Phục hồi Điện Kiến Trung của triều Nguyễn

VH- Sau nhiều năm nghiên cứu, Điện Kiến Trung - nơi làm việc và sinh hoạt của hai vị Vua cuối cùng triều Nguyễn sẽ được tu bổ, phục hồi. Đây là một trong những công trình quan trọng của Khu di sản Hoàng cung Huế.

Bản vẽ Phối cảnh góc của Điện Kiến Trung, công trình dự kiến sẽ được khởi công phục hồi vào tháng 10 tới Ảnh: SƠN THÙY

Điện Kiến Trung được khởi công xây dựng vào năm 1921 và hoàn thành vào năm 1923 dưới triều vua Khải Định. Đến thời vua Bảo Đại, vào năm 1932, Nhà vua cho cải tạo lại nội thất của ngôi điện, lắp đặt thêm nhiều tiện nghi của phương Tây. Điện Kiến Trung là công trình tiêu biểu quan trọng, đánh dấu một giai đoạn độc đáo và đặc sắc bổ sung cho kiến trúc cung đình Huế.

Theo các chuyên gia về kiến trúc, ngôi điện này có đầy đủ những đặc điểm của một công trình phong cách Đông Dương với sự kết hợp giữa Á và Âu. Trên hình khối bố cục đậm chất Âu châu, Điện Kiến Trung được tô điểm bởi các chi tiết trang trí hoa văn, họa tiết, con giống mang đậm bản sắc của họa tiết cung đình, tạo nên xu hướng thẩm mỹ đặc trưng. Đây chính là phong cách kiến trúc Đông Dương do người Việt Nam sáng tạo ra và là những giá trị văn hóa, lịch sử đáng trân trọng.

TS Nguyễn Minh Đức cho rằng, Điện Kiến Trung là nơi chứng kiến sự ra đời, quá trình vận hành và sự thất bại về chính sách trị quốc của vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ tại Việt Nam. Tại đây, năm 1945, vua Bảo Đại đã thỏa thuận với đại biểu Chính phủ Việt Minh về thủ tục thoái vị, và cũng là nơi Nhà vua ra “Chiếu thoái vị”. Thế nên, Điện Kiến Trung không chỉ có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, mà còn mang ý nghĩa lịch sử lớn và cần được trùng tu, phục hồi.

Điện Kiến Trung là một công trình quan trọng nằm trên trục dũng đạo của Hoàng cung Huế, cùng với hệ thống các di tích như Điện Thái Hòa, Điện Cần Chánh, Điện Càn Thành, cung Khôn Thái. Tuy nhiên, do sự tàn phá của chiến tranh nên hiện chỉ còn duy nhất Điện Thái Hòa, các ngôi điện khác gần như bị phá hủy. Trong đó, Điện Kiến Trung bị hủy hoại vào năm 1947, chỉ còn lại hệ thống nền móng.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trước khi xây dựng kế hoạch phục hồi, trùng tu di tích Điện Kiến Trung, trung tâm đã phối hợp với nhiều chuyên gia và các đơn vị liên quan có nhiều năm nghiên cứu về ngôi điện này. Trong đó, tập trung các đề tài nghiên cứu để xác định rõ giá trị của di tích, không gian sử dụng, kích thước công trình, phong cách kiến trúc – mỹ thuật, kết cấu, vật liệu… “Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy những đặc điểm trang trí của Điện Kiến Trung rất độc đáo, nhìn từ tổng thể đến chi tiết đều có những nét đặc biệt. Vì vậy, trong quá trình trùng tu đòi hòi những người làm công tác bảo tồn phải hết sức thận trọng, triển khai hết sức bài bản và có tính cầu thị rất cao thì mới mong công trình trùng tu đạt kết quả và hoàn hảo được”, TS Phan Thanh Hải nói.

Dự kiến tháng 10 tới sẽ khởi công dự án phục hồi Điện Kiến Trung, và theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành sau 5 năm. Tuy nhiên, đây là một dự án rất lớn và được giới chuyên môn đánh giá 5 năm chỉ mới là thời gian ban đầu; về sau trung tâm vẫn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung nhiều chi tiết, đặc biệt là phần trang trí nội thất.

Dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Kiến Trung” được phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện hơn 123 tỉ đồng (tương đương khoảng 5,5 triệu USD). Đây là dự án có kinh phí khá lớn nên được giới chuyên môn và cộng đồng quan tâm.

Sơn Thùy

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/phuc-hoi-dien-kien-trung-cua-trieu-nguyen