung Hưng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phuc-hoi-sinh-canh-seu-dau-do-tai-vuon-quoc-gia-tram-chim-post68458.html