Phục dựng điện Kính Thiên: Rất nhiều băn khoăn

Muốn phục dựng lại điện Kính Thiên phải có đủ tư liệu, hình ảnh. Khi mọi thứ còn mơ hồ, chưa có đủ tư liệu rõ ràng thì không nên làm

Phục dựng lại điện Kính Thiên một lần nữa được Hà Nội, đại diện ngành văn hóa, các cơ quan bảo vệ di sản quốc gia đặt ra. Các quan điểm ủng hộ đang cho rằng, cần khởi động việc nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên sớm và không nên quá cầu toàn. Việc phục dựng chỉ cần dựa vào tài liệu gốc, tư liệu khảo cổ, so sánh với những công trình có yếu tố tương tự để dựng lại.

Tuy nhiên, cũng nhìn nhận việc này không đơn giản, do đó, những quan điểm ủng hộ cũng kêu gọi sự chung tay của nhiều chuyên ngành, các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà sử học uyên thâm, tâm huyết và một quyết tâm chính trị lớn để làm được việc này.

Lính Pháp chụp ảnh bên thềm điện Kính Thiên trong thời gian đồn trú tại đây (Ảnh trên do bác sĩ Charles – Edouard Hocquard chụp giai đoạn 1884 -1885)

Lính Pháp chụp ảnh bên thềm điện Kính Thiên trong thời gian đồn trú tại đây (Ảnh trên do bác sĩ Charles – Edouard Hocquard chụp giai đoạn 1884 -1885)

Khi đề cập tới vấn đề này, cũng giống như những quan điểm trước, nhiều ý kiến vẫn bày tỏ lo ngại, thậm chí còn kiến nghị không nên phục dựng điện Kính Thiên để bảo vệ di sản.

KTS Võ Kim Cương đặt câu hỏi: "Sẽ phục dựng điện Kính Thiên bằng cách nào? Tư liệu đâu để phục dựng?".

Trong khi, KTS Hồ Duy Diệm lại băn khoăn không hiểu vì sao cần phải phục dựng lại điện Kính Thiên? Vị KTS cho hay, những gì thuộc về kiến trúc cổ thì chỉ nên gìn giữ và duy trì, không dễ có thể phục dựng được.

"Về mặt kiến trúc, muốn dựng lại điện Kính Thiên trong quá khứ thì cần phải có những tư liệu kiến trúc liên quan trực tiếp tới công trình này. Tuy nhiên, hiện nay những tư liệu về kiến trúc của công trình cũng đã bị phá hủy, hư hỏng, phần giữ lại chủ yếu chỉ là những dấu tích cũ không rõ ràng.

Những hình ảnh chụp lại từ công trình cũ cũng không có, vậy thì phục dựng lại thế nào? Ví dụ muốn phục dựng lại 5 cửa ô, phải tìm được dấu tích về các cửa ô, hình ảnh, dấu tích, dựa vào đó có thể hình dung ra kích thức, kiến trúc, chiều cao, chiều rộng... để phục dựng lại cửa ô mới.

Tuy nhiên, điện Kính Thiên thì khác, đó là một công trình kiến trúc với rất nhiều chức năng khác nhau, vì thế quy mô, cấu trúc, không gian cũng vô cùng phức tạp, không thể phục dựng chỉ theo tưởng tượng được.

Kể cả thực hiện khai quật tiếp di sản để tìm ra nền móng của điện thì qua nền móng cũng có thể giúp hình dung lại hình dáng công trình nhưng cũng không thể chắc chắn hình dáng, cấu trúc đó có đúng hay không?", KTS Hồ Duy Diệm lo lắng.

Từ những băn khoăn trên, vị KTS cho rằng không nên phục dựng lại điện Kính Thiên khi mọi thứ còn mơ hồ, chưa có đủ tư liệu rõ ràng, thay vào đó nên bảo vệ, bảo tồn những gì đang có bởi đó là kiến trúc khảo cổ, là di sản chúng ta đã có.

Việc phục dựng điện Kính Thiên, trong quá khứ từng được cố GS Phan Huy Lê góp ý rất nhiều. Thời điểm đó, GS Lê cho rằng, đúng là nền điện còn đó và vẫn còn một bức ảnh do người Pháp chụp. Bức ảnh này là trung thực song chụp vào thời nhà Nguyễn chứ không phải điện Kính Thiên của Cấm thành Thăng Long xưa.

Sử sách chỉ rõ năm 1816, điện Kính Thiên đã sụp đổ và vua Gia Long đã cho hủy bỏ để xây hành cung. Từ bức ảnh đó để phục dựng hành cung đã khó, phục dựng điện Kính Thiên còn khó hơn. Vì vậy, cần khai quật khảo cổ ở xung quanh nền điện Kính Thiên để hiểu được điện.

Còn TS Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, trăn trở vấn đề đặt ra là phục dựng thế nào khi tài liệu chưa đủ vì kiến trúc hiện nay đã bị thay đổi về quy mô kích thước.

Điều thứ hai mà ông Quân tỏ ý quan tâm là mối quan hệ của nó với công trình bên dưới sẽ xử lý thế nào. Khi phục dựng xong, bên trong điện sẽ chứa đựng cái gì, tái hiện chức năng của điện Kính Thiên thế nào, thổi hồn vào nó ra sao?...

"Chỉ riêng việc nghiên cứu để trả lời cho được những câu hỏi này đã thực sự là một thách đố", ông Quân nhận định.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/phuc-dung-dien-kinh-thien-rat-nhieu-ban-khoan-3429821/