Phục hồi kinh tế, thách thức lớn cho Indonesia trước đại dịch Covid-19

Phục hồi kinh tế một cách phù hợp và nhanh chóng là một trong những thách thức lớn cho quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.

Trong cuộc họp hạn chế trực tuyến về việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế quốc gia và điều chỉnh ngân sách nhà nước năm 2020 ngày hôm qua, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo cho rằng, việc xây dựng một chương trình phục hồi kinh tế phù hợp và có tính khả thi là điều cần thiết để ngăn chặn sự suy thoái của nền kinh tế trước đại dịch toàn cầu.

Tổng thống Joko Widodo tại cuộc họp. Nguồn: Setkab

Tổng thống Joko Widodo tại cuộc họp. Nguồn: Setkab

Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh: “Thứ nhất, thách thức lớn nhất đối với chúng ta bây giờ là làm sao để chuẩn bị một chương trình phục hồi kinh tế phù hợp, được thực hiện nhanh chóng, làm sao để tăng trưởng kinh tế ở nước ta không bị nhấn chìm sâu hơn. Thứ hai, chương trình phục hồi kinh tế quốc gia dự định phải có khả năng mang lại lợi ích hữu hình cho người kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp đang phải trải qua thâm hụt lao động, ngăn chặn tình trạng sa thải hàng loạt, đồng thời duy trì sức mua của công nhân và người lao động, duy trì sự ổn định lĩnh vực tài chính và bánh xe kinh tế. Chương trình phục hồi kinh tế phải được thực hiện một cách thận trọng, minh bạch, có trách nhiệm và có thể ngăn ngừa rủi ro đạo đức”.

Theo Tổng thống Joko Widodo, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức ngay từ đầu năm, song nền kinh tế Indonesia vẫn đạt tăng trưởng 2,97% trong quý I. Tổng thống hi vọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế từ quý II đến quý IV có thể được duy trì và không suy giảm về con số âm như đã dự đoán trước đó. Để làm được điều này, người đứng đầu quốc gia vạn đảo yêu cầu các chương trình phục hồi kinh tế phải có kịch bản hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cung cấp vốn cho các ngân hàng bị ảnh hưởng bởi tái cơ cấu, bảo lãnh cho vay vốn lưu động.

Tổng thống Indonesia yêu cầu khi thực hiện các chương trình này, chính phủ cùng với các bên liên quan phải sát cánh và sẵn sàng gánh vác, cùng nhau đạt được các mục tiêu đề ra.

Cũng tại cuộc họp, trước báo cáo về thâm hụt ngân sách nhà nước tăng do ảnh hưởng của việc xử lý dịch Covid-19 và các bước chiến lược khác nhau để phục hồi kinh tế, Tổng thống Indonesia đã yêu cầu Bộ trưởng Điều phối Kinh tế, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia phải đưa ra các tính toán cẩn thận hơn, chi tiết hơn về các rủi ro tài chính khác nhau trong thời gian tới, đồng thời đưa ra phương án điều chỉnh Ngân sách nhà nước năm 2020 một cách cẩn trọng và minh bạch.

Trước đó, Bộ Tài chính Indonesia đã đưa ra dự đoán, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đang đứng trước nguy cơ chỉ đạt tăng trưởng âm 0,4% vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu.

Ưu tiên hỗ trợ nông dân và ngư dân trong đại dịch Covid-19

Xác định nông dân và ngư dân là hai đối tượng ưu tiên hỗ trợ trong đại dịch Covid-19, chính phủ Indonesia đã đưa ra các chương trình hỗ trợ nông dân và ngư dân nước này để tiếp tục sản xuất và duy trì sự sẵn có của hàng hóa cơ bản.

Một triệu ngư dân Indonesia sẽ nhận được trợ cấp xã hội thời kì dịch Covid-19.

Trong cuộc họp với các bộ ban ngành liên quan ngày hôm qua, Tổng thống Indonesia đã đưa ra bốn chương trình trợ giúp nông dân và ngư dân nghèo. Đầu tiên, chính phủ Indonesia cung cấp chương trình mạng lưới an sinh xã hội cho khoảng 2,7 triệu nông dân nghèo và 1 triệu ngư dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 thông qua các chương trình: hy vọng gia đình, hỗ trợ dưới dạng tiền mặt và các gói thực thẩm quỹ của làng và chương trình miễn phí tiền điện. Mục đích của chương trình này là để giảm bớt gánh nặng tiêu dùng hộ gia đình cho các nông dân và ngư dân nghèo.

Chương trình thứ hai là trợ cấp lãi suất cho vay. Hiện nay, chính phủ Indonesia đã phân bổ ngân sách trị giá 34.000 tỷ Rupiah để giãn cách trả góp và hỗ trợ lãi suất vay cho nông dân và ngư dân.

Thứ ba, chính phủ Indonesia chuẩn bị cung cấp vốn lưu động cho nông dân và ngư dân. Hỗ trợ vốn lưu động có thể được thực hiện thông qua chương trình mở rộng Quỹ tín dụng doanh nghiệp nhân dân. Tổng thống Indonesia yêu cầu chương trình này phải được thực hiện một cách dễ dàng, không gây khó dễ cho nông dân.

Cuối cùng, chính phủ quốc gia vạn đảo cũng sẽ cung cấp gói hỗ trợ các phi tài chính bằng cách tìm kiếm chuỗi cung ứng giúp gia tăng năng suất của nông dân và ngư dân.

Trước đó, chính phủ Indonesia đã phân bổ ngân sách trị giá 110.000 tỷ Rupiah cho chương trình mạng lưới an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia này./.

Hương Trà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/phuc-hoi-kinh-te-thach-thuc-lon-cho-indonesia-truoc-dai-dich-covid19-1055748.vov