Phục dựng vở tuồng hiện đại 'Tình mẹ': Cơ hội cho người trẻ

Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa chính thức phục dựng vở tuồng hiện đại 'Tình mẹ' (Tác giả: Thùy Linh và Hoàng Đức Anh; Đạo diễn: Đình Phong - Chi Lăng).

Cảnh trong vở “Tình mẹ”.

Cảnh trong vở “Tình mẹ”.

Theo đó, vở tuồng “Tình mẹ” được phục dựng nằm trong chương trình Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. “Tình mẹ” được dàn dựng dựa trên tác phẩm đã được Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng cách đây 49 năm (năm 1971). Đây là vở diễn nổi tiếng một thời, gắn liền với tên tuổi nhiều thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam như NSND Bạch Trà (mẹ Lê), NSND Mẫn Thu (cô Lý), NDND Lê Tiến Thọ (anh Lê), NSND Hoàng Khiềm (chánh mật thám)...

Dựa theo nguyên tác cũ, “Tình mẹ” là câu chuyện kể về cuộc đời của chiến sĩ cách mạng Lê Viết Thuật, một trong những tấm gương tiêu biểu của phong trào cách mạng Việt Nam. Lê Viết Thuật là một Đảng viên có vai trò quan trọng trong các cuộc đấu tranh của công nông binh Vinh - Bến Thủy. Đồng thời, vở diễn còn đưa khán giả sống lại thời điểm những năm 1930 - 1931, khi cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lôi cuốn hàng vạn công nhân, nông dân đứng lên đấu tranh đòi quyền làm chủ, xây dựng đời sống mới. Để làm cách mạng, biết bao người đã hy sinh cả tình riêng của mình. Đó là anh Lê, chị Lý - đại diện cho những người hy sinh tình yêu cho lý tưởng; Mẹ Lê cống hiến trọn đời mình và hy sinh cả con trai cho cách mạng. Bọn đế quốc, phong kiến đã dùng mọi thủ đoạn dã man đàn áp phong trào cách mạng khiến cuộc đấu tranh bị dìm trong biển máu, nhưng tinh thần bất khuất của người mẹ Việt Nam, của các chiến sĩ cộng sản sống mãi với trang sử vẻ vang của đất nước…

Không chỉ tạo nên dấu ấn về nội dung, vở diễn còn đánh dấu những nỗ lực của Nhà hát Tuồng Việt Nam trong việc “thu hút” khán giả đến với sân khấu truyền thống. Điểm nhấn của vở diễn là sự ra mắt dàn diễn viên trẻ thuộc thế hệ nghệ sĩ 9X trong Đoàn Thể nghiệm Nhà hát Tuồng Việt Nam. Đây đều là các nghệ sĩ mới tốt nghiệp lớp diễn viên, nhạc công tuồng hệ Trung cấp - K.34 (khóa 2014 – 2018) thuộc Dự án liên kết đào tạo của Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội và Nhà hát Tuồng Việt Nam. Nhiều diễn viên 9x còn được “chọn mặt, gửi vàng” với những vai diễn chính từ mẹ Lê đến anh Lê, cô Lý, rồi vai chánh mật thám, huyện Thành, Tổng Diện, ông Bền, cụ Cố, em Độ… Có thể kể đến diễn viên trẻ Kim Ngân trong vai mẹ Lê - vai diễn gắn liền với tên tuổi của NSND Bạch Trà, đã mang đến cho khán giả một hình ảnh hoàn toàn mới lạ. Hay các diễn viên trẻ như Tuấn Hiệp, Tuấn Dương, Thanh Phương… dù đảm nhận những vai diễn “nặng ký” nhưng cũng đã thực hiện “tròn vai”.

“Tình mẹ” như một minh chứng cho những nghệ sĩ trẻ chứng tỏ năng lực bản thân, để có thể khẳng định nghệ thuật truyền thống đang có một thế hệ kế cận hùng hậu. Đây cũng là thế hệ sẽ nối tiếp lớp nghệ sĩ đàn anh bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của cha ông.

Ông Tạ Văn Sốp- Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, vở diễn được phục dựng có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, nhắc nhớ về sự hy sinh của người cộng sản ngay từ những ngày đầu chuẩn bị thành lập Đảng. Đó còn là sự hy sinh của những bà mẹ cho độc lập dân tộc lúc bấy giờ… Chính vì vậy việc hóa thân thành những nhân vật đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn, lại về đề tài cách mạng, chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, tôi thấy họ như có thêm niềm tin và ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện vai diễn của mình. Đó cũng là mục tiêu và mong muốn của nhà hát.

Đóng vai trò là cố vấn của vở diễn, NSND Hoàng Khiềm- nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam bày tỏ: Với các nghệ sĩ mới ra trường, kinh nghiệm sân khấu chưa có, thời gian lên sân khấu cũng chưa nhiều, nên nói thực sự hài lòng thì chưa hẳn. Nhưng qua vở diễn, các em trẻ sẽ được kích thích tình yêu nghề, phát hiện những tố chất tiềm ẩn và cũng là một lần có thêm bản lĩnh đứng trên sân khấu. NSND Hoàng Khiềm kể lại: Khi tôi 21 tuổi, mới ra nghề, chỉ được phân vai phụ - vai chánh mật thám, trước đó do thầy Quang Tốn từng đảm nhiệm. Tôi kể câu chuyện này để nói đến sự vất vả của nghệ thuật tuồng truyền thống. Muốn thành đạt, các nghệ sĩ trẻ phải trải qua một quá trình lên sân khấu, biểu diễn thật nhiều nhằm tạo cho mình bản lĩnh vững vàng. Trong vở diễn lần này, chúng tôi tạo điều kiện để các em nắm vững vốn quý của dân tộc, cũng như kinh nghiệm thực tế của đời sống xã hội để thổi hồn vào mỗi vai diễn. “Nhìn thấy ở các em những tố chất tiềm ẩn, nếu động viên các em tập trung vào nghề, kích thích tình yêu nghề, thì sẽ thành công”, NSND Hoàng Khiềm nói.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/phuc-dung-vo-tuong-hien-dai-tinh-me-co-hoi-cho-nguoi-tre-tintuc461241