Phục hồi chức năng sau đột quỵ, chớ coi thường!

Theo Bộ Y tế, mỗi năm, cả nước có khoảng 200.000 trường hợp bị đột quỵ và khoảng 50% trong số này tử vong. Đáng lo là độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ. Thời gian vàng để phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ cấp chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi được can thiệp, cứu sống. Vì vậy, nếu không tập vật lý trị liệu (VLTL) đúng cách, người đột quỵ khó tránh khỏi các di chứng.

Kỹ thuật viên tại Trạm Y tế phường 3, quận 3 tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng sau đột quỵ cho bệnh nhân. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Kỹ thuật viên tại Trạm Y tế phường 3, quận 3 tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng sau đột quỵ cho bệnh nhân. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Mất cơ hội hồi phục vì ngại tập

Đó là trường hợp đáng tiếc của bà Đ.T.H. (61 tuổi, ở Bến Tre). Hơn 2 năm trước, bà H. bị nhồi máu não khi đang phụ nấu ăn cho tiệc cưới. Bà H. đột nhiên bị yếu nửa thân người bên trái và nói khó. Được gia đình phát hiện, nhanh chóng đưa đến điều trị tại bệnh viện (BV) chuyên về đột quỵ tại TPHCM, bà H. may mắn qua cơn nguy kịch. Sau vài tuần theo dõi tại BV, bà được chỉ định tập VLTL phục hồi chức năng. Thế nhưng, bà H. chỉ tập được 2 ngày tại BV, sau đó bà về quê và không tập nữa. Chị B.T.H.N. (31 tuổi, con bà H.) chia sẻ, vì ngại xa, tốn kém và phiền con cháu nên bà H. không chịu đi tập VLTL. Hiện tại, do lâu ngày không vận động nên bà H. bị yếu các chi, không thể đi lại, việc sinh hoạt cá nhân phải do con cháu trong nhà giúp đỡ.

Anh N.V.T. (53 tuổi, ngụ tại TPHCM) cũng may mắn được cứu chữa kịp thời vì xuất huyết mạch máu não. Gần 3 năm trước, anh T. được chỉ định tập VLTL để có thể đi lại và cầm nắm, nhưng do gia đình khó khăn và bảo hiểm y tế hết hạn nên anh ngậm ngùi trở về nhà. “Cứ nghĩ là về nhà tự tập theo những gì mình thấy khi ở BV các bác sĩ tập cho bệnh nhân, hoặc lên mạng xem mấy clip hướng dẫn rồi tập theo, ngờ đâu được vài hôm thì anh T. than đau và không chịu tập nữa”, chị P.T.N (51 tuổi, vợ anh T) kể. Hậu quả, ngoài teo cơ anh T. còn bị viêm phổi.

Theo BS CK2 Đinh Quang Thanh, Cố vấn chuyên môn, Trưởng khoa Vật lý trị liệu, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (TPHCM), không ít trường hợp bệnh nhân đột quỵ không tập VLTL hoặc đang tập thì nghỉ giữa chừng vì nhiều lý do. Nếu không tập VLTL, bệnh nhân đột quỵ dễ bị teo cơ, yếu chi, co rút cơ khiến cử động bị hạn chế. Ngoài ra, khi nằm lâu không vận động thì bệnh nhân dễ bị viêm phổi, nhiễm trùng tiểu. “Để điều trị đột quỵ cho bệnh nhân khi qua giai đoạn cấp, sinh hiệu ổn định thì thuốc chỉ là yếu tố phụ còn tập VLTL mới là chính. Tuy nhiên, khá nhiều bệnh nhân cứ lầm tưởng bác sĩ cho thuốc tốt là được”, BS Thanh chia sẻ.

Vật lý trị liệu đến với bệnh nhân

Hướng đến mục tiêu để tất cả bệnh nhân đột quỵ đều được điều trị, tập VLTL, nhiều cơ sở y tế từ BV chuyên về phục hồi chức năng đến các trạm y tế phường, xã đã triển khai đầu tư nhân lực và trang thiết bị hiện đại. TS-BS CK2 Phan Minh Hoàng, Phó Giám đốc điều hành BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, cho biết, BV luôn chú trọng tiếp thu kỹ thuật và trang thiết bị hiện đại giúp bệnh nhân hồi phục chức năng sau đột quỵ. Để giải quyết tình trạng thiếu kỹ thuật viên có trình độ và BS có thể chỉ định VLTL để bệnh nhân được bảo hiểm y tế thanh toán, BV tổ chức các khóa học 6 tháng đào tạo BS VLTL cho khắp các BV trên cả nước. “Chúng tôi liên tục mở các lớp đào tạo này để đáp ứng nhu cầu các BV, số BS tham gia khóa học ngày càng tăng”, BS Đinh Quang Thanh chia sẻ.

Trạm y tế phường 3 và phường 9 (quận 3, TPHCM) đã mạnh dạn đổi mới hoạt động kết hợp khám chữa bệnh và VLTL, phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày tại Trạm Y tế phường 3 có hơn 10 lượt bệnh nhân đột quỵ đến tập VLTL. “BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp hỗ trợ bằng cách mỗi ngày đưa 3 - 4 kỹ thuật viên có trình độ và tay nghề xuống trạm để tập cho bệnh nhân đột quỵ”, BS Đặng Thị Quốc Khánh, Trưởng Trạm Y tế phường 3, cho biết. Cơ sở vật chất và thiết bị thực hiện được trạm y tế đầu tư. Để tạo điều kiện thuận lợi, khi đến đây tập VLTL, người dân được miễn phí 3 tháng tập luyện. Ngoài cho bệnh nhân tập tại trạm, Trạm Y tế phường 3 còn cử kỹ thuật viên đến tập miễn phí tận nhà cho bệnh nhân.

Đặc biệt, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM còn hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn thành phố được miễn phí tập VLTL theo đề án hỗ trợ người khuyết tật. Từ năm 2018, người khuyết tật thuộc nhóm 6 (người có khiếm khuyết chức năng do các bệnh mãn tính như di chứng tai biến mạch máu não, bại não...) được tập VLTL miễn phí trong 3 tháng. BV cũng triển khai chương trình khám và tập tại nhà cho người khuyết tật khó khăn, neo đơn tại TPHCM. Sau hơn 2 năm thực hiện, BV đã triển khai thực hiện tại 8 quận huyện, với hơn 700 người khuyết tật tại cộng đồng được tham gia tập VLTL miễn phí.

KIM HUYỀN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phuc-hoi-chuc-nang-sau-dot-quy-cho-coi-thuong-703985.html