Phục Hòa hướng tới mô hình đô thị vùng biên

Chúng tôi đến huyện Phục Hòa giữa lúc Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng đang bắt đầu đi vào hoạt động ổn định với gần 40 dự án trị giá gần 10.000 tỷ đồng. Phát huy lợi thế là huyện biên giới, có vị trí trọng yếu về an ninh - quốc phòng và có cửa khẩu giao thương quốc tế, những năm qua, Phục Hòa đã triển khai đồng loạt những chính sách tích cực nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, tạo đà bứt phá để xây dựng địa phương trở thành một đô thị kiểu mẫu vùng biên và là thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2020.

Khu Kinh tế cửa khẩu Tà Lùng đang đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả. Ảnh: Tuệ Lâm

Nằm ở phía Đông Nam tỉnh Cao Bằng, Phục Hòa có 7 xã và 2 thị trấn, trong đó 6/9 xã, thị trấn tiếp giáp với huyện Long Châu, Quảng Tây (Trung Quốc). Những năm gần đây, nhằm từng bước phát triển giao lưu kinh tế đối ngoại, mậu dịch biên giới và du lịch, dịch vụ trên địa bàn, huyện đã thường xuyên tổ chức Hội chợ Triển lãm thương mại quốc tế Việt - Trung với chủ đề “Hợp tác - Hữu nghị cùng phát triển”, hoặc Hội đàm “Hợp tác phát triển thương mại biên giới”. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài nước giao lưu, xúc tiến thương mại và quảng bá tiềm năng phát triển các sản phẩm hàng hóa dịch vụ của huyện Phục Hòa (Việt Nam) và huyện Long Châu, thành phố Sùng Tả, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).

Cùng với các hoạt động nói trên, huyện cũng đã chủ động phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức hội thảo về thách thức, cơ hội và tiềm năng hợp tác đầu tư đối với các doanh nghiệp địa phương trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Các ý kiến tham luận tại hội thảo của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách biên mậu đã giúp cho huyện định hướng xây dựng cơ chế giảm thiểu rủi ro trong hoạt động xuất, nhập khẩu theo hình thức tiểu ngạch Việt Nam - Trung Quốc và maketing địa phương, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ, huyện cũng đã xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, trong đó, tập trung thực hiện các đề án du lịch trọng điểm như mô hình làng du lịch cộng đồng gắn với Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành; đề án tôn tạo di tích Thành Nhà Mạc, Đền Vua Lê; địa điểm Bác Hồ đến thăm công nhân khai thác gỗ Tà Vẹt (xã Mỹ Hưng), Đền thờ Trần Duy Trân, Khu thờ tự của Anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn (xã Triệu Ẩu)...; du lịch thể thao chinh phục núi (điểm nhìn ngoạn mục tại xã Lương Thiện), du lịch hang động (Ngườm Lồm, Nặm Khao và hệ thống hang động mới được phát hiện); du lịch trên sông Bằng... nhằm bảo tồn tại chỗ các di sản sẵn có để quảng bá, thu hút khách du lịch đến tham quan, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương từ dịch vụ du lịch.

Đồng chí Lương Đức Tố, Phó Chủ tịch UBND huyên Phục Hòa cho biết, hiện nay, Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng với vốn đầu tư xây dựng hơn 210 tỷ đồng đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả. Đến nay, đã có 29 nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện 35 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 2.141 tỷ đồng và 36,355 triệu USD, sử dụng trên 1.000 lao động thường xuyên và hàng vạn lao động tự do hoạt động bốc xếp hàng hóa theo thời vụ.

Để đẩy mạnh các hoạt động biên mậu, huyện cũng chủ động bàn với một số doanh nghiệp Trung Quốc giới thiệu các quy hoạch du lịch, vùng trồng các cây thế mạnh của địa phương và làm trung gian kết nối giữa các doanh nghiệp hai bên để ký kết thỏa thuận hợp tác tập trung vào xuất khẩu nông sản, thủy sản đông lạnh qua cửa khẩu Tà Lùng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hợp tác thí điểm hai bên trong năm 2017. Hiện nay, toàn huyện đã bước đầu triển khai dự án trồng khoảng 300ha chuối tại thị trấn Hòa Thuận và xã Đại Sơn, đồng thời sẵn sàng đầu tư trồng mía xuất khẩu.

Tại trụ sở UBND huyện, chúng tôi được xem bản đồ họa phối cảnh quy hoạch định hướng phát triển đô thị huyện Phục Hòa đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, phạm vi quy hoạch khoảng 14.205ha, gồm 5 phường: Hòa Thuận, Tà Lùng, Mỹ Hưng, Cách Linh, Đại Sơn và 4 xã: Triệu Ẩu, Hồng Đại, Lương Thiện, Tiên Thành; trong đó, phường Hòa Thuận là trung tâm hành chính và phường Tà Lùng là trung tâm kinh tế. Đô thị Phục Hòa hướng tới đô thị thịnh vượng, khu vực tăng trưởng năng động phía Đông của tỉnh, trung tâm xuất nhập khẩu quốc tế, đô thị hấp dẫn và giàu bản sắc, điểm đến của du lịch quốc gia và quốc tế, trung tâm giao thông, hậu cần vận tải vùng, đô thị xanh, tích hợp.

Căn cứ trên kết quả thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì mục tiêu này của huyện Phục Hòa là hết sức khả thi. Chủ tịch UBND huyện Phục Hòa, Đinh Bế Hoan phấn khởi thông báo rằng, đến nay, hầu hết các xã của huyện đều đạt từ 10 đến 15 tiêu chí trên tổng số 19 tiêu chí được đặt ra. Đến nay, hạ tầng giao thông của huyện cơ bản đã khép kín và tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng sân vận động huyện, công viên, quảng trường, nghĩa trang, nâng cấp bãi xử lý rác thải, tu bổ nâng cấp giao thông, nâng cấp các chợ..., tạo tiền đề để Phục Hòa vững bước trên con đường trở thành đô thị cửa khẩu phát triển của tỉnh.

Với một loạt các giải pháp đồng bộ trong phát triển toàn diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội giai đoạn 2013 - 2020, có thể nhận thấy một thị xã vùng biên Phục Hòa khang trang, hiện đại đã và đang dần hình thành với nhiều khởi sắc.

Tuệ Lâm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phuc-hoa-huong-toi-mo-hinh-do-thi-vung-bien/